23/11/2024 | 14:17 GMT+7, Hà Nội

Dự án Thành An Tower: Khách hàng phải làm gì nếu chủ đầu tư thế chấp dự án?

Cập nhật lúc: 28/11/2018, 18:46

Thời gian qua, nhiều dự án vừa thế chấp “quyền tài sản” nhưng lại thế chấp “tài sản hình thành trong tương lai” của dự án, dẫn đến tình trạng một cổ hai tròng. Đối với dự án Thành An Tower (nay là Manhattan Tower), khách hàng mua căn hộ đang nghi ngờ việc chủ đầu tư (CĐT) đã đem dự án thế chấp ngân hàng. Nếu đúng như vậy, các bên liên quan sẽ phải làm gì để giải quyết những vướng mắc trên?

CĐT đẩy khách hàng vào cảnh “một cổ hai tròng”?

Như đã đưa tin, dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng cao cấp Thành An Tower sở hữu vị trí “đất vàng” tại số 21 Lê Văn Lương (Hà Nội), có diện tích 4.182m2 gồm 30 tầng với diện tích 2.104m2. Tổ hợp này do Tổng Công ty Thành An và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm CĐT.

Theo thông tin phóng viên có được, dự án Thành An Tower được chính thức khởi công vào quý IV/2014 và dự kiến hoàn thành vào quý I/2017. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ đắp chiếu, đến nay Thành An Tower vẫn chưa hoàn thành khiến khách hàng lo lắng.

Không những vậy, khách hàng còn phản ánh không thể vay ngân hàng tại dự án này. Chính vì thế, nhiều khách hàng nghi ngờ CĐT đã đem dự án thế chấp ngân hàng, nhưng vẫn huy động vốn, bán căn hộ và thu tiền của khách hàng.

CĐT đem dự án thế chấp ngân hàng nhưng vẫn

CĐT thế chấpdự án,nhưng vẫnvẫn bán căn hộ và thu tiền của khách hàng?.(Ảnh: Thục Anh)

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Việc người mua nhà không thể vay ngân hàng để trả tiền mua nhà có thể do nhiều nguyên nhân. Đối với những nguyên nhân từ chính dự án có thể kể đến như: đã thế chấp quyền tài sản thì không thể thế chấp tài sản hình thành của dự án, dự án không có bảo lãnh của ngân hàng nên không thể vay,...

Trên thực tế, do không có cơ chế kiểm soát, trong thời gian qua có nhiều dự án vừa thế chấp “quyền tài sản” nhưng lại thế chấp tiếp “tài sản hình thành trong tương lai” của dự án, điều này dẫn đến tình trạng một cổ hai tròng”.

Luật sư Phượng cho biết thêm, đối với việc thế chấp “quyền tài sản”, nếu Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình đang thế chấp “quyền tài sản” tại Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - Chi nhánh Trung Hòa Nhân Chính, cho khoản vay 250 tỷ đồng (được đăng ký lần đầu ngày 21/12/2017 và đăng ký thay đổi vào ngày 23/01/2018), việc thế chấp quyền này không ảnh hưởng đến việc vay ngân hàng của khách hàng.

Nhưng đối với việc thế chấp “tài sản hình thành trong tương lai”, việc khách hàng không thể vay được ngân hàng để trả tiền mua nhà, thì cần có sự trả lời rõ ràng của ngân hàng hoặc trực tiếp tra cứu tại Văn phòng đăng ký đất đai để có thông tin chính thức dự án có bị thế chấp hay không.

Theo quan điểm của Luật sư Phượng, nếu CĐT đã thế chấp “quyền tài sản” nhưng sau đó lại thế chấp tiếp “tài sản hình thành trong tương lai” cho khách hàng, thì sẽ vi phạm Khoản 6 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015. Do đó, việc xác định CĐT có vi phạm hay không, thì cần có thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai, về việc có thế chấp “tài sản hình thành trong tương lai” hay không.

CĐT phải giải quyết các giao dịch không đúng pháp luật!

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, với những dự án giao dịch không đúng quy định pháp luật: giao dịch khi chưa đủ điều kiện, không có bảo lãnh ngân hàng, dự án bị thế chấp mà không được giải chấp hoặc có văn bản chấp thuận của ngân hàng,…thì trường hợp xấu nhất là dự án bị siết nợ. Trường hợp nhẹ hơn, dự án cũng bị kéo dài hoặc buộc phải chuyển nhượng vì CĐT thua lỗ.

“Với khách hàng đã giao dịch, CĐT có trách nhiệm phải giải quyết. Thế nhưng nếu lúc đó doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiền nợ nhiều hơn tài sản thì rất khó đảm bảo quyền cho khách hàng”, Luật sư Phượng phân tích.

Luật sư Phượng cho rằng

Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, CĐT phải giải quyết các giao dịch nếu không đúng pháp luật. (Ảnh: Thục Anh)

Trước việc dự án Thành An Tower (nay là Manhattan Tower) chậm tiến độ gần 1 thập kỷ và đang bị nghi ngờ thế chấp ngân hàng như trên, điều khách hàng quan tâm đó là họ phải làm gì để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, nhiều khách hàng đã tin tưởng ký Hợp đồng mua bán căn hộ với CĐT vàmạnh dạn “xuống tiền”để đóng theo tiến độ.

“Theo kinh nghiệm riêng, nếu những dự án có vấn đề và có tình trạng trầm trọng thì người mua nên sớm thực hiện việc hủy hợp đồng để thu lại khoản tiền của mình. Bởi vì, dù dự án có khởi động lại nhưng không đúng pháp luật và có cơ chế đảm bảo quyền của người mua nhà (ngân hàng hàng bảo lãnh), thì việc đóng tiền càng rủi ro và thiệt hại nhiều hơn”, Luật sư Phượng khuyến cáo.

Có thể nói, đến thời điểm này khách hàng mua căn hộ tại dự án Thành An Tower vẫn chưanhận đượccâu trả lời thỏa đáng từ phía CĐT. Trong vụ việc này, người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những khách hàng mua căn hộ, thế nhưng CĐT dự án cũng không tránh khỏi tai tiếng. Vì thế, những vấn đề trên cần phải được giải quyết kịp thời, từ đó tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh bất động sản lành mạnh.

Reatimes sẽ tiếp tục phản ánh.

Trần Tiến