Dưới chân cột đèn đường Bình Nhưỡng
Cập nhật lúc: 01/03/2019, 07:01
Cập nhật lúc: 01/03/2019, 07:01
Gần 10 năm trước, trước dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, tôi có dịp sang Triều Tiên trong thành phần đoàn gồm 4 nhà báo Việt Nam. Cảm nhận thì nhiều, và cũng nhiều chiều nữa, nhưng có lẽ tôi chỉ kể về một điều - về những sinh viên Triều Tiên.
Chúng tôi đến một trường đại học lớn ở Bình Nhưỡng. Trong khuôn viên nhà trường là hàng ngàn sinh viên. Cảm nhận đầu tiên là họ rất giống nhau ở dáng vẻ. Cuộc sống ở Triều Tiên khi đó thiếu thốn, giống như Việt Nam thời bao cấp. Có lẽ do gen, các cô gái trắng hồng, có da có thịt. Còn các chàng trai thì trăm người như một, đều có dáng gày mảnh. Tất cả sinh viên nam đều mặc sơ mi trắng và thắt cà vạt chỉnh tề. Nhìn xa, họ thật sáng sủa. Ở gần, dễ dàng thấy những chiếc sơ mi trắng đã ngả màu, sờn cũ. Cà vạt cũng thế. Nhưng tất cả đều sạch sẽ và chỉnh tề.
Không có internet. Không điện thoại di động. Ngay ở sân bay, mọi điện thoại di động của chúng tôi đều phải để lại. Họ cho vào những bọc nilon, dán tên và cất giữ. Cho đến khi rời Bình Nhưỡng, chúng tôi nhận lại cũng ở sân bay. Vì vậy sinh viên Triều Tiên chỉ cầm trên tay sách vở. Nhưng đừng nghĩ họ học hành theo kiểu như sinh viên Việt thời bao cấp. Ăn uống sinh hoạt thì giống hệt thời bao cấp Việt Nam. Nhưng học thì không phải như thế.
Tôi ngỡ ngàng khi vào một khu rộng mênh mông, với các dãy bàn đặc máy tính. Sinh viên học ở đó. Không nối mạng quốc tế, nhưng Triều Tiên có mạng nội bộ trong nước. Sinh viên truy cập và lấy tài liệu từ đó. Buổi chiều, khi đến một trung tâm học từ xa của Bình Nhưỡng, dành cho những người học tại chức, tôi cũng thấy người học ngồi sau máy tính. Từ các tỉnh xa, học viên qua máy tính kết nối trong nước để nghe giảng và học.
Thư viện của trường đại học khá lớn và yên tĩnh. Khu mượn sách có một quầy rộng, thủ thư ngồi phía trong. Nhà báo Triều Tiên nói với tôi là có thể thử mượn sách. Tôi đề nghị cho tôi mượn những quyển sách nào bằng tiếng Việt. Quả thật, khi đưa ra đề nghị đó, tôi cũng không nghĩ nó có thể thực hiện. Thật ngạc nhiên cô thủ thư làm những động tác gì đó sau quầy rồi bấm nút. Chúng tôi đợi chừng 5 phút thì băng chuyền kín chuyển đến vài cuốn sách. Tôi cầm lên những quyển sách tiếng Việt rất cũ. Đó là những cuốn sách có lẽ được in ở Việt Nam từ những năm 70.
Chúng tôi biết các bạn Triều Tiên thường đưa khách đến những chỗ tốt nhất, và giới thiệu những gì tốt nhất họ có. Nhưng là dân báo chí, mấy anh em chúng tôi cũng có những cách để thâm nhập vào những chuyện đời thật. Với khách từ Việt Nam, nói cho công bằng, các bạn Triều Tiên cũng không "chặt chẽ" như các khách nước ngoài khác. Họ không ngăn chúng tôi la cà thoát ra khỏi sự hướng dẫn của họ mà lang thang tìm hiểu.
Buổi trưa, chúng tôi nhìn thấy sinh viên đi ăn tại nhà ăn tập thể. Và chúng tôi tự tìm hiểu được là khẩu phần đúng là kham khổ. Nhưng mỗi sinh viên, ngoài bữa ăn theo tem phiếu, mỗi ngày được phát một chiếc bánh mì có kẹp thịt. Chỉ riêng sinh viên có tiêu chuẩn đặc biệt đó. Tôi lại nghĩ đến thời bao cấp ở Việt Nam, khi bạn bè tôi là sinh viên, tuổi ăn tuổi ngủ, nhưng lúc nào cũng mệt mỏi vì thiếu ăn. Lúc đó nếu mỗi ngày có một chiếc bánh mỳ kẹp thịt là điều khó tưởng tượng.
