19/01/2025 | 16:12 GMT+7, Hà Nội

Đừng vì thỏa mãn cá nhân mà mất đi thói quen tốt

Cập nhật lúc: 04/08/2020, 17:22

Ứng xử một cách hài hòa, hợp lý trên xe bus chính là vì mọi người và cũng là vì bản thân mình.

Đã sai còn… cãi

Những người đi trên chuyến xe buýt số 95 hôm ấy đều “thán phục” độ… lì và cùn của bà già. Chuyện là, lúc bà vừa lên xe, anh thu vé hỏi trong bao tải của bà có gì. Bà trả lời là chỉ có ít rau và mấy quả mít xanh.

Đi được một lúc, “mít” ở trong bao tải kêu lên quang quác và sàn xe bắt đầu có nước chảy ra. Lúc này bà già mới “khai thật” rằng bà mang ít rau và “độn” thêm cả mấy con gà đã thịt để ngăn đá cùng mấy con gà còn sống xuống Hà Nội cho con gái bồi dưỡng sắp đẻ.

Ứng xử văn minh trên xe bus là vì mình và cũng vì cộng đồng

Anh phụ xe ngay lập tức mời bà xuống vì trên xe có quy định không được mang theo động vật sống, nhất là thời điểm đó cúm gia cầm lại “nhăm nhe” đe dọa. Bà già năn nỉ, xin xỏ rất lâu, qua mấy điểm dừng, dù anh phụ xe bận phải thu tiền vé, sắp xếp chỗ ngồi cho khách nhưng anh vẫn kiên quyết mời bà xuống.

Lúc này xe đã khá đông, cái bao tải to đùng của bà càng chiếm chỗ chềnh ềnh trên xe, nước vẫn chảy ra và gà vẫn kêu quang quác náo loạn cả lên. Xin không được, bà già lại giở giọng: “Mọi lần cô vẫn đi được, phụ xe khác vẫn cho cô đi, sao cháu không cho cô đi”?

Bác tài xế cũng lên tiếng: “Quy định là như vậy, bác thông cảm, xuống xe để khỏi ảnh hưởng đến người khác”. Bà già vẫn không chịu: “Các chuyến khác đi được thì chuyến này cũng phải đi được. Chắc là các cháu ghét cô rồi. Tại lúc nãy cô lên xe chậm phải không? Chắc chắn là ghét cô nên mới trả thù cô như thế”.

Anh phụ xe vẫn nhắc đi nhắc lại: “Mời bác xuống”. Còn bác tài xế thì lớn tiếng: “Bây giờ cháu sẽ dừng xe. Bác xuống để khỏi ảnh hưởng đến những người khác”. Xe dừng lại vài phút, mọi người trên xe nhao nhao phản đối, đến lúc này bà già mới miễn cưỡng xách bao tải của mình đi xuống, tỏ thái độ rất khó chịu.

Cơn bão số 2 đổ bộ vào nước ta gây mưa lớn dài ngày. Đứng chờ xe buýt, nhiều khi một chiếc ô che không đủ, người ta phải mặc áo mưa cho khỏi ướt. Điều này không có gì đáng phàn nàn nếu như khách có ý thức.

Đeo khẩu trang trên xe buýt để phòng tránh Covid-19

Bởi có rất nhiều người ngại bị người khác để ý, ngại làm phiền, ngại ảnh hưởng đến không gian chung nên đã tự trang bị cho mình một chiếc túi nilon. Chị Hoa (công nhân khu công nghiệp Quang Minh) chia sẻ kinh nghiệm: “Mình mặc một chiếc áo mưa du lịch mỏng, tay vẫn cầm ô che đầu. Từ xa, khi nhìn thấy tuyến xe buýt mình chờ gần đến điểm đón mình đã nhanh tay cởi áo mưa ra và giũ thật mạnh cho bắn bớt nước mưa đi.

Nếu còn thời gian mình sẽ gập áo mưa, đút nhanh vào túi nilon. Còn nếu xe đã đến, mình vội cụp ô, nhảy lên xe. Khi yên vị chỗ ngồi mình sẽ cho chiếc áo mưa và cả chiếc ô sũng nước vào túi nilon. Như vậy mình vừa được gọn gàng, không phải tay xách nách mang mà những người xung quanh cũng không bị ướt lây”.

Không phải ai cũng nghĩ và chu đáo, cẩn thận được như chị Hoa. Nhiều lần trên các chuyến xe, khách mặc nguyên cả chiếc áo mưa ròng ròng nước đứng chảy thành vũng trên sàn xe. Có người còn “diện” luôn cả áo mưa ngồi lên ghế để khi xuống xe. Khi lái xe và phụ xe nhắc nhở cởi áo mưa ra, họ còn lí sự: “Mặc luôn thế tí xuống đỡ phải mặc lại”.

