18/01/2025 | 17:18 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia Ngô Trí Long: "Giá điện càng chia nhiều bậc càng tốt"

Cập nhật lúc: 19/08/2020, 07:16

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, giá điện nên chia được càng nhiều bậc thì càng khuyến khích được tiết kiệm điện, giảm bù chéo và đảm bảo được an sinh xã hội.

Tại dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án giá điện sinh hoạt. Theo đó, bậc 1 cho 1-100 kWh, giá bán bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 cho 101 - 200 kWh, giá bán bằng 108% so với giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 3 cho 201 - 400 kWh, giá bán bằng 141% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 4 cho 401 - 700 kWh, giá bán bằng 160% giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 5 cho 701 kWh trở lên, giá bán bằng 168% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Phương án 2 (2A, 2B - hình ảnh dưới) có 5 bậc thang như phương án 1 nhưng có thêm 1 biểu giá một giá. Khách hàng có thể lựa chọn biểu giá điện 5 bậc hoặc 1 giá để phù hợp với mức tiêu thụ điện của mình thay vì dùng bậc thang lũy tiến. Theo như cách tính giá điện phương án 2 thì khách hàng có quyền lựa chọn áp dụng giá điện bậc thang hoặc điện một giá phù hợp với điều kiện sử dụng điện của mỗi gia đình.

Phương án 2 được đưa ra trong dự thảo

Đây là dự thảo điều chỉnh giá điện đầu tiên của Bộ Công Thương trong năm nay. Mức giá điện hiện hành được giữ nguyên so với điều chỉnh lần cuối cùng tháng 3/2019. Bộ Công Thương cho rằng, đối với tất cả các phương án trên, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành từ 2.800 - 12.800 đồng.

Biểu giá điện sinh hoạt bình quân ở thời điểm hiện tại của 6 bậc là 1.864,44 đồng/kWh, đi kèm là biểu giá điện sinh hoạt bậc thang là 2.018 đồng/kWh. Lần dự thảo thay đổi này, Bộ Công Thương xây dựng 3 biểu giá điện đều cao hơn biểu giá điện bình quân từ 11 - 17%.

Với biểu giá điện cũ, trong những tháng hè vừa qua rất nhiều người dân đã than phiền hóa đơn đột nhiên tăng vọt, dù bậc 2 và bậc 3 chỉ chênh lệch 22%. Với phương án 1 của dự thảo mới, chênh lệch giữa hai bậc này lên đến 33% thì không biết các hộ gia đình cầm hóa đơn mới sẽ “sốc” như thế nào.

Còn ở phương án 2 cũng lộ rõ những bất cập. Phương án 2A, bậc 4 và bậc 5 chênh nhau tới 114%, trong khi đó phương án 2B lại chỉ chênh 25%. Còn ở lựa chọn điện một giá của 2A (2.703 đồng/kWh), 2B (2889 đồng/kWh) thì giá lại cao hơn rất nhiều so với bình quân hiện hành (lần lượt là 145% và 155%).

Với phương án điện một giá, có thể tạm tính mức dùng điện 100 kWh, chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh sẽ được giảm khoảng 12.800 đồng/tháng và 500kWh sẽ giảm được khoảng 7.200 đồng/tháng...

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 9,1 triệu khách hàng dùng điện dưới 100 số, chiếm 48,26% tổng sản lượng điện sinh hoạt. Số tiền của mỗi khách hàng phải đóng hàng tháng là 167.800 đồng (chưa tính VAT).

Với chọn lựa phương án điện một giá mới là 1.864,44 đồng/kWh thì 9,1 triệu khách hàng này sẽ phải đóng số tiền là 186.444 đồng/tháng, cao hơn 18.600 đồng so với giá bậc 1 nói trên.

Như vậy, 9,1 triệu hộ gia đình sẽ phải đóng tổng cộng lên hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này ảnh hưởng đến hàng triệu người có thu nhập thấp trong xã hội, nhất là trong thời gian dịch bệnh hoành hành ảnh hưởng đến kinh tế của tất cả những người dân.

Chuyên gia nói gì?