Dẫu sao, tại sân trường đại học, giữa bao con mắt, sinh viên Triều Tiên chắc chắn không dám cởi mở với "khách nước ngoài". Chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng trong sâu xa, tôi và anh bạn trẻ trong đoàn, nhà báo Vũ Duy Hưng, vẫn muốn tiếp cận gần hơn với những người trẻ của đất nước này. Vì Triều Tiên là đất nước quá đặc biệt. Vừa rất giống Việt Nam, như tôi nói, thời bao cấp. Ở chỗ cái ăn, cái mặc, điều kiện sinh hoạt. Nhưng vừa rất khác. Xét cho cùng chúng tôi di chuyển là trên chiếc xe ô tô nhãn hiệu của họ làm ra.
Đường phố, nhà cửa to rộng, sạch sẽ. Và dù hầu như đâu cũng thấy bối cảnh của cấm vận, nhưng chúng tôi biết đất nước này tự làm được tuyến tàu điện ngầm. Và dĩ nhiên, cả tên lửa nữa. Họ có nhiều khoáng sản. Họ có một nền công nghiệp kiểu cũ nhưng khá cơ bản. Tôi nói với Hưng: "Ở đây, về sinh hoạt giống Việt Nam thời bao cấp. Còn về hạ tầng thì giống …Liên Xô thời bao cấp". Chúng tôi muốn tiếp cận với những người trẻ, muốn hiểu họ thế nào. Họ có hiểu rằng họ đang sống rất không bình thường khi không điện thoại, không internet? Hay họ vừa lòng với điều đó. Họ nghĩ gì về tương lai?
Điều may mắn là anh bạn trẻ Hưng vốn học đại học ở Hàn Quốc, thông thạo tiếng Triều Tiên. Vì thế hai chúng tôi có thể có những cuộc tiếp xúc nho nhỏ.
Tại nhà ăn khách sạn, qua Hưng, chúng tôi bắt chuyện khá lâu với một cô gái phục vụ rất xinh đẹp. Cô học xong đại học, và có thể là công việc của cô ở đây là tạm thời. Khác với những cô gái khác, cô gái này có phong cách khá tự nhiên, theo kiểu Âu hơn là Triều Tiên. Tôi bảo Hưng thử hỏi, sau này nếu muốn giữ liên lạc thì bằng cách nào. Cô gái cười tươi nhưng là nụ cười buồn. Cô bình thản nói rằng, không có email đâu, không có điện thoại đâu. Thư từ cũng không dễ đâu. Và như cô nói, hãy vui là đã gặp và trò chuyện hôm nay. Muốn nói chuyện gì cũng được nhưng là ở đây, lúc này. Còn sau đó thì, rất tiếc, chúng tôi chưa sống được như ở những nơi khác.
Sự khắc nghiệt là điều có thật!
Buổi tối, sau khi các cán bộ Triều Tiên đưa đoàn về nơi nghỉ, họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ đi ngủ, nên tạm biệt đi về. Nhưng hai anh em chúng tôi đợi họ khuất thì lại đi ra phố. Vào thời đó, người nước ngoài hầu như không có trên đường phố Bình Nhưỡng. Có khách nước ngoài ở khách sạn, nhưng họ chỉ ngồi trên xe đi tham quan, đi xem trình diễn Arirang ở sân vận động. Chắc có những quy định không cho khách nước ngoài tự do đi lại. Nhưng chúng tôi nói với nhau: Mình là người Việt Nam. Không ngại.
Chúng tôi lang thang ra phố Bình Nhưỡng lúc đã khá khuya. Vắng lặng. Các cửa hàng đều đóng cửa. Quả thật tôi cũng không biết cửa hàng bán cái gì. Vì ở đây mọi thứ theo tem phiếu. Cũng có một số cửa hàng bán thực phẩm giá cao (Lại cũng giống thời bao cấp ở Việt Nam). Hè phố Bình Nhưỡng rất rộng nhưng không sáng sủa. Phía trong, cách xa đường, là các dãy nhà tập thể khoảng 5-6 tầng. Ở xa, nhìn nhiều nhà tối, khó xác định nhà có điện hay không. Dọc hè phố, có những cột đèn đường. Ánh sáng từ ngọn đèn đỏ chỉ chiếu xuống khoảng tròn nhỏ dưới chân cột. Chúng tôi thấy hầu như dưới mỗi cột đèn đều có một, hai thanh niên, ngồi với sách vở, giấy bút. Bên kia đường, chỗ hiên mấy cửa hàng đóng cửa, có ánh điện hắt ra, cũng có những người ngồi như thế. Họ đang học bài.
Cảnh này khiến tôi rất xúc động. Tôi nhớ về những ngày học cấp ba ở thành phố quê hương. Thời khó khăn thiếu thốn. Chúng tôi học ở nhà thì ít, mà ngồi dưới chân cột điện học là chủ yếu. Vì ở nhà mất điện. Tôi đã có mùa hè ôn thi đại học dưới chân cột điện. Và tôi như nhìn thấy lại những năm tháng ấy của mình!
Cậu sinh viên (vẫn trong chiếc áo trắng và thắt cà vạt) ngồi dưới chân cột điện lúc đầu ngại ngần, nhưng cũng tiếp chuyện với chúng tôi, không lảng tránh bất cứ câu hỏi nào. Cậu rất hiền lành và rụt rè, như mọi sinh viên nam chúng tôi từng gặp. Thì ra đúng vậy, nhà tập thể buổi tối không thường xuyên có điện, nên cậu học ở đây. Tôi cầm lên tay tập vở của cậu. Lại bồi hồi khi thấy nó giống đến lạ kỳ sách vở thời mình đi học. Giấy xám đen, ráp. Loại giấy lâu nay học sinh Việt Nam không biết đến. Và điểm giống nhất là viết cả những chỗ trống không có dòng in kẻ ở đầu và cuối trang. Chữ nhỏ để tiết kiệm. Tôi nhớ sau khi học xong phổ thông, đi Liên Xô học đại học, ở Maxcova, rất lâu tôi không bỏ được thói quen dùng giấy tiết kiệm như thế. Nó đã thành thói quen ngấm trong máu mất rồi!
Cậu sinh viên ấy, như tôi nhớ, học một ngành kỹ thuật chế tạo máy gì đó. Cậu nói là rất thích ngành mình học. Và tôi nhận ra chàng trai gày gò, khiêm nhường, trong chiếc áo cũ nhưng rất ngay ngắn, cũng tràn đầy ước mơ và nhiệt huyết với tương lai. Tôi nhận ra người trẻ ở đâu, thời nào cũng giống nhau về điều đó. Như thể mình thấy hình ảnh của mình mấy chục năm trước.
Tôi và Hưng cùng rất muốn tặng cậu sinh viên này một món quà gì đó. Hưng hùng hục chạy về khách sạn lục lọi rồi mang đến chiếc cà vạt lụa đẹp mua từ Hà Nội. Nhưng cậu sinh viên, vẫn rụt rè như thế, lại kiên quyết không nhận. Cậu nói rằng Triều Tiên nghèo, cậu không có chiếc cà vạt nào đẹp như thế, nhưng nhà nước và bố mẹ cho cậu đủ những gì cần thiết để học. Cậu không muốn nhận quà.
Tôi ngồi bệt xuống hè bên cậu sinh viên. Và qua Hưng, tôi kể về những ngày trước đây của tôi. Khi đó tôi cũng học ở chân cột điện thế này. Khi đó giấy bút của tôi cũng giống thế. Khi đó Việt Nam còn nghèo hơn thế này về ăn, về mặc. Và tôi rất muốn cậu nhận chiếc cà vạt, vì gặp cậu, chúng tôi như sống lại thời đi học của mình. Người sinh viên Triều Tiên nghe rất lâu. Rồi cậu gật đầu, nhận món quà nhỏ ấy. Khi hai anh em chúng tôi đi về, cậu sinh viên còn nhìn theo rất lâu. Đi rất xa, tôi ngó lại, thấy bóng cậu đang cúi xuống trang vở miệt mài học, dưới ánh đèn vàng đỏ yếu ớt , những con côn trùng bay ở trong quầng sáng...
Rất lâu, nhớ đến Bình Nhưỡng, hình ảnh đậm nhất trong tôi vẫn là cả dãy phố đêm vắng ngắt, nhưng dưới chân cột đèn nào cũng có những sinh viên trẻ, gầy gò, miệt mài im lặng học.
Đất nước ấy, một khi không còn những ràng buộc và cách ngăn khắc nghiệt (có lý hay vô lý thì tôi hiểu, nhưng không nói ở đây), sẽ phát triển rất mạnh. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó xảy ra vào lúc nào đó. Bởi những người trẻ thiệt thòi ấy, họ đã miệt mài học. Những gì họ không được hưởng khi họ còn trẻ là không bù đắp được, vì chẳng ai quay lại được năm tháng đã qua. Nhưng một nơi mà người trẻ im lặng học, là một nơi sớm muộn gì thì cũng sẽ có tương lai...
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
15:01, 27/02/2019
08:00, 27/02/2019
21:00, 25/02/2019