19/05/2025 | 15:33 GMT+7, Hà Nội

Dòng vốn ngân hàng tiếp tục "bơm" mạnh vào bất động sản

Cập nhật lúc: 19/05/2025, 08:36

Hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản tại nhiều ngân hàng thương mại đã có một khởi đầu năm 2025 đầy ấn tượng. Bằng chứng là trong 3 tháng đầu năm, dòng vốn tín dụng tiếp tục được "bơm" mạnh vào lĩnh vực này

Tín dụng bất động sản được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ở tâm thế sẵn sàng bước vào chu kỳ phát triển mới, tín dụng cho các lĩnh vực liên quan đến bất động sản cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng năm 2025. Thực tế, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy xu hướng này trong năm 2024, khi tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng trưởng 16,11% so với cuối năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (15,08%).

Đáng chú ý, cơ cấu dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nghiêng về cho vay tiêu dùng, cụ thể là mua nhà ở với tỷ trọng khoảng 60%, trong khi dư nợ kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 40%.

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 15/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đã đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với con số hơn 1,3 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024. Mức tăng trưởng này cho thấy sự "bơm vốn" mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 12 ngân hàng niêm yết cũng cho thấy rõ nét xu hướng này. Tổng dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của các ngân hàng đã tăng 9,7% chỉ trong quý đầu tiên của năm 2025. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực này trong tổng dư nợ của các ngân hàng cũng nhích lên, từ 16,58% vào cuối năm 2024 lên 17,3% vào cuối quý I/2025. Có thể thấy các nhà băng vẫn đang tích cực rót vốn vào bất động sản, trong bối cảnh nhiều dự án tái khởi động, nguồn cung trên thị trường có những tín hiệu dồi dào trở lại và lãi suất cho vay mua nhà duy trì ở mức tương đối thấp.

"Điểm danh" các ngân hàng dẫn đầu đà tăng

Trong số 12 ngân hàng được Reatimes khảo sát, tính tới cuối quý I/2025 có tới 10 ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản tăng trưởng so với đầu năm. Về tốc độ tăng trưởng, PGBank dẫn đầu với mức tăng trưởng cao nhất lên tới 34,4%. Tính đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay bất động sản của PGBank đạt 4.745 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.529 tỷ đồng vào cuối năm trước.

Đáng chú ý, có đến 7/12 ngân hàng trong nhóm khảo sát ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trưởng hai chữ số trong 3 tháng đầu năm. Techcombank hiện là ngân hàng có quy mô dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất, đạt 214.783 tỷ đồng, với mức tăng trưởng mạnh mẽ 14,8% so với cuối năm 2024. Tỷ trọng cho vay bất động sản kinh doanh chiếm tới 33,9% tổng dư nợ của Techcombank. Nếu tính cả mảng xây dựng và vật liệu xây dựng, tỷ lệ này còn lên tới 72%. Riêng mảng cho vay mua nhà ở cá nhân của Techcombank cũng ghi nhận mức tăng 2% so với cùng kỳ.

STT

Ngân hàng

Dư nợ cho vay BĐS (31/12/2024)

Dư nợ cho vay BĐS (31/3/2025)

Biến động về dư nợ (%)

1Techcombank187.100214.78314,8
2VPBank186.737185.899-0,4
3SHB127.569141.90611,2
4HDBank68.29279.89417
5MB64.14171.96812,2
6TPBank21.35522.6326
7MSB17.15318.8319,8
8LPBank10.1379.963-1,7
9BVBank11.40712.3708,4
10VIB5.6967.11524,9
11KienlongBank9.10910.97920,5
12PGBank3.5294.74534,4
Tổng
712.244781.0859,7

Hoạt động cho vay bất động sản tại 12 ngân hàng trong quý I/2025 (Số liệu: Reatimes thống kê từ BCTC).

VPBank đứng thứ hai về quy mô dư nợ bất động sản với 185.899 tỷ đồng, chiếm 25,5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đây lại là một trong hai ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong cho vay bất động sản, giảm nhẹ 0,4% so với cuối năm 2024. Điều chỉnh này có thể cho thấy sự thận trọng hơn của VPBank trong việc mở rộng tín dụng vào lĩnh vực địa ốc.

