19/01/2025 | 19:26 GMT+7, Hà Nội

Dự án thu phí không dừng: Về đích nhưng vẫn nhiều nỗi lo

Cập nhật lúc: 14/01/2021, 16:36

Dự án thu phí không dừng đã chính thức về đích vào ngày 31/12/2020, đúng với lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc phải tiếp tục tháo gỡ để dự án này thật sự phát huy hiệu qu

Số phương tiện dùng dịch vụ ETC quá thấp

Một trong những vướng mắc được nói đến rất nhiều tại dự án khai thác thu phí điện tử không dừng (ETC) là tỷ lệ dán thẻ quá thấp. Điều này khiến việc hiện thực hóa lợi ích từ thu phí không dừng khó càng thêm khó. Thống kê mới nhất từ Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho thấy, hiện cả nước mới có hơn 1 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Đây là con số quá thấp so với tổng số hơn 3,5 triệu ô tô đang lưu hành trên cả nước. Điều đáng nói, trong hơn 1 triệu phương tiện đã dán thẻ ETC chỉ có khoảng gần 50% phương tiện đã dán thẻ thường xuyên sử dụng dịch vụ ETC.

“Hiện VTEC đang rà soát lại và nhắn tin lại cho khách hàng nạp tiền sử dụng dịch vụ. Thời gian sau này, khi chủ phương tiện dán thẻ, VETC yêu cầu phải nộp khoản tiền nhất định để nâng cao trách nhiệm chủ thẻ” – ông Hồ Trọng Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết.

 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC chỉ đạt 10% . Ảnh: Lê Thanh.
 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC chỉ đạt 10% . Ảnh: Lê Thanh.

Việc tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC cũng như sử dụng dịch vụ ETC quá thấp khiến cho dự án mang đến hiệu quả không cao, dù hiện tổng số trạm thu phí đưa vào vận hành thu phí không dừng đã lên tới 91 trạm. Điều này có thể thấy rõ tại các trạm thu phí mà bất cứ ai cũng có thể biết được qua bằng cái nhìn trực quan. Đó chính là làn thu phí hỗn hợp lúc nào cũng “đông vui, náo nhiệt” còn làn ETC lại quá vắng vẻ, đìu hiu.

Việc phương tiện tăng đột biến trong khi làn thu phí không dừng có số lượng phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng thu phí không dừng còn thấp nên các trạm BOT đã cho lưu thông hỗn hợp trong làn không dừng để sớm giải tỏa phương tiện, tránh ùn tắc kéo dài. Đây là cách làm được áp dụng tại nhiều trạm BOT trên các tuyến cao tốc. Một trong những tuyến cao tốc được lắp đặt ETC sớm nhất là Hà Nội – Hải Phòng nhưng lượng phương tiện sử dụng dịch vụ này cũng ở mức rất thấp.

Ông Đỗ Văn Thuần - Giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, hiện trạm đã lắp 5 làn thu phí không dừng nhưng chỉ có khoảng 10% người sử dụng làn thu phí này. Hiện trạng này khiến lãnh đạo công ty không khỏi lo lắng khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp đến gần bởi khi đó lượng phương tiện tăng đột biến sẽ khiến giao thông qua trạm dễ bị ùn tắc. Ông Đỗ Văn Thuần khẳng định, chỉ có đẩy mạnh thu phí không dừng mới giảm ùn tắc tại các trạm BOT.

Hãy cho người dân thấy rõ lợi ích

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, vấn đề tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC cũng như sử dụng dịch vụ này thấp là câu chuyện không phải bây giờ mới được nói đến. “Tôi cho rằng, việc lắp đặt ETC tại các trạm thu phí mới chỉ là bước đầu còn điều quan trọng nhất là phải làm sao tăng tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ lên. Có như thế dự án mới phát huy hiệu quả” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.

Theo chuyên gia giao thông này, nguyên nhân thực trạng trên một phần do chủ phương tiện chưa mặn mà với loại hình dịch vụ mới, nhưng phần khác cũng do đơn vị thực hiện chưa làm hết trách nhiệm hoặc năng lực không đạt yêu cầu. “Theo tôi được biết, hiện nay, việc dán thẻ ETC vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào chủ các phương tiện, tức là chưa có cơ chế bắt buộc họ phải dán thẻ. Điều này sẽ dẫn đến hai trường hợp. Thứ nhất, người dân sẽ ồ ạt đi dán thẻ nếu họ nhận thấy điều này mang đến cho họ nhiều lợi ích hơn. Thứ hai, họ sẽ thờ ơ vì cho rằng ETC chẳng có gì hơn thu phí thủ công” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích và nhận định, việc chủ phương tiện đang “lạnh nhạt” với dán thẻ và sử dụng ETC cho thấy họ chưa nhận ra hiệu quả và lợi ích vượt trội của dịch vụ mới này.

Về giải pháp, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trước mắt vẫn phải tăng cường tuyên truyền, vận động để chủ phương tiện thấy được hết lợi ích của dịch vụ ETC. Nhưng về lâu về dài, cần phải có cơ chế giảm dần phạm vi hoạt động của các làn thủ công, từ đó các phương tiện tìm đến với ETC sẽ nhiều hơn. “Nhiều chủ phương tiện hiện nay rất ngại thay đổi thói quen cũ, trong đó có thói quen dùng tiền mặt để trả phí BOT. Song hiện các trạm BOT đều có cả làn thủ công và làn ETC, thì đương nhiên họ sẽ lựa chọn hình thức thủ công” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.

Nguồn: http://kinhtedothi.vn/du-an-thu-phi-khong-dung-ve-dich-nhung-van-nhieu-noi-lo-406925.html