19/01/2025 | 10:11 GMT+7, Hà Nội

\'Đua nhau\' đề xuất xây sân bay: Có cần thiết?

Cập nhật lúc: 28/01/2021, 08:09

Trước đề xuất xây dựng sân bay của tỉnh Ninh Bình, một số chuyên gia cho rằng, việc các tỉnh đua nhau xin chủ trương đầu tư sân bay, thì cần phải đặt ra câu hỏi: Có cần thiết không?

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí sân bay tại địa phương và nghiên đề xuất nghiên cứu tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Lý giải về việc đưa sân bay Ninh Bình vào Quy hoạch, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho rằng, Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.

Đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình về việc xây dựng sân bay đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó, một số chuyên gia lo ngại những đề xuất này không phù hợp với nhu cầu thực tế và gây ra lãng phí.

Hiện nay, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có 8 sân bay gồm 4 quốc tế là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh và 4 quốc nội Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Phú Bài. Các sân bay Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản (Sơn La) đã được xác định trong quy hoạch xây dựng đến năm 2030.

Trước đó, Bộ GTVT cũng nhận được kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay tại Hà Tĩnh, Cao Bằng, Bạc Liêu từ lãnh đạo các tỉnh này. Hay Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đề xuất bổ sung sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa...

Chia sẻ với báo Tiền phong về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đầu tư sân bay rất tốn kém và không chắc chắn đầu tư xong sẽ có hiệu quả, thực tế đa số sân bay của Việt Nam đều lỗ. Những năm gần đây, hàng không Việt Nam phát triển “nóng”, nên nhiều địa phương cũng muốn có sân bay. “Nếu đầu tư theo kiểu thấy tỉnh khác có mình cũng phải có sân bay chỉ… đốt tiền”, ông Đức nói.

Thay vì đầu tư sân bay, số tiền đó có thể làm đường bộ cao tốc kết nối sân bay với địa phương chưa có sân bay, sẽ đạt hiệu quả đa chiều hơn. Cũng theo ông Đức, trên thế giới, một quốc gia có thể có rất nhiều sân bay, đặc biệt là sân bay nhỏ. Còn Việt Nam xét về số lượng, số sân bay không nhiều. Tuy nhiên, ở các nước, máy bay gia đình rất phát triển để khai thác sân bay nhỏ, sân bay tư nhân, còn ở ta loại hình này vướng nhiều quy định và chưa thể phát triển, gây lãng phí các sân bay nhỏ. Vị chuyên gia cũng lưu ý tránh dẫn tới “quy hoạch treo”, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long góp ý thêm, câu chuyện các địa phương đua nhau làm bến cảng, sân bay đã từng xảy ra hơn 10 năm trước, nay không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, rất lãng phí. Cả nước hiện có 22 sân bay, nhưng chỉ 6-7 sân bay hoạt động có lãi, số còn lại đều lỗ. Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân..., vì đầu tư sân bay rất tốn kém.

Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. (Ảnh: Internet)
Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. (Ảnh: Internet)

“Dù đầu tư từ vốn Nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Đất nước còn nghèo, cần sử dụng hiệu quả. Cũng cần tránh đề xuất làm sân bay vì mục đích khác, như để kích cầu và đẩy giá bất động sản...”, ông Long nói. Theo ông Long, hàng không là phương tiện đi lại xa xỉ, không phải đa số người dân đều tiếp cận được.

Trong khi đó, chia sẻ với báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: "Việc các tỉnh đua nhau xin chủ trương đầu tư sân bay, thì cần phải đặt ra câu hỏi: Có cần thiết không?".

"Nếu làm sân bay tại vị trí đề xuất thì vùng dân cư nào có nhu cầu sử dụng sân bay, hay là đón khách từ nơi khác đến sân bay đó. Như vậy, cần đặt ra nguyên tắc cho các sân bay hiện hữu cũng như quy hoạch trên toàn quốc",  PGS.TS Tống cho hay.

PGS.TS. Tống lấy dẫn chứng: Sân bay Nội Bài và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) chắc chắn là đã được quy hoạch bao phủ cho cả dân cư vùng Ninh Bình rồi. Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình giao thông rất thuận lợi khi các tuyến cao tốc đang được đầu tư, kết hợp với đường sắt, đường thuỷ đi qua tỉnh nối tới Thanh Hoá và Hà Nội. Theo đó, việc đầu tư sân bay tại Ninh Bình là không cần thiết.

Vị chuyên gia này đặt vấn đề, Bộ GTVT và Chỉnh phủ cần phải xem xét kỹ lượng việc quy hoạch sân bay. Đặc biệt, là cần làm rõ phía sau việc đề xuất xây dựng sân bay có phải là một chiêu thức vẽ quy hoạch để làm tăng giá trị đất hay không? Có hay không việc thổi giá đất lên cao nhằm phục vụ một nhóm lợi ích? Ngoài ra, cần phải xem có tình trạng vẽ dự án để thu hồi đất, sau đó lại điều chỉnh dự án chuyển đổi sang mục đích khác hay không?

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dua-nhau-de-xuat-xay-san-bay-co-can-thiet-52725.html