19/01/2025 | 10:23 GMT+7, Hà Nội

Du lịch Việt Nam năm 2021 sẽ thế nào sau "cú đánh" từ dịch bệnh?

Cập nhật lúc: 15/12/2020, 09:02

PGS. TS. Phạm Trung Lương cho rằng, với những chính sách phù hợp, du lịch Việt mới có thể tăng tốc độ trở lại trong thời gian tới.

Ngành du lịch “tả tơi” vì dịch bệnh

Số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, ngành du lịch thế giới đã đánh mất 700 triệu lượt khách so với cùng kỳ năm 2019, tương đương với thiệt hại khoảng 730 tỉ USD doanh thu từ du lịch. Thiệt hại này gấp 8 lần cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008.

8 tháng đầu năm, tất cả các quốc gia đều ghi nhận lượt khách giảm. Châu Á và Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên chịu tác động của COVID-19, lượng khách giảm 79%, tiếp theo là Châu Phi và Trung Đông giảm 69%, Châu Âu giảm 68% và Châu Mỹ giảm 65%.

Nền du lịch thế giới năm 2020 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Ở Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,6 triệu lượt, doanh thu du lịch chỉ đạt trên 10.000 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cảnh báo: “Sự sụt giảm chưa từng có này đang gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng, khiến hàng triệu việc làm và doanh nghiệp gặp rủi ro. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải khởi động lại du lịch một cách an toàn, kịp thời và có sự phối hợp”.

Tại Việt Nam, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất sau khi dịch bệnh Covid-19 quét qua. Trong đợt dịch thứ 2 bùng phát trở lại, nhiều địa điểm du lịch được yêu cầu hủy phòng, tỷ lệ kín phòng của các khách sạn hạng sang chỉ đạt dưới 20%, sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước (TP HCM ở mức 14% và Hà Nội là 24%).

8 tháng đầu năm, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Vận tải du lịch gần như đóng cửa vì không có khách, hàng loạt cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, nhân viên phải nghỉ việc.

8 tháng đầu năm 2020, Khánh Hòa chỉ đón được gần 986.000 lượt khách du lịch, tương đương 19,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chỉ có gần 426.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 6.028 tỷ đồng, chỉ bằng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019 (Số liệu của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa).

Du lịch bị ảnh hưởng nặng tốc độ quay lại có nhanh?

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, bức tranh du lịch thế giới năm 2021 thật sự khó đoán vì còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nhóm khách quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ. 

Dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 mặc dù tích cực so với khu vực và quốc tế (hơn 2%) nhưng cũng là tín hiệu mừng hỗ trợ ngành du lịch vực lại sau “cú đánh ” của dịch bệnh.

Hội đồng chuyên gia của UNWTO dự báo du lịch quốc tế sẽ phục hồi vào năm 2021, chủ yếu là vào quý 3 năm 2021. Tuy nhiên, khoảng 20% chuyên gia cho rằng sự phục hồi chỉ có thể xảy ra vào năm 2022.

Nhận định về du lịch nội địa trong thời gian tới, PGS.TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn "Du lịch nội địa có cải thiện nhờ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và được tiếng là điểm đến an toàn, nhưng so với năm trước 2020 chứ cũng không được nhiều. Năm 2019, chúng ta đón 18 triệu khách quốc tế, cứ cho là năm 2022 khống chế được thì năm 2023 có được con số đó không? Tôi nghĩ là chưa thể được. Ngành du lịch sẽ chỉ phát triển được trong điều kiện thế giới khống chế được dịch bệnh, đặc biệt là những thị trường quốc tế quan trọng đối với du lịch Việt. Các dự báo nói rằng, đến cuối năm 2021 vắc xin đến được Việt Nam thì du lịch sẽ có cải thiện, tuy nhiên chỉ đối với du lịch nội địa, du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn lắm"

Đúng là ngành du lịch nội địa đang cho thấy những điểm sáng trở lại so với 8 tháng đầu năm 2020. Nhờ các biện pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch của chính phủ, Việt Nam đã được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia khá an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. 

PGS. TS. Phạm Trung Lương.

Thêm nữa, trải qua thời gian cách ly vì dịch bệnh bức bí, người dân sắp tới sẽ muốn xả hơi bằng những chuyến du lịch. Do vậy sau khi thông báo hết dịch tại Đà Nẵng và một số vùng, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng bắt đầu nhận book phòng trong tháng 9 và 10 dù đã vào mùa du lịch nội địa thấp điểm. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành cũng tung ra hàng loạt gói khuyến mãi: Hanoi Redtours có gói tour du lịch dành cho gia đình với mức giảm sâu từ 30 đến 50%. Vietravel cũng xây dựng gói tour riêng với mức giảm 50% dịch vụ… Nắm bắt xu hướng du lịch tự túc, các công ty đã bổ sung thêm các dịch vụ, sản phẩm lẻ như đặt phòng, vé máy bay, cho thuê xe du lịch… cung cấp các tour du lịch trọn gói rất hấp dẫn, giảm tới 70% dành cho dịch vụ vé máy bay và khách sạn; giảm tới 50% với voucher ở các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp của cả nước…

Các DN du lịch cũng đang rục rịch chuẩn bị những sản phẩm tour kết nối với một số quốc gia trong khu vực. "Chúng tôi chỉ chờ thời điểm thuận tiện để kết nối lại đường tour sau khi có sự chấp thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước. Dù vậy, tâm lý du khách và sự an toàn của du khách khi khôi phục trở lại kinh doanh trong điều kiện bình thường mới vẫn là quan trọng nhất. Tránh tối đa việc lây nhiễm Covid-19 là điều kiện tiên quyết khi mở lại tour" - Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist cho biết.

