22/11/2024 | 03:49 GMT+7, Hà Nội

Giải cứu DN do Covid-19: "Các chính sách giống như bắn tên mà không có đích"

Cập nhật lúc: 13/04/2020, 20:02

Đây là nhận định của TS. Phạm Sỹ Thành tại Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2020" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào sáng nay (13/4).

  • Cần tập trung vào nhóm doanh nghiệp chịu tổn thương lớn

Tại buổi tọa đàm, nhận xét về cách thức ứng phó với đại dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR cho rằng, Chính phủ hiện chưa phân chia rõ về chính sách phản ứng trong đại dịch và sau đại dịch.

Theo TS. Thành: “Hiện các chính sách đang tập trung vào ứng phó với dịch bệnh mà chưa tính tới viễn cảnh sau đại dịch như thế nào. Chính phủ đang tập trung vào chống dịch hơn là lo các chính sách kinh tế giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng sau dịch".

Theo ông, gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ có quy mô “tương đối khiêm tốn”.

TS. Thành nhận định: “Ta có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, tức là đâu đó khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 1% GDP. Nhìn sang với các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Singapore, 2 gói hỗ trợ của họ đã lên tới 38 tỷ USD, bằng 11% GDP và chiếm nửa ngân sách quốc gia này. Như vậy, gói hỗ trợ của ta vẫn còn khiêm tốn, cách phản ứng vẫn rất truyền thống. Đương nhiên, tôi hiểu ngân sách không dư dả để Chính phủ có thể mạnh tay. Bộ Tài chính đã phải dành nhiều công sức để giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng ở thời điểm bất thường, những chính sách phi truyền thống nên được tính đến”.

Một nhận xét khá gai góc khác của ông Thành là chương trình hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Việt Nam không có trọng tâm.

Ông Thành nhận định: “Các phản ứng của Chính phủ, thoạt nhìn rất toàn diện, từ tiền tệ, tài khóa đến bảo hiểm xã hội, an sinh nhưng tôi không thấy trọng tâm của chính sách ấy. Không ai hiểu những hỗ trợ này đang hướng tới khu vực, ngành nghề, doanh nghiệp nào. Các chính sách này giống như bắn tên mà không có đích vậy. Hãy tập trung vào một nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề có mức độ tổn thương lớn hoặc có sức lan tỏa lớn. Đó mới là hiệu quả của chính sách ở thời điểm bất thường”.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR

Cũng theo ông Thành, các chương trình của Chính phủ được thực hiện quá chậm chạp. 

"Tính đến thời điểm này, đại dịch đã bước sang tháng thứ 3. Trong chính sách tiền tệ, tất cả những gì Ngân hàng Nhà nước và 23 ngân hàng thương mại đã làm là lên phương án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có gói nào giải ngân. Chính sách tài khóa, bảo hiểm xã hội cũng vậy. Tất cả những gì chúng ta biết là Bộ Tài chính và các địa phương đang lên dự thảo, tức mới chỉ trên giấy.

Ở thời điểm nào thì liều thuốc kích thích thực sự được bơm vào nền kinh tế? Tôi nghĩ về quy mô, tốc độ và đích ngắm, Chính phủ đều thiếu. Đó là điều phải khắc phục nhanh nếu không muốn các doanh nghiệp và người dân đối diện với khó khăn hơn nữa, nhất là khi dịch vẫn chưa biết còn kéo dài đến bao giờ", TS. Thành cho hay.

Chia cấp độ: Hỗ trợ và cứu trợ

Cũng tại toạ đàm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã chỉ ra thế "lưỡng nan" của Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang “cúm nặng” vì Covid-19. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách tiền tệ gặp nhiều ràng buộc về mục tiêu lạm phát và tỷ giá.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

“Các nước phát triển có mức lạm phát rất thấp, chỉ quanh 0 - 1% nên mới có thể mạnh tay cung cấp các gói kích thích tiền tệ lớn. Tiếp nữa, đồng nội tệ của Việt Nam không được mạnh như các đồng ngoại tệ khác (JPY, USD). Việc áp dụng các gói QE lớn dẫn đến rủi ro dòng vốn rút khỏi nước ta khi đồng nội tệ mất giá quá nhiều. Vì vậy, Chính phủ cần cẩn trọng khi thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa”, TS. Phạm Thế Anh phân tích và cho rằng các chính sách cần đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch (có thể chia thành các cấp độ chính sách “hỗ trợ” và “cứu trợ”).

Bên cạnh đó, trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, có phương án thích hợp vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan ở một số địa phương.

Việc thúc đẩy đầu tư công cũng cần phải được đẩy mạnh, tập trung vào các dự án đã được phê duyệt, nằm trong kế hoạch ngân sách. Thậm chí, Chính phủ cần cắt giảm hoặc tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.

Việc cho vay ưu đãi cần phải tập trung vào các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi. Tránh việc “ép” các doanh nghiệp vay vốn, tiềm ẩn nguy cơ hình thành nợ xấu trong tương lai.

3 kịch bản của nền kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia của VEPR đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam dựa trên giả định dịch bệnh không bùng phát mạnh như tại Vũ Hán.

Theo đó, ở kịch bản lạc quan (dịch bệnh được khống chế vào giữa tháng 5/2020 và hoạt động kinh tế trở lại bình thường từ quý II/2020), tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam có thể đạt ở mức âm 3,3%. Sau đó, tốc độ tăng trưởng trong các quý III, IV bật tăng mạnh lên hơn 7%. Cả năm 2020, tăng trưởng GDP ở mức 4,2%.

Ở kịch bản bi quan, dịch bệnh kéo dài tới cuối năm 2020, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức âm 1%.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự phục hồi hoàn toàn thời kỳ hậu Covid-19 của nhiều ngành như hàng không, du lịch, thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới.