27/04/2024 | 22:34 GMT+7, Hà Nội

Du khảo Pù Luông, miền đất thiêng của Chúa Chổm (Kỳ 3): Cả bản cùng mang họ vua

Cập nhật lúc: 02/10/2021, 13:30

Quan bản Dộc được vua Lê Trang Tông tôn làm Bố nuôi. Ông không tham dự triều chính, tiếp tục ở lại bản Dộc làm người dân áo vải. Hậu duệ của ông hiện mang họ Ngân, đang sinh sống tại đất Pù Luông.

“Nhà vua được sinh ra và lớn lên ở bản Dộc này, chúng ta coi như máu mủ ruột thịt. Nhà vua mang họ Lê, tất cả chúng ta sẽ cùng mang họ của nhà vua”.

Trung hưng một vương triều

Trong quá trình điền dã, sưu tầm tài liệu, ông Hà Nam Ninh có được một số cuốn sách quý trong gia tộc của ông quan bản Dộc (còn gọi là quan bản Kén, sống vào thế kỷ 16). Người trao cuốn sử viết tay bằng chữ Thái kể chuyện 500 trước cho ông Ninh là ông Ngân Văn Quẹt, ở bản Eo Kén, lúc bấy giờ đã 103 tuổi.

Cuốn sách vẽ nên khung cảnh đời sống của người dân Mường Khoòng thời bấy giờ, giúp chúng ta giải mã tại sao hang Nủa lại là nơi đặc biệt linh thiêng trong tâm tưởng của người dân Pù Luông.

Những trang sử Thái kể chuyện ông quan Dộc. (Ảnh: LQ)

Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Nhiều trung thần của vua Lê không phục, lấy Thanh Hóa làm căn cứ để khởi sự, mưu việc phò Lê diệt Mạc, giành lại vương triều. An Thành hầu Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh trong dân gian, bèn tôn lập làm vua Lê Trang Tông (ở ngôi từ năm 1533 – 1548).

Cuốn Dư địa chí huyện Bá Thước, căn cứ vào những tài liệu ghi chép trong các sách chữ Thái cổ, xác định vùng đất Nguyễn Kim tìm thấy vua Lê Trang Tông và dựng cờ khởi nghĩa là vùng Mường Khoòng, Mường Lau (xã Lũng Cao và Cổ Lũng hiện nay). Cụ thể, công cuộc này gắn với công trạng của các ông tạo Hà Nhân Chính (còn gọi là Hà Thọ Tường), Hà Thọ Lộc và quan bản Dộc, cùng các địa danh cụ thể như bản Dộc, suối Nủa, Cổ Lũng, Ban Công…

Sử Thái chép: Bản Dộc xưa vốn thuộc vào đất cai quản của ông Mường Khoòng. Ở đây có một người giỏi giang, trung hậu, nên được tôn làm tạo bản, còn gọi là quan bản Dộc (chưa rõ họ tên).

Một hôm ông quan Dộc đang cày ruộng thì thấy có người đàn bà chửa tìm đến, xin được cứu giúp vì gia đình bị kẻ gian hãm hại, chỉ còn sót lại giọt máu trong bụng. Thấy người phụ nữ có phong thái đoan trang, cao quý, ông bèn sai người nhà đưa giấu vào một hang núi, chăm sóc chu đáo.

Cánh đồng lúa tại bản Dộc. (Ảnh: LQ)
Cánh đồng lúa tại bản Dộc. (Ảnh: LQ)

Có lần, quan Dộc bí mật kể chuyện với ông tạo Mường Khoòng Hà Thọ Tường. Ông Mường Khoòng lại mật báo lên ông Liêm Quốc công là một quan lớn của triều đình đang mộ binh trong vùng. Ông Liêm Quốc công khuyên: “Hãy tiếp tục nuôi giấu, chờ đứa bé được sinh ra. Nếu mang thai 12 tháng, sinh ban ngày và là bé trai, có thể ứng với điềm lạ về sao Thái vương tỏa sáng gần đây chăng?”. 

Quả nhiên, người phụ nữ sinh hạ một bé trai khôi ngô tuấn tú vào cuối ngày nhưng mặt trời vẫn rực sáng. Cậu bé được đặt tên là Lê Duy Ninh, dân bản gọi là Chù Chốm, sau này là vua Lê Trang Tông. 

