22/11/2024 | 10:57 GMT+7, Hà Nội

Dự kiến thi THPT quốc gia: 3 ngày thi 8 môn

Cập nhật lúc: 14/11/2015, 10:31

Kỳ thi diễn ra trong 3 ngày, các môn tự chọn được phân theo cặp... là những dự kiến được bàn luận trong hôm nay về kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Sáng 13/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến để chốt phương án cuối cùng về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 tại TP.HCM với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Nhiều ý kiến được đưa ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2016

Tuổi trẻ đưa tin, tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được quy định trong Luật Giáo dục nên việc tổ chức kỳ thi này là bắt buộc. Trong khi Luật Giáo dục ĐH quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh” nên việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường.

Vì vậy những ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ kỷ thi THPT quốc gia và tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc gọi kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi “2 trong 1” đều không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án: lịch thi THPT quốc gia 2016 dự kiến diễn ra trong ba ngày. Các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và Vật lý mỗi môn thi một buổi. Mỗi cặp môn gồm Sinh - Lịch sử và Hóa học- Địa lý thi trong một buổi và bắt đầu cùng giờ.

Thí sinh được chọn một trong mỗi cặp môn thi Sinh học hoặc Lịch sử, Hóa học hoặc Địa lý. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng theo lịch thi này thì ngày thi thứ ba tổ chức thi cặp môn cùng giờ nên sẽ ảnh hưởng đến một số lượng thí sinh có nguyện vọng thi cả hai môn.

Về xét tuyển ĐH, CĐ trong năm 2016, theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH tốp trên chưa sẵn sàng thực hiện tự chủ tuyển sinh, vẫn mong muốn Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để các trường lấy kết quả để xét tuyển. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT mong muốn các trường cần cân nhắc, thảo luận kỹ một số vấn đề kỹ thuật để tìm giải pháp tối ưu nhất.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng đã tổng hợp những vấn đề được dư luận xã hội, các chuyên gia, các trường, sở GD-ĐT, thí sinh và phụ huynh tham gia nhiều ý kiến trong thời gian qua.

Cụ thể, cần duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) hay bãi bỏ. Nếu bỏ điểm sàn thì mở rộng cửa vào ĐH, không đảm bảo nguồn tuyển cho hệ CĐ, giáo dục nghề nghiệp; có cần quy định các đợt xét tuyển hay chỉ quy định số kỳ tuyển sinh trong năm học; xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia cần thay đổi một cách căn bản hay chỉ điều chỉnh một số điểm bất hợp lý trong công tác xét tuyển năm 2015; chế độ điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng cần giữ ổn định như năm 2015 hay giảm xuống còn ½ so với mức điểm ưu tiên trong năm 2015.

VnExpress cho hay, theo báo cáo của Bộ, năm 2015 có 198 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh riêng dựa vào kết quả THPT, duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng. Phương thức xét tuyển này được nhiều trường lựa chọn nhưng không có trường ở tốp trên.

Thống kê công tác tuyển sinh nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2015 cho thấy, khoảng 40 trường đại học có tính cạnh tranh rất cao (điểm trúng tuyển trung bình từ 22,5 trở lên, có 60.000 thí sinh đỗ). Khoảng 60 trường trong cả nước điểm trung bình trúng tuyển từ 21 điểm trở lên với số lượng đỗ thực tế khoảng 100.000 em. Có nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả trường có đề án tuyển sinh riêng bằng xét tuyển điểm học bạ THPT. 

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4/7 được đánh giá là suôn sẻ, nhưng đến giai đoạn xét tuyển vào đại học, cao đẳng lại có nhiều bất cập. Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận sau đó đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm.