23/11/2024 | 20:11 GMT+7, Hà Nội

Giá lương thực toàn cầu tăng cao nhất trong 7 năm, lĩnh vực nào sẽ hưởng lợi?

Cập nhật lúc: 11/05/2021, 16:30

Chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng mạnh trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại khiến giới chuyên môn lo ngại về tác động tiêu cực tới một số ngành nghề, lĩnh vực.

Công ty xuất khẩu gạo, sản xuất đường và phân bón sẽ hưởng lợi

Số liệu từ tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO) cho thấy, chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Lý giải về sự tăng giá đỉnh điểm này, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng Đô la Mỹ suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. "Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao", VNDirect nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.

Giá gạo và đường tại Việt Nam đã tăng 18,6%/31,8% so với đầu năm theo giá lương thực thế giới. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu VNDirect kỳ vọng các công ty sản xuất gạo và đường sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá. Các công ty phân bón cũng được hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu tăng cao do nông dân tăng sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng.

Công ty sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và thịt có thể bị ảnh hưởng

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn, VNDirect cho rằng các nhà sản xuất này sẽ gặp phải thách thức về chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi tăng có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thịt trong khi giá lợn hơi được dự báo sẽ giảm 19% so với cùng kỳ vào năm 2021, so với mức cao trong giai đoạn dịch Tả lợn Châu Phi. 

Tuy nhiên, "trong nguy có cơ", VNDirect cho rằng một số doanh nghiệp sẽ tận dụng được cơ hội để bứt phá, có thể kể tới Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG), Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) khi các đơn vị này tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào và hưởng lợi từ mức giá bán cao hơn. Thêm vào đó, LTG có vị thế tốt để tận dụng được xu hướng giá tăng do sản lượng bán của công ty được đảm bảo bởi các hợp đồng cố định hàng năm vào tháng 2, tháng 6 và tháng 9.

Và mặc dù giá đậu nành cao hơn có chút tiêu cực đối với QNS, nhưng công ty có thể được hưởng lợi kép từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá đường nhập khẩu Thái Lan và giá đường tăng cao.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu kỳ vọng tác động tiêu cực của giá dầu thô tăng và tác động tích cực của nhu cầu phân bón tăng sẽ bù đắp lẫn nhau, để lại 1 chút lợi thế cho Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (DPM).

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gia-luong-thuc-tang-cao-linh-vuc-nao-huong-loi-20201231000002014.html