Điều này liên quan gì tới sự linh thiêng của hang Nủa? Chuyện rằng, khi đã đón rước cậu bé Lê Duy Ninh đi, nhưng việc tôn lập vẫn còn thiếu một thứ rất quan trọng là chiếc ấn ngọc tỉ. Quan bản Dộc bèn nói: “Ở hang Nủa có thần Nước rất linh thiêng, lại có họ hàng với Long vương ngoài biển cả. Hãy đến đó xin một chiếc ấn vàng cho nhà vua”.

Mọi người bèn giết trâu trắng, lợn trắng, gà trắng cầu cúng Thủy thần hang Nủa. Thủy thần báo mộng hãy theo suối Nủa ra sông Mã, đi về phía biển. Ông quan Dộc lên bè xuôi dòng đi ngay.

Một hôm, mặt nước rung chuyển, rồng thiêng hiện lên nhả ấn vàng vào vạt áo quan Dộc. Việc các đại thần và quan Dộc cầu cúng Thủy thần hang Nủa mà xin được ấn vàng, giúp nhà vua lên ngôi chính thống, được coi là công lao đặc biệt của Mường Khoòng và quan bản Dộc. 

Cả bản mang họ vua

Có vua Lê Trang Tông để chính danh nêu cao ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc”, lực lượng khởi nghĩa do Nguyễn Kim lãnh đạo ngày càng lớn mạnh. Sự nghiệp trung hưng nhà Lê có những thành công nhất định, triều đình bèn ban thưởng công lao cho những người có công. Nơi tổ chức buổi lễ long trọng đó hiện nay là xã Ban Công (huyện Bá Thước).

Công đầu được giành cho Mường Khoòng vì đã nuôi giấu nhà vua, tìm được ấn vàng và giúp đỡ quân lương rất nhiều trong buổi đầu triều đình còn trứng nước. Công thứ hai là cho Mường Xang (huyện Mộc Châu, Sơn La), đã liên kết với các bộ lạc Ai Lao đem quân đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân nhà Mạc. Công thứ ba cho Mường Hạ, rồi đến Mường Thàng (thuộc Mai Châu và Cao Phong của Hòa Bình). Mường Khoòng sau này từng được gọi là xã Quốc Thành, lấy ý từ lời vua Lê Trang Tông rằng “thành quốc, thành nước là từ mảnh đất này”. 

Vua Lê phong cho Nguyễn Kim tước Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công, thay vua xử lý mọi công việc lớn nhỏ của triều đình. Ông Mường Khoòng Hà Thọ Lộc được phong chức Tư đồ, tước Thụy Sơn hầu, sau thăng lên Thụy Quận công. Lân Quận công Hà Thọ Lộc được phong chức Tư mã rồi Thiếu úy, khi mất được truy phong lên Thái úy. 

Nhà sử học Phan Bảo và ông Hà Nam Ninh trong chuyến điền dã. (Ảnh: LQ)
Nhà sử học Phan Bảo và ông Hà Nam Ninh trong chuyến điền dã. (Ảnh: LQ)

Chúng tôi tìm đến bản Dộc (nay là bản Thành Công, xã Lũng Cao), nơi ông già áo vải đã nuôi giấu cưu mang mẹ con vua Lê Trang Tông. Tên bản được đặt theo loài voọc đầu trắng đuôi dài có rất nhiều ở Pù Luông, thường kêu “Dôộc, dôộc”.

Bản Dộc chỉ cách hang Nủa chừng mấy cây số, nhưng đường hiểm trở khó đi, phải vượt qua một eo núi có nhiều dốc lớn. Bốn bề của bản Dộc là núi, cô lập với các làng bản xung quanh, nhưng ở giữa lại rất bằng phẳng, nhiều nước, có thể cung cấp lương thực sung túc cho hàng trăm người. Quanh năm sương mù bao phủ, nắng ít mưa nhiều, cây cỏ tốt tươi. 

Sau này, trong một sự kiện lớn trong vùng, ông quan Dộc lại có công giúp ông tạo Mường Ánh (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa), nên được làm tạo ở bản Kén giáp sông Mã. Sau này, mẹ của vua Lê Trang Tông mất, được chôn tại đây, hiện đang còn ngôi mộ mà người dân quen gọi là “Mộ bà Thái hậu”. 

