19/01/2025 | 02:28 GMT+7, Hà Nội

Gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ mỗi ngày, cảnh báo vào mùa dịch

Cập nhật lúc: 28/04/2019, 12:00

Những ngày gần đây số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám tăng mạnh, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, oi bức.

Bệnh dễ lây lan

TS.BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, vào dịp hè số lượng bệnh nhân khám mắt tăng từng ngày, có ngày bệnh viện tiếp nhận, khám cho 1.600 người, cao điểm có thể lên tới gần 3.000 người/ngày.

Trung bìnhmỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 150 -200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị.

Thực chất, đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc cấp do adeno virus. Triệu chứng ban đầu của bệnh thông thường là đau họng, sốt nhẹ, gai rét, mệt, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai. Bệnh nhân nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, chói, mi mắt sưng nhẹ, chảy nước mắt. Khi bệnh toàn phát, biểu hiện mắt đỏ, khó mở vào buổi sáng do có dử mắt dính chặt hai mi. Kết mạc cương tụ đỏ ở cùng đồ và nhạt dần ở vùng rìa.

Dịch đau mắt đỏ dễ lây lan nên việc cả gia đình đều mắc thường xảy ra ở các mùa dịch. Ngoài ra, lớp học, cơ quan, xí nghiệp, công sở cũng là môi trường khiến dịch bùng phát.

“Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang virus ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với virus từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh", BS Hoàng Cương cảnh báo.

Gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ mỗi ngày, cảnh báo vào mùa dịch

Số bệnh nhân đến khám đang gia tăng

Giữ vệ sinh để phòng bệnh

Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Bên cạnh đó, vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ.

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người chung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Thực tế, qua khám bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương, BS Hoàng Cương cũng cho hay, không ít bệnh nhân đến viện khám, dù ban đầu chỉ bị các phản ứng đơn giản ở mắt nhưng do sử dụng thuốc nhỏ mắt một cách tùy tiện, dùng thuốc không đúng cách, dùng phải sản phẩm không an toàn… dẫn tới bệnh diễn biến nặng.

BS Cương cảnh báo, hiện nay trên thị trường còn nhiều sản phẩm nước muối sinh lý, nước nhỏ mắt nhân tạo, thậm chí cả thuốc nhỏ mắt sản xuất thủ công, chứa chất bảo quản rẻ tiền... Trong khi đó, đa phần người bị bệnh về mắt thời gian đầu chưa đi khám ngay mà tự ra hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mắt về tra. Đây chính là nguyên nhân gây khô mắt, đau mắt mãn tính, thậm chí dẫn tới mù lòa.

“Người dân khi mắc bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh trên thị trường, cần phải sử dụng thuốc có chất lượng theo chỉ định của bác sĩ, khi có dấu hiệu đau mắt có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt. Khi mắc bệnh về mắt, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa, không tự kê đơn, tự mua thuốc điều trị”, BS Cương chỉ rõ.