21/01/2025 | 14:25 GMT+7, Hà Nội

Đưa vấn đề bảo vệ trẻ em vào Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Cập nhật lúc: 09/11/2020, 17:10

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ lồng ghép vấn đề bảo vệ trẻ em trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng như xây dựng đề án hướng dẫn trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.

Sáng 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ hai tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng và bảo vệ trẻ em trên mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Chính phủ đã đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành.

Đưa vấn đề bảo vệ trẻ em vào Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Trong tuần này Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thảm quyền. Chắc chắn, Bộ quy tắc sẽ được ban hành trong năm 2020 và vấn đề bảo vệ trẻ em sẽ được Bộ lồng ghép trong Bộ quy tắc, yêu cầu tôn trọng nhà cung cấp mạng và người sử dụng phải hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, còn có đề án giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với các vấn đề như thành lập đầu mối tiếp nhận các vấn đề cần xử lý liên quan tới trẻ em trên mạng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và xử lý các vấn đề liên quan tới trẻ em, trang bị các kỹ năng cho trẻ em có hành động thích hợp…, đề án đã được trình Chính phủ và sẽ được ban hành năm nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về việc chuyển đổi số miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong Đề án chuyển đổi số đã được Thủ tướng phê duyệt, thì chuyển đổi số cho vùng sâu,vùng xa được ưu tiên, vì càng nơi khó khăn thì chuyển đối số càng hiệu quả, chuyển đổi số bắt đầu từ nơi khó.

Về sóng, Bộ đang chỉ đạo cố gắng để vùng núi, vùng sâu xa có thể truy cập được mạng. Cùng với đó, thực hiện thanh toán điện tử. Bà con vùng sâu xa có một khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có đề án phối hợp để bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600-700 nghìn đồng cho bà con. Ưu tiên giáo dục trực tuyến để bà con có thể tiếp cận các bài giảng chất lượng cao. Ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, thương mại điện tử. Bộ đã triển khai thí điểm xã thông minh với các nội dung trên và cuối năm nay sẽ tổng kết.