29/03/2024 | 13:24 GMT+7, Hà Nội

Giá lợn hơi bắt đầu tăng trở lại

Cập nhật lúc: 25/10/2021, 06:15

Vừa qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên cả nước nói chung và giá thịt lợn hơi nói riêng.

Tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con

Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con, tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Trong 9 tháng, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn. Tổng nhập khẩu 214 ngàn tấn thịt các loại, chiếm 3,6% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 2.342 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.

Dự kiến giá lợn hơi sẽ tăng trở lại.
Dự kiến giá lợn hơi sẽ tăng trở lại.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy, trường học, bếp ăn tập thể ngưng hoạt động; các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30 - 50% nên giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo kết quả khảo sát, theo dõi, trong 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần. Hồi tháng 3, 4 giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, sang tháng 10, giá dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg tùy từng vùng. Có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg đối với lợn quá lứa, khối lượng 130 - 160kg.

Tuy nhiên, trong 2 - 3 ngày qua, các vùng giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại, từ 5 - 6.000 đồng/kg lên mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát.

Trong khi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm thì giá và thị trường nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16 - 36%. Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5 - 2 triệu con). Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn của người chăn nuôi lợn, ngày 23/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi và việc cung cầu thịt lợn trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội). Bộ trưởng cho rằng: Trong điều kiện giá nguyên liệu tăng lên,  một số nơi đã xuất hiện mô hình bà con tận dụng phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để thay thế phần nào, cũng là cách để giảm áp lực do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Việc bà con tham gia vào mô hình hợp tác sẽ có nhiều thuận lợi, ví như cùng nhau mua chung nguyên liệu đầu vào thì chi phí sẽ giảm xuống; hay như, khi tham gia HTX, ngành nông nghiệp cũng sẽ nắm được thông tin, có thể tích hợp số liệu, tiếp cận độ chính xác hàng tuần, hàng tháng về nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đầu cung, từ đó đầu cung khớp với đầu cầu, và chuyển thông tin đó tới nhà phân phối thì giảm rủi ro hơn, mà hai đầu cung - cầu này không khớp nhau thì sẽ tạo ra áp lực trong giai đoạn ngắn hạn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định

Mặc dù, Bộ NN&PTNT đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, kịp thời đề xuất những khó khăn vướng mắc với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất, đảm bảo chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có; nhất là việc xây dựng liên kết ngang (HTX, THT, Chi hội…). Bộ NN&PTNT cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học chẳng hạn, phòng ngừa dịch bệnh đỡ rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi.

Bên cạnh đó, xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh… phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Về quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết nguyên đán. Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 - 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bới Covid-19. Có chính sách đất đai cho chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đầu tư hạ tầng cho giết mổ, chế biến.

Nguồn: https://baodansinh.vn/gia-lon-hoi-bat-dau-tang-tro-lai-20211023200507.htm