12/12/2024 | 06:02 GMT+7, Hà Nội

Giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu, chạm “đáy” 2 năm

Cập nhật lúc: 19/08/2021, 06:15

Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm và hiện đang ở mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Giá lợn hơi chạm “đáy” 2 năm

Theo báo cáo ngày 18/8 của Bộ Công Thương, hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019. 

Giá gà thịt tại các tỉnh, thành phố phía Nam cũng có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên nhu cầu giảm, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu
Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm. Nguồn: Internet.

Theo Bộ Công Thương, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đẩy giá cám lên cao, ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.

Mặc dù giá lợn sống giảm mạnh, giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các siêu thị mini, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển. 

Bộ Công Thương dự báo: Từ nay đến cuối năm 2021, dịch tả lợn châu Phi còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; trong khi chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước sau khi sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng trong 6 tháng đầu năm.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho biết: Sở dĩ có hiện tượng giá lợn hơi giảm mạnh, trong khi giá lợn thành phẩm trên thị trường liên tục tăng giá, là do mỗi cân thịt phải trải qua quá nhiều khâu trung gian, làm độn thêm chi phí vào giá bán thành phẩm.

“Theo đúng dây chuyền, mỗi cân thịt lợn sẽ phải đi qua các bước, từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ. Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu hưởng 8-10% thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao đến mức nào”, ông Phú nói.

Trước nghịch lý này, ông Phú cho rằng, nếu giảm bớt các khẩu trung gian, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi, do giá thịt lợn giảm từ 10% - 20%,  trên số lượng thịt mà họ tiêu dùng hàng ngày.

Về giải pháp, ông Phú nói: Trước hết phải tổ chức lại ngành chăn nuôi lợn trong nước, trên cơ sở chủ động từ đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi mà chúng ta đang phải nhập đến 80% đến quá trình chăn nuôi, giết mổ và đưa đến nơi tiêu thụ. Đồng thời, cắt bớt những trung gian không cần thiết.

Hiện nay việc giao dịch mua bán thịt lợn trên thị trường Việt Nam không được công khai minh bạch, bởi hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa hoàn chỉnh và chưa được hình thành. 

Chính vì vậy việc ép cấp ép giá vẫn đem lại thua thiệt cho người chăn nuôi nhỏ lẻ,  nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các tầng lớp tham gia vào việc mua bán, vận chuyển, bán lẻ mặt hàng này. 

Giá lợn nhập khẩu hạ nhiệt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả lợn, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn do vẫn còn thâm hụt cung - cầu.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 80,85 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.314 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi (ASF) và đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới dễ lây lan hơn xuất hiện, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ trên thị trường thịt lợn thế giới.

Tại các quốc gia sản xuất, tác động của dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động vận tải, khiến nguồn cung địa phương tăng lên, trong khi nhu cầu từ dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm vì các lệnh hạn chế đã giúp giá thịt lợn hạ nhiệt so với thời gian trước.

Nguồn: https://congluan.vn/gia-lon-hoi-tiep-tuc-giam-sau-cham-day-2-nam-post150911.html