18/01/2025 | 16:07 GMT+7, Hà Nội

Giá BĐS tăng cao đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa

Cập nhật lúc: 10/09/2017, 13:00

Đó là nhận định được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM. Theo ông Châu, nhà ở giá rẻ thời gian qua không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân, ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”

Tại buổi làm việc với Vụ công nghiệp (Ban kinh tế Trung ương) ngày 8/9, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, TP.HCM có tỷ lệ dân nhập cư tăng 37% trong thời gian gần đây. Hiện số dân đã lên 13 triệu, vì vậy nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn.

Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào BĐS đang có sự lệnh pha, nghiêng về phía BĐS cao cấp nhiều hơn. Trong khi đó, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ đang có nhu cầu mà chưa có bất cứ chính sách ưu đãi nào để thu hút doanh nghiệp tham gia nhằm đáp ứng nhu cầu.

Ông Châu cho biết, tại TP.HCM đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư có giá chỉ 7,9 đến 14 triệu/m2, nhà cho thuê 49 năm nhưng các chủ đầu tư này không được hỗ trợ phát triển và các sản phẩm này hiện có rất ít. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội chủ đầu tư không còn nguồn tín dụng hỗ trợ dẫn đến phải xin trả dự án. Mặt khác, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng này cũng chưa hiệu quả.

Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá BĐS tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời.

Ông Châu dẫn ví dụ, giá nhà ở Hàn Quốc đắt gấp 5-6 lần so với thu nhập của người dân. Trong khi đó giá nhà vừa túi tiền ở nước ta cao gấp 20-25 lần so với người có thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng so với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình thấp trong toàn xã hội.

“Nhà ở giá rẻ thời gian qua không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân. Ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”, ông Châu nói.

Tại cuộc họp, một số chủ đầu tư tại TP.HCM cho rằng chưa tạo đà phát triển được nguồn cung nhà giá rẻ và nhà cho thuê thì người nghèo đô thị vẫn sẽ không thể mua nhà.

“Những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức viên chức, gói 30.000 tỷ cũng dành cho người thu nhập trung bình. Người nghèo đang bị bỏ rơi. Tôi đã từng đấu tranh đề nghị làm nhà diện tích nhỏ, nhà cho thuê điều này sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty BĐS Đất Lành nói.

nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá BĐS tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời.

Nhà ở diện tích nhỏ mà giá BĐS tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời. Nguồn ảnh: Internet

Cũng theo ông Đực, các dự án trùm mền tại TP.HCM đang không chỉ để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, nhà nước, nợ đối tác… và khách hàng mà còn đang gây lãng phí quỹ đất, trong khi người nghèo không có nhà ở. Hiện ở TP.HCM có khoảng 500 dự án “trùm mền” gây lãng phí hàng trăm ngàn ha đất.

Cũng theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, từ năm 2016 trở lại đây thị trường BĐS đang chững lại và có suy giảm. Sự lệch pha đang tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường, BĐS cao cấp từ nghỉ dưỡng đến BĐS nhà ở đáng báo động. Ngoài ra có sự lệch pha về dòng tiền (tín dụng và huy động trong dân) cũng đang mất cân đối khi nguồn tiền hút về các dự án lớn, các doanh nghiệp lớn.

Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ tịch HoREA cho rằng công dân có quyền có chỗ ở hợp pháp, có an cư thì mới lạc nghiệp, vì vậy mà cần có cơ chế, hành lang pháp lý riêng đồng bộ để đưa vào luật, quy định, nghị định để các doanh nghiệp thực thi dễ dàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực cho biết việc xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ, nhà cho thuê rất cần thiết cho người dân, nhất là người nhập cư ở TP.HCM hiện nay. Cụ thể là Nhà nước cần sớm đưa quy chuẩn cho phép xây nhà ở thương mại 25 m2 chứ không chỉ để người nghèo lo lắng về nhà ở.

“Để thị trường BĐS phát triển, thuận lợi hơn, trước mắt cần giảm bớt các thủ tục hành chính. Không có ngành nào mà liên quan đến nhiều bộ ngành, tầng nấc như ngành BĐS khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Chi bằng phải phân cấp rõ ràng ở quận, huyện. Giảm thủ tục rườm rà của các loại giấy phép, mà cụ thể nhất là cho phép doanh nghiệp có thể thực hiện dự án khi có quy hoạch 1/500”, ông Đực nói.

Ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ban Kinh tế Trung ương, cho biết các ý kiến đóng góp của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp rất xác đáng. Những ý kiến này sẽ được các thành viên trong đoàn tập hợp, ghi nhận để tham mưu cho Chính phủ, thúc đẩy thực hiện sớm các nội dung này thông qua việc đóng góp ý kiến khi xây dựng các nghị định, luật…