Cần giữ gìn cho bản thân và mọi người

Những ngày này, khi dịch Covid-19 lại tiếp tục xuất hiện, công tác vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, đeo khẩu trang được khuyến cáo ở các nơi công cộng. Trên xe buýt cũng vậy. Mùa hè trời nóng, xe phải bật điều hòa, lại là nơi nhiều lượt khách lên xuống nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Các xe buýt đều dán những tấm bảng khuyến cáo hành khách đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và đặc biệt là có dòng chữ: “Chúng tôi từ chối phục vụ những người không đeo khẩu trang”. Vậy mà, cá biệt, vẫn có những người để “mặt trần” lên xe.

Khi bị nhắc nhở họ còn tỏ thái độ không hài lòng. Thậm chí, giữa chỗ đông người, có bác còn hắt xì hơi, xì mũi liên tục. Đến khi nhân viên trên xe nhắc đeo khẩu trang vào, bác mới miễn cưỡng lấy khẩu trang từ trong túi ra đeo. Nếu không mang theo, hoặc rơi, hoặc quên thì đã đành, đằng này có mang theo mà vẫn cố tình không đeo thì thật đáng trách.

Không nên lơ là, đeo khẩu trang kiểu chống đối, cần thì bỏ xuống để nói chuyện

Một lối ứng xử “tự nhiên chủ nghĩa” vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi công cộng, đặc biệt là trên xe buýt. Xe rất đông, người bố trẻ cứ nhất định đòi mua vé cho cả hai bố con để ngồi trong khi phụ xe đã nói rất rõ là phải nhường chỗ cho trẻ em, người già, còn thanh niên, người lớn thì xin mời đứng gọn vào để cho người khác còn đứng.

Chị Linh (Long Biên, Hà Nội) luôn có ý thức mua vé xe buýt cho con. Cô con gái đầu của chị năm nay 7 tuổi, nhỏ người nên trông chỉ như mới 5 tuổi. Dù các chú thu vé bỏ qua, chị và con vẫn đề nghị được mua một vé riêng vì đã đủ tuổi.

Trong khi đó, trên tuyến 60A, một bà mẹ trẻ “cãi” bằng được con mình mới 5 tuổi, cháu trông cao lớn nhưng chưa đủ tuổi mua vé, “đi suốt như thế, có phải mua vé đâu”.

Nhiều bạn trẻ có thói quen lên xe buýt là mang theo tai nghe, lặng yên nghe nhạc. Cũng vẫn còn có trường hợp, như trên tuyến 60B, một chàng trai vừa ngồi ấm chỗ là lấy điện thoại ra “buôn”. Câu chuyện chẳng có gì quan trọng, chỉ quanh đi quẩn lại “anh đúng hẹn với chú, chắc chắn đúng hẹn, đã hẹn thì mưa bão cũng đi” mà kéo dài gần 20 phút.

Đã thế, âm lượng của anh này lại rất to, nói cứ oang oang như chốn không người. Mấy lần anh bán vé nhắc, xuống tận nơi đập vào vai thì anh này mới chịu dừng lại. Sau đó, anh ta rút vào “hoạt động bí mật” hơn, thì thào gọi tiếp cho người khác. Dù vậy, cuộc nói chuyện “đường dài” này vẫn khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng bởi mất tập trung, không được yên tĩnh.

Lại có người nghĩ rằng đã đeo khẩu trang rồi, lên xe buýt chỉ vài chục phút là cùng, ai biết mình là ai nên thoải mái… tận hưởng. Chán gác chân lên thành ghế, anh chàng này khoanh cả hai chân lên, ngồi rung đùi tít mù. Lát sau, anh ta ngủ quên, ngáy khò khò khiến cả xe bật cười.

Đoàn thanh niên Transerco tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho hành khách đi xe buýt góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Dù đi một chặng ngắn hay cả quãng đường dài, ai cũng muốn được thoải mái và không bị làm phiền. Vì vậy, cách tốt nhất để có được điều này thì phải ứng xử thật văn minh, đặc biệt là theo các khuyến cáo trong bộ quy tắc ứng xử mà thành phố Hà Nội đã đề ra.

Bởi lẽ, ứng xử cũng là một cách “gieo nhân nào gặt quả nấy”, nếu bạn không tôn trọng người khác, mọi người đều không tôn trọng nhau thì đương nhiên cái bạn nhận về sẽ là một không gian lộn xộn, mất trật tự, thiếu vệ sinh.

Ngược lại, nếu bạn biết tôn trọng mình, giữ gìn cho chính bản thân mình, tôn trọng người khác, thì mọi người sẽ đều tôn trọng lại bạn, bạn sẽ nhận về một môi trường văn minh, lành mạnh. Đừng nghĩ không ai biết mình là ai, muốn làm gì thì làm. Cái được, bạn sẽ được một chút thỏa mãn cá nhân trong chốc lát nhưng cái bạn mất sẽ là hình ảnh của bản thân và lâu dài hơn là mất đi thói quen tốt.

Đừng mong xã hội tốt khi mỗi cá nhân đều chỉ biết đến bản thân mình. Vì thế, hãy nâng cao ý thức của mình vì lối sống mỗi cá nhân sẽ tạo nên văn hóa cho cả tập thể.