Du lịch tâm linh gắn liền với văn hoá bản sắc dân tộc
Cập nhật lúc: 21/01/2020, 06:30
Cập nhật lúc: 21/01/2020, 06:30
Trong bối cảnh ngành Công nghiệp Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, du lịch tâm linh đang dần có chỗ đứng vững chắc và góp phần to lớn vào sự tăng trưởng chung của Du lịch Việt, giá trị nó đem lại không chỉ dừng ở mức lợi ích kinh tế, mà còn là những giá trị to lớn khác về mặt tinh thần cho đời sống, xã hội của người dân.
Du lịch tâm linh hấp dẫn du khách
Du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của con người địa phương, cũng là những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc sắc khác. Ở Việt Nam hàng năm có tới 8.000 lễ hội diễn ra trên khắp các vùng miền đất nước. Cùng với đó cả nước có hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, trong đó hơn một nửa là nơi có thể khai thác mô hình du lịch tâm linh.
Các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước như: Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế), Tam Chúc (Hà Nam)…và rất nhiều địa danh khác nữa. Điều đáng nói là các khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu là đền đài, chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, hoặc lễ bái, cầu xin những điều tốt lành cho con người, cho quốc thái dân an. Chính kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú trên đã tạo nên cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, và trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, trong đó chủ yếu là du lịch tâm linh.
Khái niệm du lịch tâm linh đã có từ lâu trên thế giới, nhưng ở nước ta mới chỉ được nói đến trong khoảng hơn chục năm qua khi mà điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần con người được nâng lên. Đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình (tháng 11-2013) theo sáng kiến của Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Taleb Rifai thì du lịch tâm linh ở nước ta càng nở rộ. Theo đánh giá của UNWTO, du lịch tâm linh là loại hình du lịch mà Việt Nam là nước có thế mạnh về lĩnh vực này. Vậy phải hiểu thế nào là du lịch tâm linh? Có thể nói một cách ngắn gọn du lịch tâm linh là một loại hình du lịch lấy yếu tố tâm linh là mục tiêu để thỏa mãn nhu cầu từ con người. Vì thế du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn. Du lịch tâm linh là chuyến du lịch khám phá thế giới tâm linh để trở về với thế giới nội tâm, lắng nghe và tìm về những điều tốt đẹp.Đi sâu vào cuộc hành trình tâm linh này, người ta có thể rũ bỏ những ưu phiền, khổ đau để có được một tâm hồn tự do và hạnh phúc, lòng ngập tràn niềm vui sống cùng tình yêu thương bao la, vô tận… Về bản chất, tâm linh gắn liền và biểu hiện những cái thiêng liêng, cao cả, siêu việt trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt xã hội của con người, nhất là những cư dân vùng Á đông nói chung trong đó ở Việt Nam văn hóa tâm linh đã tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.
Khái thác thế mạnh bảo tồn văn hoá
Trong xu thế phát triển chung của ngành du lịch, ở nước ta những năm gần đây, loại hình du lịch tâm linh với các tour hành hương về đất tổ, tham quan vùng văn hóa với các di sản, di tích văn hóa độc đáo, thăm viếng các cơ sở thờ tự, di tích, danh thắng… được tổ chức ngày càng nhiều. Du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu thư giãn, thưởng ngoạn, tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của du khách. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trải dài trên khắp đất nước, vừa mang tính thiêng liêng, vừa mang tính thẩm mỹ, chính là đối tượng tìm hiểu của du khách bốn phương. Họ kết hợp giữa du lịch và hành hương để đến với những địa điểm vừa có ý nghĩa tôn giáo và tín ngưỡng, vừa có cảnh đẹp. Du khách không chỉ tìm hiểu được những thông tin về cội nguồn lịch sử, cội nguồn văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng bản địa, mà còn được gắn bó, giao tiếp, ứng xử cùng nhau trong môi trường đậm đặc chất thiêng.
Như vậy, du khách được đáp ứng cả nhu cầu du lịch và nhu cầu tâm linh. Đây là những môi trường đặc thù cả về vật thể và phi vật thể, vừa hấp dẫn, vừa tạo niềm tin cho du khách. Họ không chỉ thưởng ngoạn, tham quan, khám phá hay chiêm bái, cầu nguyện… mà còn tăng cường được sợi dây gắn kết con người với thiên nhiên cũng như gia tăng niềm tin, nâng cao đời sống tâm hồn. Với ý nghĩa đó du lịch tâm linh là điều không thể thiếu được ở một đất nước hơn 90 triệu dân với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau mang đậm văn hóa tâm linh như ở Việt Nam ta.
Số lượng khách du lịch tâm linh đang ngày một tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch mà trong đó, khách nội địa chiếm phần lớn. Số khách du lịch đi đến các điểm tâm linh tăng lên cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.
Nhu cầu về du lịch tâm linh ngày càng đa dạng và không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn liền với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yết tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh đang ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện tại.
06:00, 20/01/2020
06:00, 18/01/2020
07:20, 17/01/2020