19/01/2025 | 01:31 GMT+7, Hà Nội

Dự án Chung cư C1 Thành Công: “Mưa” vữa, sỏi gây mất an toàn cho người dân

Cập nhật lúc: 28/02/2019, 08:10

Do xuống cấp trầm trọng, Chung cư C1 Thành Công vốn đã được di dời dân cư từ năm 2008, đến nay đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, những hộ dân sinh sống tại “chân” tòa chung cư này vẫn ngày ngày phải chịu cảnh bụi khói, rác thải xây dựng rơi xuống mái nhà, rơi xuống đầu như mưa.

Lưới an toàn chỉ để... cho có?

Theo phản ánh của ông N.Q.H, thường trú tại dãy nhà C10B, phường Thành công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, ngay sát chân dự án Chung cư C1 do Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông 1 (Cienco 1) làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC (UDIC) phụ trách thi công, thì từ 1 năm trở lại đây, hiện tượng những mảnh vụn vật liệu xây dựng như vữa, sỏi... rơi từ trên tầng cao của công trình này ngày càng nhiều hơn, gây nguy hiểm cho người dân sinh hoạt bên dưới.

Dự án Chung cư C1 Thành Công đã gần hoàn thiện

Dự án Chung cư C1 Thành Công đã gần hoàn thiện

Không chỉ những mảnh vụn nhỏ, mà từng có cả thanh sắt dài hơn 1m bị rơi xuống, hay một bao xi măng chưa dùng hết hẳn đã “hạ cánh” xuống mái nhà của gia đình ông H. Rất nhiều những chậu hoa, cây cảnh vốn được bày trước cửa nhà của các hộ dân tại đây đều đã bị những loại rác thải vật liệu xây dựng rơi xuống từ quá trình thi công, hoàn thiện công trình của UDIC phá nát.

Chậu hoa cũng là "nạn nhân" của rác thải xây dựng rơi xuống từ công trình

Qua quan sát trên thực tế của phóng viên, trên vỉa hè của dãy nhà C10B rải rác rất nhiều các mảnh vữa với đủ các kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, có mảng còn to hết lòng bàn tay. Không chỉ vậy, bụi xi măng từ công trình này đã phủ bạc lá cây cối quanh, len lỏi vào cả bên trong những gia đình vốn luôn phải đóng kín cửa.

Theo ông H, kể từ khi công trình này thi công, ngôi nhà ông đang sống đã có dấu hiệu bị lún, nứt và xuống cấp. Các vết nứt trên tường xuất hiện ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn. Để che đi các vết nứt, gia đình ông H đã phải dán tạm lớp giấy dán tường, mặc dù biết rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, che lại để “khuất mắt trông coi”.

Mảng vữa to bằng lòng bàn tay cực kỳ nguy hiểm

Mảng vữa to bằng lòng bàn tay cực kỳ nguy hiểm khi rơi từ trên cao

Với tình trạng lún, nứt xuất hiện, các hộ dân tại đây đã có kiến nghị với UBND phường Thành Công. Được biết, thời điểm sau khi kiến nghị đã có một đoàn người đến chụp ảnh, ghi chép lại nhưng không rõ là đoàn kiểm tra của phường hay của chủ đầu tư và bên thi công công trình. Chỉ biết rằng, từ sau khi có cuộc “kiểm tra” này, không hề có một biên bản nào được đưa ra hay có sự xử lý, đền bù nào đối với các hộ dân.

Ông H cho biết, những tấm lưới an toàn hiện tại được dùng để che chắn vữa, sỏi rơi xuống chỉ được UDIC dựng lên khoảng thời gian tháng 12/2018, do ông đã nhiều lần “làm um lên” khi một mảnh vữa rơi trúng gáy con trai ông, gây nên một vết sưng. Bản thân ông H cũng từng bị thương ở đầu do vật liệu xây dựng rơi xuống.

Những tấm lưới đặt tại tầng 1 chẳng thể

Tấm lưới chắn mỏng manh, hiếm hoi được thấy ở “đại công trình”

Có lưới để làm gì, khi mà vụn vữa vẫn rơi xuống đầu chúng tôi? Tôi từng lên gặp phụ trách xây dựng phường, nhưng họ cũng chỉ gọi cho ban quản lý thi công công trình chứ chẳng hề xuống hiện trường. Chẳng nhẽ chúng tôi phải “sống chung với lũ” cho đến khi công trình này hoàn thiện? Còn bao nhiêu năm, bao nhiêu cú rơi vào đầu nữa đây?”, ông H bức xúc.

Hiện tại, dự án Chung cư C1 Thành Công đã cất nóc và gần như hoàn thiện, dự kiến bàn giao vào Quý III/2019. Với việc mặt ngoài công trình đã xây dựng xong, việc UDIC tháo dỡ các tấm lưới an toàn là hợp lý. Tuy nhiên, sự thật rằng cuộc sống hàng ngày của người dân vẫn bị ảnh hưởng bởi các mảnh vụn vữa, sỏi vương ra từ công trình này là không thể chối cãi.

Bất cập trong xử lý các tòa chung cư cũ

Có thể nói, dự án Chung cư C1 Thành Công cũng là một dự án có nhiều “thăng trầm”, khi mà phải mất đến 10 năm để hoàn thành, bởi lẽ phương án đền bù, bồi thường di dời, các vấn đề liên quan đến tái định cư… chưa hoàn toàn tìm được sự đồng thuận của các hộ dân tại chung cư này.

Cụ thể, phải đến năm 2017, sau 8 năm thương lượng, thỏa thuận với các hộ dân của chung cư C1 cũ, chủ dự án Chung cư C1 Thành Công mới thở phào nhẹ nhõm khi người dân đồng ý và cho triển khai dự án. Theo một số người, khoảng thời gian 10 năm đã là quá đủ để các hộ dân cũ tiếp tục “chiến đấu”, đòi quyền lợi với chủ đầu tư.  

Các tòa chung cư cũ xuống cấp là vấn nạn của thành phố Hà Nội

Các tòa chung cư cũ xuống cấp là vấn nạn của thành phố Hà Nội

Theo đó, dự án Chung cư C1 Thành Công có tất cả 5 tầng dành cho cư dân cũ, từ tầng 3 đến 7, tương đương với khoảng 60 hộ dân trong tổng số 110 hộ dân được di dời theo Quyết định số 1862/QĐ-UBND ra ngày 06/11/2008.

Như vậy, với quá trình “dài hơi” 10 năm để hoàn thiện, xử lý chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng thành chung cư hiện đại, nhiều tiện ích cao cấp đã cho thấy sự bất cập trong quá trình cải tạo các chung cư này.

Cuối năm 2018, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Xây dựng, kiến nghị Bộ nghiên cứu, dự thảo sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 thành: “Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được trên 70% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cự thông qua Hội nghị nhà chung cư”. Đồng thời bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định.