Nhiều đơn vị du lịch lữ hành cũng xác nhận sau 2 đợt dịch lượt khách tăng trở lại. Tuy không sôi động như thời gian trước dịch nhưng đó là tín hiệu khá khả quan.

"Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, chúng tôi dự đoán tour đoàn sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm với các đoàn lớn, số lượng từ 100-500 khách, tập trung vào các ngành hàng thực phẩm, dược phẩm, bảo hiểm… Hiện chúng tôi cũng đang xúc tiến hợp đồng và làm việc với nhiều khách hàng khối khách đoàn cho kế hoạch tour MICE, team building… từ tháng 10-12 khá nhiều" - bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông lữ hành Fiditour nói.

"Nếu dịch bệnh được khống chế thì ngành nào ảnh hưởng nặng bởi dịch tốc độ quay lại sẽ nhanh hơn. Những ngành nặng nhất như dịch vụ, hàng không, du lịch phải đến năm 2022 – 2023 mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại" - TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương 

Một tín hiệu cực khả quan hơn là các đường bay quốc tế đang dần được khai thác trở lại dù chưa áp dụng với khách du lịch. Đường bay quốc tế được mở tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai hoạt động hợp tác sản xuất kinh doanh, tiếp theo sau đó sẽ là hoạt động du lịch… Đây cũng là sự đảm bảo để dần mở cửa nền kinh tế.

Tuy nhiên, không phải là có điểm sáng là chúng ta lại lạc quan và tự tin quá sớm "chúng ta hy vọng điều tốt nhất nhưng cũng phải nhìn vào sự thật để có ứng xử phù hợp hơn. Từ việc khống chế dịch bệnh đến phục hồi đà tăng trưởng như trước đây là cả một khoảng cách chứ không đến ngay được trong năm tới. Dịch bệnh là rủi ro nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tự làm mới lại mình và xem xét lại cơ cấu của ngành du lịch, đã hợp lý chưa và nếu đi theo những phương thức cũ sẽ tiềm ẩn nguy cơ gì? 

Lúc này là thời gian để nhìn lại nền du lịch Việt Nam, chứ không phải lãng phí thời gian. Kể cả Trung ương và địa phương cần ngồi lại bàn lại các chính sách nếu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Một điều rất quan trọng là phải đưa nội dung quản trị rủi ro vào đề án phát triển du lịch. Vì ngoài Covid còn hàng tá con virus khác, ai biết đâu được có con virus nào sẽ ập đến trong tương lai. Rồi còn thiên tai nữa, ai nói trước được điều gì? Sẽ phải ứng xử thế nào khi rủi ro xảy ra?" - TS. Phạm Trung Lương cho biết.

TS Lương cũng cho rằng, nhà nước phải có nhiều chính sách thoáng hơn, thay đổi nhiều hơn mới có thể quyết định được du lịch phục hồi bao nhiêu phần trăm. "Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia trong khi các nước trong vực người ta miễn cho 150-160 quốc gia, người ta cạnh tranh với mình người ta hốt hết khách về nước họ. Vì thế phải có cơ chế thoáng hơn để thu hút du khách quốc tế. Muốn xây dựng một ngành du lịch phát triển đường dài thì cũng cần có một trường đại học đào tạo chuyên ngành về du lịch để có thể quản trị và xử lý những rủi ro bất ngờ".

"Với những chính sách phù hợp, du lịch Việt mới có thể tăng tốc độ trở lại trong thời gian tới"

Tất nhiên là không chỉ sự nỗ lực đến từ nhà nước mà còn từ các DN "DN  phải thay đổi nhận thức. Mục tiêu cao nhất của DN là lợi nhuận, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng DN cũng phải cân đối với lợi ích của cộng đồng, đất nước. DN phải thực sự ưu ái lao động địa phương, ngoài chuyện đóng ngân sách là đương nhiên. Đặc biệt là vấn đề tài nguyên, các DN khai thác cạn kiệt tài nguyên mà chẳng có ý thức gì trong chuyện bảo tồn. Trong khi đất nước còn nghèo cho ngân sách bảo tồn rất hạn chế. Vậy thì làm sao du lịch phát triển dài hơi và vực dậy được nhanh chóng?"

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 năm qua giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch nhưng cũng là thách thức để và nhìn lại chính mình, qua đó có khả năng đề kháng và thích nghi cao hơn trước những biến động của thiên nhiên và xã hội. Như nhiều chuyên gia nói: Covid-19 chưa hẳn là rủi ro mà là "tấm màng lọc" nhìn lại những gì hạn chế để phát triển những tiềm năng trong tương lai.