Giải “nút thắt” cho startup Việt trong gọi vốn đầu tư
Cập nhật lúc: 25/12/2020, 10:03
Cập nhật lúc: 25/12/2020, 10:03
Theo công bố của StartupBlink năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang đứng trong nhóm 25 hệ sinh thái hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xếp hạng 59 trên toàn cầu. Nếu tính theo từng thành phố, Hà Nội cũng lọt vào Top 200 trung tâm khởi nghiệp trên thế giới. Trong khi đó, TP.HCM có sự thăng hạng vượt trội khi thành công ghi tên vào Top 225 mặc dù năm 2019 chưa có mặt trong danh sách.
Trên đà phát triển đó, thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ cũng đã quyết tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặt mục tiêu có ít nhất 5 unicorn vào năm 2025 và 10 unicorn vào năm 2030. Thế nhưng việc hoàn thành mục tiêu này hiện vẫn là một bài toán lớn.
Nhiều chuyên gia về khởi nghiệp từng đánh giá, Việt Nam là một trong những “cường quốc startup”, dẫn đầu về số lượng. Thế mạnh của hệ sinh thái hiện nay là giới trẻ có thể khởi nghiệp với ý tưởng cực kỳ nhanh, kỹ thuật tốt về mặt phát triển sản phẩm và công nghệ. Tuy nhiên, khi xét tới số lượng startup có định giá trên 200 triệu trở lên hoặc ở cấp độ unicorn thì vẫn còn thấp. Thậm chí, sau những năm nở rộ, việc gọi vốn đầu tư nay cũng có phần vất vả hơn.
Báo cáo của Do Ventures về tình hình đầu tư vào startup Việt năm 2019 và nửa đầu năm 2020 cho biết, sau khi vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt ngưỡng cao kỷ lục trong năm 2019, với 123 thương vụ đầu tư trị giá 861 triệu USD thì 6 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn đổ vào cho các startup công nghệ chỉ đạt 222 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính của việc dòng vốn yếu đi là do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những yếu tố mang tính nhược điểm đặc thù của các startup Việt Nam cũng ngày càng lộ rõ, nhất là sau những biến động bất ngờ trong năm 2020. Nhiều startup từng gọi vốn thành công hàng triệu USD cũng rơi vào cảnh lao đao, trục trặc trong việc quản trị, dẫn đến nhiều nhà sáng lập hay CEO phải nói lời chia tay với doanh nghiệp mà mình dốc sức xây dựng.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, đánh giá gọi vốn thực sự là một trong những thách thức lớn của các startup Việt. Thách thức này không nằm ở chỗ thiếu nguồn vốn hay vì thiếu sự quan tâm về thị trường Việt Nam. Cái thiếu thật sự của mình là ở khả năng và tầm nhìn của các bạn sáng lập. Các bạn rất mạnh, vì bởi ở giai đoạn đầu tiên là tìm ra ý tưởng, xây dựng, nhưng tới giai đoạn triển khai và hoàn hiện thì các bạn thiếu khả năng lãnh đạo, thu hút nhân tài, xây dựng hệ thống, quản lý”.
Chính vì thế, các startup Việt Nam cần được trang bị kỹ càng các kiến thức nền tảng, kinh nghiệm, chuyên môn để không chỉ sôi động ở vòng tiền hạt giống, hạt giống… mà còn đủ năng lực để có thể tiến lên nấc thang series A, B, C…và ước mơ thành kỳ lân. Điều này sẽ tránh được nguy cơ hệ sinh thái mãi mãi dừng lại ở việc hùng mạnh về số lượng mà khó lòng phát triển một cách bền vững.
Góp phần vào việc hỗ trợ các startup giải quyết những thách thức này, đặc biệt trong giai đoạn đầu (early-stage), Grab Ventures Ignite 2020, một hoạt động nằm trong lộ trình triển khai sứ mệnh Grab Vì cộng đồng, vừa khép lại sau gần 7 tháng triển khai ở Việt Nam. Dù là mùa đầu tiên nhưng chương trình đã thu hút hơn 300 startup đăng ký, đến từ 7 quốc gia trong khu vực với hơn 10 lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Trong suốt chương trình, các startup đã được đào tạo, tham gia các buổi cố vấn chuyên nghiệp với các chuyên gia đến từ Grab và các đối tác của chương trình để học hỏi các chiến lược tăng trưởng và gọi vốn, quản trị nhân sự, xây dựng nền tảng công nghệ, marketing, sales…
Vừa qua, Grab Ventures Ignite 2020 đã tìm ra 5 mô hình startup xuất sắc nhất gồm: bePOS, Vbee, Stringee, Papaya, GoDee. Các startup này đều đang hoạt động trong các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, vận chuyển và truyền thông.
Đại diện Vbee, startup đang xây dựng hệ sinh thái giọng nói trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên tại Việt Nam, cho biết những kinh nghiệm bài học chia sẻ của Grab rất thực tế. Tuy nhiên, startup này nói rằng, bài học nhớ nhất là chương trình đã giúp họ nghĩ lớn, mơ lớn hơn tầm nhìn nhỏ hẹp ban đầu.
“Khi được trò chuyện, tư vấn cùng đội ngũ của Grab, chúng tôi nhận ra nền tảng của mình cũng có thể phát triển được tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước có cấu trúc ngôn ngữ tương tự như tiếng Việt”, đại diện Vbee nói.
Hay như câu chuyện của bePOS, nền tảng siêu điểm bán hàng với mục tiêu hỗ trợ cho các cửa hàng kinh doanh vừa và nhỏ ở Đông Nam Á. Hiện nay khách hàng của bePOS là những chuỗi café và spa tại khoảng 15 quốc gia.
“Grab Ventures Ignite đã giúp chúng tôi vạch ra kế hoạch chi tiết và đánh giá ý tưởng nào sẽ phù hợp với thị trường nào, khi thực thi sẽ ra sao. Đó là những trải nghiệm cực kỳ quý báu. Chưa kể, tôi thật sự bất ngờ khi nhận được sự cố vấn rất chi tiết và tận tình của đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Grab. Đó là trải nghiệm thật sự rất hiếm có đối với tôi”, đại diện bePOS chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/giai-nut-that-cho-startup-viet-trong-goi-von-dau-tu-d135447.html
11:34, 22/01/2021
17:16, 20/01/2021
18:05, 18/01/2021