Điều kỳ lạ thú vị là trong bản nhỏ heo hút của người Mường người Thái giữa đại ngàn Pù Luông, lại có rất nhiều gia đình mang họ Lê. Không kể một số cư dân mới chuyển đến đều mang họ Đinh, Hà, Ngân, Lục…, sự hiện diện của dòng họ này khiến nhiều người chú ý.

Những bản làng cổ xưa ở Pù Luông mang rất nhiều bí ẩn thú vị. (Ảnh: LQ)
Những bản làng cổ xưa ở Pù Luông mang rất nhiều bí ẩn thú vị. (Ảnh: LQ)

Hỏi thăm, trưởng bản Vi Trí Sử (35 tuổi) chỉ gãi đầu gãi tai: “Hiện tại bản Dộc chỉ còn chừng hơn 10 hộ, 30 khẩu mang họ Lê thôi. Các gia đình họ Lê khác đều chuyển ra ngoài xã hoặc thị trấn hết rồi. Nhiều người bảo họ đổi tên khi tham gia kháng chiến, nhưng các cụ thì bảo tên họ đó có lâu đời rồi. Chuyện cũ thì phải hỏi người già thôi”.

Người đàn ông nổi tiếng nhất ở bản Dộc trong mấy chục năm gần đây chính là ông Lê Văn Dện (hiện đã mất). Ông Lê Văn Dện từ nhỏ đi theo kháng chiến, tham gia đánh đồn Cổ Lũng, Điện Biên Phủ… rồi trở về làm đến Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cao. Khi tuổi cao, ông vẫn được bầu làm Bí thư chi bộ bản Dộc suốt nhiều năm. Những người quen biết cũ của ông Lê Văn Dện còn nhớ, mỗi lần đi họp ngoài huyện, ông thường sắm sửa quần áo để đi trong khoảng… một tuần. Bản Dộc rất heo hút, mùa mưa thường bị cô lập như ốc đảo giữa rừng, ông Dện lại rất được người dân các bản xung quanh yêu quý, nên đi đến đâu cũng bị… mời ngủ lại. Chỉ khoảng 30 km đường ra huyện, có phương tiện là xe đạp, nhưng ông đi hết cả tuần là sự thường.  

Ông Hà Nam Ninh khoát một vòng tay theo những ruộng lúa xanh mướt của bản Dộc: “Trước đây, tôi từng dạy học trong này nên biết rõ, danh sách học sinh thấy toàn họ Lê. Hỏi người già, thì biết tuy dân bản Dộc 100% là Mường Thái, nhưng họ Lê là do các cụ để lại. Sau này đọc sử Thái, tôi mới biết người đổi sang họ Lê, vì yêu quý và gắn bó với vua Lê Trang Tông, người khởi đầu vương triều Lê trung hưng”.

Một người già mang họ Lê tại bản Dộc. (Ảnh: LQ)
Một người già mang họ Lê tại bản Dộc. (Ảnh: LQ)

Khi vua Lê Trang Tông ban thưởng công lao, ngoài những đặc ân như ghi công hạng nhất, ban thưởng của cải, nhiều năm không được phải nộp thuế và phu dịch…, còn muốn trao riêng cho bản Dộc có công nuôi nấng mẹ con mình thêm một đặc ân. Người dân bản Dộc hào hứng: “Nhà vua được sinh ra và lớn lên ở bản Dộc, chúng ta coi như máu mủ ruột thịt. Nhà vua mang họ Lê, tất cả chúng ta sẽ cùng mang họ của nhà vua”. Họ Lê có ở bản Dộc từ đó, đối chiếu theo sử sách là vào khoảng năm 1533.

Riêng quan bản Dộc được vua Lê Trang Tông tôn làm Bố nuôi, rất mực yêu quý, kính trọng. Ông không tham dự triều chính, tiếp tục ở lại bản Dộc làm người dân áo vải. Chưa rõ quan bản Dộc tên thật là gì, nhưng hậu duệ của ông hiện mang họ Ngân, đang sinh sống tại đất Pù Luông.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/du-khao-pu-luong-mien-dat-thieng-cua-chua-chom-ky-3-ca-ban-cung-mang-ho-vua-59901.html