Một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ cao như SHB (25%), VPBank (25,5%), BVBank (17,5%) và KienlongBank (16,2%).

Nhiều ngân hàng có quy mô dư nợ bất động sản vừa và nhỏ đã ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số. Đáng chú ý, PGBank tăng tới 34,4%, dù quy mô dư nợ còn khiêm tốn (4.745 tỷ đồng). VIB và KienlongBank cũng ghi nhận tăng trưởng lần lượt là 24,9% và 20,5%, cho thấy sự lan tỏa của dòng vốn tín dụng đến nhiều phân khúc của hệ thống ngân hàng.

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản trong quý I/2025 là một tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của các ngân hàng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Việc các nhà băng tiếp tục "bơm vốn" không chỉ giúp các chủ đầu tư có thêm nguồn lực để triển khai dự án mà còn tạo điều kiện cho thị trường hấp thụ nguồn cung mới.

Tại kỳ ĐHĐCĐ 2025, lãnh đạo của nhiều ngân hàng đã bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm 2025. Đơn cử, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, ông Đỗ Quang Hiển bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực bất động sản. Theo ông, nhu cầu bất động sản đa dạng từ nhà ở đến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ tại Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy dư địa phát triển to lớn cho thị trường trong tương lai. Vị lãnh đạo SHB cũng nhận định rằng, thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua giá trị thực, nhu cầu thực và dòng tiền đầu tư thực đang dần cải thiện. Ông khẳng định: "Bất động sản Việt Nam nói chung và các dự án do SHB tài trợ nói riêng đều là những khoản đầu tư tiềm năng, hiệu quả và an toàn".

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản trong quý I/2025 là một tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của các ngân hàng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa)

Cùng chung một góc nhìn đầy triển vọng về tương lai của thị trường bất động sản, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank, khẳng định: Bất động sản không bao giờ "chết" và dư địa phát triển của thị trường này còn kéo dài hàng chục năm nữa. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn được minh chứng tại các thị trường phát triển lâu đời như Mỹ, nơi các giao dịch bất động sản vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể. Chính vì niềm tin này, ban điều hành ABBank ưu tiên tài sản đảm bảo là bất động sản trong hoạt động cho vay, sau đó mới đến các loại tài sản khác như nhà máy.

Còn Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Bình Minh nhận định: "Thị trường bất động sản đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau một giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ. Hiện tại, cả nguồn cung sản phẩm và số lượng giao dịch đều đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Các ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vốn có mối liên hệ mật thiết với bất động sản, cũng đang trên đà phục hồi tích cực".

Các lãnh đạo ngân hàng bày tỏ niềm tin vững chắc vào tiềm năng tăng giá của bất động sản, cho thấy xu hướng tiếp tục ưu tiên rót vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đảm bảo chất lượng tín dụng và tránh tình trạng "bong bóng" tài sản. Các chủ đầu tư, ngân hàng và nhà quản lý cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và có những điều chỉnh chính sách kịp thời để đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường bất động sản.

Tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trên thực tế vốn tín dụng bất động sản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng "đói vốn", bởi hệ thống ngân hàng đang rất thận trọng với nguy cơ nợ xấu có thể xảy ra.

"Nhiều thời điểm khi giá bất động sản tăng liên tục thì nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư bất động sản và có sử dụng đòn bẩy tài chính, nhưng khi hết đợt "sóng" nhiều nhà đầu tư chấp nhận "ôm hàng" nên cũng khiến ngân hàng bị "vạ lây" và dẫn đến nợ xấu. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng thì phía ngân hàng cần phải linh động cho vay đối với doanh nghiệp chân chính, dự án đẩy đủ pháp lý và dành nhiều hơn nguồn lực vốn vay cho các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội - những sản phẩm có tính thanh khoản cao, từ đó sẽ kiểm soát được những rủi ro về tín dụng", ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm./.

Nguồn: https://reatimes.vn/dong-von-ngan-hang-tiep-tuc-bom-manh-vao-bat-dong-san-202250517124740433.htm