23/01/2025 | 08:12 GMT+7, Hà Nội

Giá điện có thể tăng 5-7% trong năm nay?

Cập nhật lúc: 28/02/2023, 06:21

"Trong năm 2023, giá bán lẻ điện có thể tăng từ 5-7%, do giá than tăng rất cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)"- TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính

Năm 2023, người dân cần chấp nhận giá điện tăng 

Chia sẻ với báo chí tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 67, TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia đã đưa ra những dự báo về tình hình lạm phát trong năm 2023. Theo ông Lực, năm ngoái lạm phát thế giới đạt đỉnh nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng chỉ số giá tiêu dùng chỉ 3,15%. Kết quả này có sự đóng góp của việc Chính phủ đã không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Tuy nhiên, câu chuyện năm nay sẽ khác.

"Chúng ta phải chấp nhận giá điện năm nay sẽ tăng, khoảng 5-7%", ông Lực chia sẻ quan điểm với lãnh đạo các doanh nghiệp tại TP.HCM. Theo ông, giá của các yếu tố đầu vào sản xuất điện thời gian qua đều đã tăng mạnh. Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. EVN giải thích giá nguyên liệu như than, khí cùng leo thang làm chi phí sản xuất, mua điện tăng đột biến trong khi giá bán lẻ điện bình quân không tăng.

Người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023. (Ảnh minh họa)
Người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023. (Ảnh minh họa)

Từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân mới được áp dụng, mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ gần nhất, giá tối thiểu tăng 220 đồng/kWh, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh. Các mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Việc tăng khung giá chưa làm thay đổi giá điện người dân và doanh nghiệp phải trả.

Dù vậy, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN nhắc đến nhiều lần từ cuối năm 2022. Ngày15/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo EVN về nhiều nội dung, trong đó có phương án giá bán điện. Bộ trưởng cho hay việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và phải đúng quy định.

Ngoài ra, ông Lực cũng dự đoán giá dịch vụ y tế sẽ tăng trong bối cảnh các bệnh viện công lập đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sức khỏe nội tại của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước đây. Nhà điều hành cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Khi lạm phát thế giới đã đi qua đỉnh, nếu không có những biến cố không quá bất thường, Việt Nam vẫn sẽ kiểm soát lạm phát trong khoảng mục tiêu đã đề ra.

Giá điện thấp quá lâu

Từng trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc giảm tín nhiệm về mặt tài chính. Hệ quả xấu có thể đến là EVN là không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư đúng hạn.

“Điều chỉnh giá điện là bước đầu tiên Chính phủ có thể làm. Song ở mức độ bao nhiêu thì vẫn phải tính toán cho phù hợp. Có điều nếu không điều chỉnh trong điều kiện biến động lớn như thế này thì không chỉ EVN khó và sau đó là câu chuyện thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như đầu tư tư nhân trong lĩnh vực thúc đẩy năng lượng sạch sẽ khó thành theo các mục tiêu của Chính phủ”, ông Sơn bày tỏ.

Dù vậy, chuyên gia này lưu ý: “Điều chắc chắn là chúng ta cũng không thể tăng quá nhiều được vì tăng quá nhiều cũng có cái tác động ngược lại với nền kinh tế”.

Ông Sơn nhấn mạnh, rất nhiều ngành hiện nay đang thâm dụng năng lượng. Vậy thì chi phí năng lượng đang là đầu vào quan trọng trong cấu phần chi phí sản xuất, đặc biệt như dệt may, thép, bảo quản nông sản...

“Đây là một bài toán cân bằng lợi ích cần các cơ quan quản lý cân nhắc, đánh giá sớm để đưa ra phương án tăng giá điện đảm bảo hài hòa được nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Việc đánh giá tác động của tăng giá điện cần phải yêu cầu cả Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao để làm rõ câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có thiệt hại gì nhưng nó cũng có lợi ích gì và cần phải có sự truyền thông phù hợp để người dân và doanh nghiệp hiểu được các nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế xã hội trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu này, để có sự đồng thuận về việc tại sao phải chia sẻ khó khăn với EVN”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, PGS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, đứng từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu... Thế nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019 trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt.

“Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đã quy định rất rõ nếu các thông số chi phí đầu vào làm giá thành điện tăng tương ứng thì giá điện sẽ được điều chỉnh. EVN cũng đã nỗ lực giảm chi phí, giảm lương nhân viên để cân đối tài chính, giảm lỗ. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp”, ông Long nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. 

Cụ thể, từ ngày 3/2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017/QĐ-TTg, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh, giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/gia-dien-co-the-tang-5-7-trong-nam-nay-75773.html