Vì những bất cập thấy rõ trên, nhiều người cho rằng chính sách điện một giá là “cào bằng” cho tất cả các khách hàng, đồng nghĩa với việc người này sử dụng ít sẽ phải san bớt phần tiền cho những người sử dụng điện nhiều. 

Bất cập thứ nhất là nhóm khách hàng ít dùng điện sẽ không có tâm lý tiết kiệm điện vì giá điện sẽ không lũy tiến theo bậc. Và 9,1 triệu hộ dân như đã tính toán ở trên lại phải trả nhiều tiền điện hơn. Theo phương án giá điện mới của Bộ Công Thương, lựa chọn điện một giá chỉ có lợi cho những hộ gia đình tiêu thụ lượng điện lớn từ 700 kWh trở lên, chiếm 1,7% lượng khách hàng của EVN nhưng tiêu thụ tới 10% tổng lượng điện.

Rất nhiều chuyên gia cũng đã cho rằng những phương án mới mà Bộ Công Thương đưa ra đều không hợp lý.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp chiều ngày 18-8 - Ảnh: N.AN

Với việc không đồng thuận của rất nhiều người dân và chuyên gia, ngày 18/8, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã họp báo và thông báo rút phương án 2A và 2B, tức là các phương án liên quan đến cho phép người dân lựa chọn dùng điện một giá và điện bậc thang. Như vậy, chỉ còn lại phương án 1 (giá điện 5 bậc thang) trong dự thảo tính giá điện mới.

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết sẽ tiếp tục xin ý kiến về Phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.

Đối với phương án này, ông Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm: “Với phương án bậc thang lũy tiến như phương án 1 thể hiện chính sách an sinh xã hội, khuyến khích người dân sử dụng điện. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên chia càng nhiều bậc càng tốt, tối thiểu là 6 bậc. Hiện nay mình vẫn đang áp dụng 6 bậc, thậm chí trước kia là 7 bậc đó thôi sao phải rút còn 5 bậc làm gì? Càng chia nhiều bậc thì càng khuyến khích được tiết kiệm điện, giảm bù chéo, thực hiện an sinh xã hội”.

Chuyên gia Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả.

Chuyên gia Trí Long cho rằng, biểu giá điện sinh hoạt hợp lý là phải phản ánh được chi phí cung ứng điện, góp phần thực hiện chính sách xã hội, phục vụ số đông hộ tiêu dùng điện có mức giá hợp lý. Đồng thời tạo được áp lực thực hiện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Và để thực hiện được điều đó thì phải minh bạch giá bán lẻ bình quân cho từng nhóm dùng điện cụ thể.

“Phải đưa ra được giá bán lẻ bình quân cho các hộ sinh hoạt bao nhiêu thì đưa ra cái biểu giá bậc thang này mới chính xác. Hiện nay giá điện không phải là được tính dựa vào giá bán lẻ bình quân Chính phủ ban hành. Chính phủ chỉ ban hành giá bình quân, rồi sau đó điện lực lại chia tiếp cho 4 nhóm cụ thể sản xuất, sinh hoạt, hộ kinh doanh và hành chính sự nghiệp và ra một con số cụ thể khác nhau, có thể là 1.800 đồng, hoặc 1.900 đồng, 1.950 đồng… Muốn tính sức dùng điện thì nên xác định giá bán lẻ bình quân cụ thể của từng nhóm thì mới có thể xây dựng được biểu giá điện bậc thang một cách chính xác”,  ông Ngô Trí Long nói.

Phía lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết sẽ tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.   

Ngày 9/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về chủ trương xây dựng, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã xây dựng từng bước đi cụ thể cho thị trường bán lẻ điện. Theo văn bản này, những khách hàng sử dụng điện lớn sẽ được tham gia lựa chọn và mua điện từ thị trường giao ngay. Tuy nhiên, sẽ giới hạn ở một số khu vực và lựa chọn khách hàng đủ điều kiện. Đến sau năm 2025 sẽ phát triển mở rộng thị trường điện. Còn các khách hàng không tham gia thị trường vẫn tiếp tục mua điện từ các đơn vị bán lẻ điện mặc định (các tổng công ty điện lực) theo biểu giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Như vậy, có thể thấy từ sau 2025, người dân muốn tham gia vào thị trường bán lẻ điện mới có thể lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.