19/01/2025 | 09:32 GMT+7, Hà Nội

Giá điện sinh hoạt: Phân chia giữa các bậc thang chưa hợp lý

Cập nhật lúc: 26/08/2020, 07:19

Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, việc chia giá điện bậc thang vẫn chưa hợp lý và thỏa đáng khi khoảng cách giữa một số bậc đang quá gần, có bậc thì lại quá xa.

Thế giới tính giá điện như thế nào?

Tại quốc gia gần Việt Nam là Malaysia, giá bản lẻ 6 bậc thang được áp dụng cho các hộ sinh hoạt. Bậc 1 thấp nhất với khung sử dụng 1 - 200 kWh, giá 21,08 sen/kWh (tương đương 1.222 đồng/kWh); bậc 2 (201 - 300 kWh), bậc 3 (301 - 600 kWh); bậc 4 (601 - 900 kWh) và bậc 6 cao nhất với khách hàng dùng 901 kWh trở lên với mức giá 57,1 sen/kWh (khoảng 3.201 đồng một kWh). Các mức giá này chưa gồm thuế VAT.

Đặc biệt, để khuyến khích người dân tiết kiệm điện thì nếu trên 600kWh/tháng, hộ gia đình sẽ phải trả thêm 6% phí dịch vụ. Hơn nữa, giá điện cũng được điều chỉnh phụ thuộc từng khu vực. Nếu như thanh toán tiền điện muộn thì người dân sẽ phải đóng thêm phí 1% trên tổng hóa đơn trong tháng.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt tại Singapore giai đoạn 1/7 - 30/9

Ở Singapore, áp dụng mức điện một giá duy nhất là 24,39 cents/kWh. Tuy nhiên, giá điện được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần để phản ánh thay đổi của chi phí giá thành điện.

Tại Hàn Quốc thì biểu giá điện được chia thành 3 bậc thang và giá áp dụng theo mùa. Ngoài số tiền điện theo công tơ thì các gia đình cũng phải trả một loại phí nhất định ứng với mỗi bậc thang trong cơ cấu biểu giá. Nếu như dùng nhiều thì phí bắt buộc này lại càng tăng cao hơn.

Giá điện mùa cao điểm (1/7 - 3/8), biểu giá sẽ chia 3 bậc: Bậc 1 (đến 300 kWh), giá 93,3 won/kWh, tương đương 1.922 đồng/kWh và phí cơ bản 910 won/tháng (19.000 đồng); bậc 2 (301-450 kWh) giá 187,9 won/kWh (3.871 đồng/kWh) và bậc 3 từ 450 kWh trở lên (khoảng 5.780 đồng mỗi kWh).

Qua mùa cao điểm thì biểu giá lại khác, vẫn chia theo 3 bậc thang với giá và phí như cũ nhưng các bậc điều chỉnh linh hoạt hơn. Bậc 1: Đến 200 kWh, bậc 2 là 201 - 400 kWh và bậc 3 từ 401 kWh trở lên.

Từ việc điều chỉnh linh hoạt giữa các mùa như thế này mà giá điện của người dân Hàn rất hợp lý, vẫn đảm bảo được yêu cầu tiết kiệm điện khi dùng nhiều mà chi phí hóa đơn trong những ngày nắng nóng cũng vừa phải.

Một số quốc gia khác, các đơn vị được lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Như ở New Zealand có khoảng 20 đơn vị cung cấp và phân phối với giá cả cạnh tranh. Các đơn vị cung cấp điện cũng chia giá tiền theo từng khung giờ trong ngày hoặc chia theo các gói tiêu chuẩn. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng phí quản lý hàng ngày và chi phí khác.

Hóa đơn tiền điện của một khách hàng New Zealand

Nói là các nhà cung cấp điện với giá khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu của Chính phủ đặt ra, dao động trong khoảng 0,24 - 0,41 NZD, tương đương 3.673 - 6.275 đồng/kWh với khách hàng dùng gói "ít điện năng" và 0,26 - 0,43 NZD, khoảng 3.979 - 6.581 đồng một kWh.

Có thể thấy, hầu như tại các quốc gia trên, phương án tính giá điện đều được tính toán kỹ lưỡng, linh hoạt giữa các bậc, giữa các mùa thậm chí là cả giữa các giờ khác nhau trong ngày để đảm bảo nhất hóa đơn không “nhảy vọt” theo mùa nhưng vẫn đề cao tính tiết kiệm điện của người dân.

Phân chia bậc thang chưa hợp lý

Sau khi phương án điện một giá bị rút, phương án tính theo bậc thang 5 bậc được giữ lại và tiếp tục lấy ý kiến, trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Thủ tướng vào quý III. Dự kiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sẽ áp dụng từ đầu năm 2021.

Phương án giá điện theo 5 bậc thang được cải tiến từ phương án biểu giá 6 bậc thang hiện hành. Trong đó, bậc 1 (0 - 100 kwh) giá 1.678 đồng/kWh và bậc cao nhất, trên 701 kWh với giá 3.123 đồng/kWh (chưa gồm 10% thuế VAT). Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới này. Bộ cho rằng, đối với phương án trên, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành từ 2.800 - 12.800 đồng.

Cách tính giá điện bậc thang hiện nay vẫn hoàn toàn chưa thỏa đáng

Với biểu giá điện cũ, trong những tháng hè vừa qua rất nhiều người dân đã than phiền hóa đơn đột nhiên tăng vọt, dù bậc 2 và bậc 3 chỉ chênh lệch 22%. Hóa đơn tiền điện tăng có nhiều lý do, khách hàng sử dụng tăng điện trong mùa nắng nóng, các phương án tiết kiệm điện chưa hiệu quả, biểu giá điện chưa hợp lý, hay thậm chí là bị ghi sai số công tơ như một số trường hợp trong mùa hè vừa qua.

