24/11/2024 | 12:48 GMT+7, Hà Nội

Fagor Tây Ban Nha có được người tiêu dùng Việt tin tưởng?

Cập nhật lúc: 01/10/2018, 21:03

Là một trong ba nhà sản xuất thiết bị gia dụng cao cấp lớn nhất Châu Âu tại Việt Nam và cũng là một hãng có thương hiệu lớn và nổi tiếng trên thị trường cung cấp thiết bị nhà bếp nhập khẩu trực tiếp 100% từ Châu Âu vào Việt Nam song liệu thương hiệu này có được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng về chất lượng sản phẩm?

Từng bị phàn nàn về chất lượng.

Tập đoàn công nghiệp Fagor là nơi chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng, đặc biệt là thiết bị bếp. Trong đó, Fagor Electrodoméscos là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu Tây Ban Nha, với doanh thu 16,770 triệu euro mỗi năm, thuộc nhóm tập đoàn lớn nhất trong bảng xếp hạng doanh nghiệp tại Tây Ban Nha.

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của quý khách hàng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, Công ty Tristar Việt Nam đã tiếp tục ký kết hợp đồng phân phối độc quyền thương hiệu thiết bị gia dụng lớn nhất Tây Ban Nha - FAGOR  với Tập đoàn CNA Group.

Không những thế, công ty Tristar Việt Nam còn tự hào là một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam, có khả năng cung cấp đầy đủ các thiết bị gia dụng cho các gia đình.

Fagor bỏ mặc khách hàng và chọn cách im lặng?

Fagor bỏ mặc khách hàng và chọn cách im lặng?

Nhưng trái ngược với những lời tung hô đó, tháng 7/2016, công ty Tristar đã bị người tiêu dùng phàn nàn về cách hàng xử trong việc bảo hành sản phẩm đối với công ty này.

Cụ thể, năm 2013, chị V.H. (Hà Đông, Hà Nội) mua một chiếc bếp hỗn hợp điện từ, mang nhãn hiệu Fagor 1200 TS của  Fagor do Fagor Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Tây Ban Nha, do Công ty Tristar Việt Nam - Đại diện tiếp thị và phân phối độc quyền tại đại lý Thái Sơn (ở 346 Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá 22 triệu đồng và được bảo hành 3 năm bởi nhà sản xuất.

Nhưng sau một thời gian sử dụng, chị thấy bếp nóng hơn bình thường và xuất hiện vết nứt lớn ở kính. Lúc này chị H. đã liên hệ với bên Trung tâm bảo hành Tristar nhưng chị nhận được câu trả lời đó là chị phải thay mặt kính mới mà phải chịu toàn bộ chi phí hơn 9 triệu đồng và công ty chịu 30%. Quá bức xúc, chị H. đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi, báo chí vào cuộc thì công ty Tristar Việt Nam lúc này chối bỏ trách nhiệm.

Việc bếp bị nóng mặt kính, hãng này cho rằng, quạt tản nhiệt bị bụi hay thanh nối tiếp xúc giữa mặt kính và đế bếp lâu ngày bị oxy hóa là hiện tượng bình thường. Nhân viên có khoan thêm mấy lỗ dưới gầm bàn bếp với lý do giúp tản nhiệt tốt hơn và lắp trả gia đình. 

Còn đối với việc bếp nứt mặt kính, Công ty Tristar cho rằn,g việc xác định rõ nguyên nhân mặt kính nứt là rất khó vì kỹ thuật viên đến sau khi hiện tượng nứt vỡ, do đó Công ty đã đề xuất hỗ trợ khách hàng 30% giá trị của phụ kiện vì sự việc không mong muốn.

Hãng khẳng định sau khi kết thúc công việc bảo hành bếp hoạt động tốt không nứt vỡ, khách khiếu nại vết nứt sau 16 ngày sử dụng. Do vậy, việc này không được hãng xác nhận vì không có bằng chứng khác gây ra do chất lượng của kính. Và sau đó sự việc đi vào quên lãng vì công ty này đã chọn cách “im lặng” và bỏ mặc khách hàng.

Ngang nhiên khuyến mại vượt khung, cơ quan chức năng ở đâu?

Đầu năm 2018, website của Công ty TNHH Tristar Việt Nam ngang nhiên khuyến mại, giảm giá đến 60%. Không chỉ vậy, ngày 9/5/2018, hệ thống showroom Fagor và trang web http://www.fagor.com.vn thuộc sở hữu của Công ty Tristar đã áp dụng chương trình khuyến mại 70% đối với 150 thiết bị cùng lời giới thiệu đầy thu hút.

Không chỉ vậy, trên website này còn thể hiện Công ty Tristar Việt Nam từng áp dụng chương trình khuyến mại 60% từ ngày 09/11/2017 đến ngày 10/02/2018. Doanh nghiệp không chỉ có dấu hiệu vi phạm khuyến mại vượt khung mà còn vượt quá số ngày theo quy định (một đợt khuyến mại không vượt quá 45 ngày) khi tiến hành khuyến mại hơn 60 ngày trong một chương trình.

Chương trình giảm giá lên đến 70%.

Chương trình giảm giá lên đến 70%.

Theo điều khoản quy định tại khoản 4, Điều 9 của Nghị định 37/2006 (còn hiệu lực đến ngày 14/7/2018): Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày. Vậy tình trạng doanh nghiệp vô tư áp dụng các chương trình khuyến mại sản phẩm lớn hơn 50% giá trị, có dấu hiệu vi phạm hoạt động xúc tiến thương mại.

Một câu hỏi được đặt ra, trước khi áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá vượt khung quy định kể trên, Công ty Tristar đã xin phép Sở Công thương Hà Nội hay chưa và có nhận được sự đồng ý? Đồng thời, chất lượng của các sản phẩm này liệu có tốt đúng như thương hiệu này quảng bá?