19/01/2025 | 10:18 GMT+7, Hà Nội

Du lịch nội địa là nút mở duy nhất thời hậu Covid-19

Cập nhật lúc: 06/10/2020, 08:01

Việt Nam đang quay trở lại thời kỳ "bình thường mới". Với ngành du lịch nói riêng, du lịch nội địa chính là nút mở duy nhất tại thời điểm này để từng bước "vực dậy" và hồi phục.

Lời tòa soạn: Ngành du lịch Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước “cơn bão” Covid-19. Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang bị khủng hoảng và phải chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nghiệp, chúng tôi khởi đăng tuyến bài liên quan đến tình hình thực tiễn, những chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, giải pháp phục hồi du lịch hậu Covid-19 cũng như những chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dịch Covid-19 tái phát trong nửa cuối tháng 07 đã khiến khả năng phục hồi của ngành du lịch và khách sạn trong năm 2020 khó khăn hơn. Đơn cử như tại Hà Nội, mặc dù không phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng hàng loạt khách sạn vẫn trong tình trạng dừng hoạt động, thậm chí gỡ biển hiệu, trả mặt bằng.

Du lịch nội địa - "Phao cứu sinh" cho ngành du lịch

Tuy là ngành dịch vụ đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng theo các chuyên gia du lịch, đây lại là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất khi thị trường nội địa hồi phục.  "Mặc dù trong ngắn hạn, hoạt động ngành khách sạn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng trong dài hạn, triển vọng phát triển rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và những định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Chính phủ. Hơn nữa, Việt Nam được thế giới biết đến là điểm đến an toàn và là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Công ty CBRE Hotels Việt Nam nhận định.

Đồng tình với phân tích này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, thị trường nội địa hồi phục sẽ là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch nói chung, hệ thống khách sạn nói riêng khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đất nước quay trở lại thời kỳ "bình thường mới".

Du lịch nội địa là "phao cứu sinh" của ngành du lịch ( Nguồn: Zing)

Đánh giá về tầm quan trọng của khách du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Việt Nam từng chia sẻ: "Du lịch nội địa đã cứu ngành du lịch khi gặp khủng hoảng trong cả 2 đợt dịch. Trong thời gian ngắn, hoạt động du lịch trở nên khởi sắc, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa là nút mở duy nhất cho ngành du lịch duy trì hoạt động, trong khi du lịch quốc tế chưa thực sự trở lại.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa khởi động chương trình kích cầu du lịch lần hai. Đợt kích cầu trước diễn ra từ tháng 5 sau đó bị đình trệ bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Sau khi dịch được kiểm soát, Tổng cục khởi động chương trình kích cầu với sự tham gia rộng rãi của nhiều doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, đợt kích cầu này gặp không ít thách thức khi mùa cao điểm du lịch đã qua đi; cung và cầu du lịch đang yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế.

Hiện nay, Thủ tướng đã cho phép nối lại 6 đường bay quốc tế, khách du lịch sau khi nhập cảnh chấp hành đầy đủ quy định về cách ly và an toàn phòng chống dịch bệnh được chào đón đi bất kỳ điểm du lịch nào của Việt Nam. Thông qua đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các chủ thể trong chuỗi cung ứng: vận chuyển, lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí và dịch vụ khác để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh và phục vụ tốt nhất cho du khách; xúc tiến, quảng bá, truyền thông tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".

Về chương trình kích cầu du lịch lần 2, mục đích của Tổng Cục du lịch là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước, giúp cộng đồng doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định phát triển kinh tế, an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, đợt kích cầu lần 2 cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi "mùa vàng của du lịch nội địa” là vào dịp nghỉ hè, sau đó bước vào thời điểm thấp điểm nhất trong năm, đặc biệt năm nay tâm lý khách còn e ngại vì dịch bệnh. Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nguồn lực và quy mô sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng. 

Tổng Cục du lịch kích cầu du lịch lần 2 hậu Covid-19. (Ảnh: Internet)

Chính vì vậy, ngành du lịch phải tận dụng thời gian này để sắp xếp lại nguồn lực, nghiên cứu kỹ về xu hướng thị trường mục tiêu, xây dựng các chính sách, gói kích cầu và tổ chức truyền thông, hướng đến giai đoạn quyết định chi tiêu của khách là tháng 11 và 12 thậm chí lan tỏa sang Tết Nguyên đán 2021.

Trước đó, để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ra thông cáo kêu gọi Chính phủ các nước hành động ngay để hỗ trợ ngành Du lịch. Trong đó, đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ hàng triệu người mà sinh kế dựa vào ngành Du lịch trong thời gian này gồm: Trợ cấp tài chính nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động trong các ngành nghề đang thiệt hại nghiêm trọng nhất; cung cấp những gói vay miễn lãi và dài hạn cho những doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh phá sản; áp dụng chính sách miễn các loại thuế, phí và những yêu cầu tài chính khác cho ngành du lịch, ít nhất trong 12 tháng sắp tới.

Khi lợi nhuận không còn là mục tiêu duy nhất

Theo trung tâm du lịch Việt Nam, để ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoi tourist, AZA Travel, Hanoi tourism, Travelogy, Threeland Travel...) đã lập ra các nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.

Như thế, những nhóm này sẽ cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch; cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão Covid-19”.

"Kết bè vượt bão" sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn này. (Ảnh: Internet)

Theo chia sẻ của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, nhiều sản phẩm và dịch vụ kích cầu được đưa ra với mục đích truyền thông quảng bá thương hiệu, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và công việc làm cho người lao động, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất vào thời điểm này. Do đó, khách du lịch là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Rút kinh nghiệm từ đợt trước, chúng tôi khuyến khích sự tham gia gắn kết hỗ trợ của các liên minh kích cầu để tối ưu hóa nguồn lực của các bên. Đồng thời, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát tại địa phương, đảm bảo đúng như cam kết về chất lượng và giá cả.

Tuy nhiên, do dịch bệnh chưa được kiểm soát trên toàn thế giới nên Việt Nam vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch. Vậy làm thế nào để có thể đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch?

"Việc đảm bảo an toàn cho du khách sẽ được thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế. Tổng cục Du lịch cũng đã ban hành bộ tiêu chí an toàn du lịch rất cụ thể.

Hơn nữa, với xu hướng khách du lịch giai đoạn này thích di chuyển gần, sử dụng xe cá nhân nên cũng hạn chế bớt việc di chuyển đại trà như trước đây. Đại đa số các điểm đến trọng điểm về du lịch đều an toàn trong lần bùng phát dịch thứ hai vừa rồi, đây cũng là cơ sở của môi trường du lịch an toàn" - Lãnh đạo Tổng Cục du lịch nhấn mạnh.

Thị trường nội địa hồi phục sẽ là “phao cứu sinh” và là nút mở duy nhất cho ngành du lịch nói chung, hệ thống khách sạn nói riêng khi mà dịch Covid-19 được kiểm soát, đất nước quay lại thời kỳ "bình thường mới" như thời điểm hiện tại. Việc ưu tiên giai đoạn này là các Sở quản lý, các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú cần bắt tay giải quyết vấn đề trước mắt như hoãn hủy tour, chung tay chia sẻ vì mục tiêu lâu dài, phát huy ưu thế của ngành kinh tế tổng hợp. Đặc biệt, các hãng hàng không cần có chính sách linh hoạt, xem xét hoàn tiền cho các doanh nghiệp lữ hành… Thời gian tới, tiếp tục thực hiện vừa chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị đón khách quốc tế khi đã đủ điều kiện.