Việc phân chia theo bậc thang hoàn toàn được ủng hộ với mục đích khuyến khích người dùng tiết kiệm điện. Người tiêu dùng sẽ tiết kiệm điện hơn vì càng dùng nhiều thì giá điện lại càng đắt. Tuy nhiên, dù cách tính giá điện hiện hành hay phương án mới theo dự thảo thì phân chia theo bậc thang cũng cần phải hợp lý hơn. Ở những phương án này, mức tăng giá giữa các bậc quá lớn, các hộ dùng điện từ 200 kWh trở lên phải chịu giá điện cao hơn nhiều so với giá bình quân đang áp dụng. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng nên rút ngắn các bậc lại.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Nguyễn Tiến Thỏa nêu ý kiến nên rút 6 bậc thang hiện nay chỉ còn 3, 4 hoặc 5 bậc, thậm chí là 3 bậc cũng được. Đồng thời cũng nên ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý giữa các nhóm khách hàng, đồng thời cũng phải giải thích rõ ràng về khoảng cách giữa các bậc. 

Tôi nghĩ là khi xử lý được sự chênh lệch giá giữa các bậc thang phù hợp thì mới giảm thiểu được sự “nhảy tiền” đột biến trong thời gian tiêu thụ điện. Khi xây dựng tỷ lệ tính giá từng bậc so với giá điện bình quân cần phải xây dựng cả hai loại tỷ lệ: Đó là tỉ lệ tính giá so với giá bình quân chung của 4 biểu giá, và tỉ lệ tính giá so với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Có thể thấy, ở dự thảo mới thì khoảng cách khối lượng điện tiêu thụ trong mỗi bậc từ 1 - 2 được cho là quá hẹp (chênh nhau 50kWh), và tương đối hẹp ở bậc 3 - 5 (100kWh). Hơn nữa chỉ trong 400kWh mà lại chia ra đến 4 bậc thì quá dày. Nếu như khoảng cách khối lượng điện tiêu thụ trong các bậc thang được giãn ra (từ 150kWh – 200kWh) thì sự nhảy vọt giá điện trong mùa cao điểm sẽ giảm hơn rất nhiều, từ đó cũng sẽ không gặp phải tình trạng kêu ca phàn nàn mùa hè nào cũng tiếp diễn.

Các hộ dùng điện từ 200kWh trở lên phải chịu giá điện cao, lớn hơn giá bình quân đang áp dụng. Chính vì vậy, hộ có nhu cầu dùng điện nhiều như những hộ đông nhân khẩu, gia đình đông con cháu chung một công tơ vào trời nắng nóng, tiết kiệm đến mấy thì cũng gặp khó khăn khi thanh toán tiền điện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng phân chia giữa các bậc thang chưa hợp lý: “Với mức quy định như trong biểu giá hiện nay chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, thứ 5 rất cao. Việc áp dụng giá bậc thang làm cho việc tính giá điện rất phức tạp, gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể sử dụng và các tổ chức quần chúng tham gia giám sát giá cả và sản lượng mặt hàng này”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng phân chia giữa các bậc thang chưa hợp lý

Thế nhưng, Chuyên gia Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng, nên chia nhỏ các bậc thang thì sẽ tốt hơn rất nhiều bởi như vậy thì sẽ đưa ra giá được chính xác hơn:

“Tôi nghĩ nên chia càng nhiều bậc càng tốt, tối thiểu là 6 bậc. Hiện nay mình vẫn đang áp dụng 6 bậc, thậm chí trước kia là 7 bậc đó thôi sao phải rút còn 5 bậc làm gì? Càng chia nhiều bậc thì càng khuyến khích được tiết kiệm điện, giảm bù chéo, thực hiện an sinh xã hội”.

Chuyên gia Ngô Trí Long tỏ ý chia nhỏ bậc thang thì sự chênh lệch giá điện giữa các bậc sẽ càng rút ngắn, do vậy mà sự chênh lệch giữa các bậc không quá lớn, do đó mà việc tính giá điện lại càng chính xác. Hơn nữa, ông cũng đưa ra ý kiến, nên đưa ra được giá bán lẻ bình quân cho các hộ sinh hoạt bao nhiêu thì biểu giá bậc thang mới chính xác. Hiện nay giá điện không phải là được tính dựa vào giá bán lẻ bình quân Chính phủ ban hành. Chính phủ chỉ ban hành giá bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, rồi sau đó điện lực lại chia tiếp cho 4 nhóm cụ thể sản xuất, sinh hoạt, hộ kinh doanh và hành chính sự nghiệp và ra một con số cụ thể khác nhau, cụ thể mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được xác định là 2.018 đồng/kWh, vượt hơn 1.500 đồng và số chênh lệch này sẽ vào túi của đơn vị cung cấp điện. Do đó, cần có giá bán lẻ bình quân cho từng nhóm dùng điện cụ thể sẽ chính xác hơn.

Dự thảo cơ cấu biểu giá điện mới được Bộ Công Thương lấy ý kiến trong tháng 8, sau đó sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, quyết định và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2021. Vì vậy, nếu chuyển sang biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang, cần phải nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện và người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Trước khi công bố, cần có sự góp ý của các cơ quan, nhà khoa học, có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm quản lý giá.