Dòng vốn FDI suy giảm: “Áp lực từ sự kỳ vọng”
Cập nhật lúc: 25/09/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 25/09/2021, 06:15
Hai năm đầy biến động của dòng vốn FDI
Trước năm 2020, nhờ vào thương chiến Mỹ - Trung và làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” hút vốn FDI của thế giới.
Hàng loạt các thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới như LG, Foxconn, Samsung, Intel… đều lựa chọn Việt Nam làm điểm đến mới, với sự mở rộng về vốn và quy mô nhà máy.
Thế nhưng, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, dòng vốn FDI có xu hướng chững lại. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2020, tổng vốn FDI của Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Sang năm 2021, dòng vốn FDI tiếp tục xu hướng giảm. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/8/2021, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, xảy ra vào đầu tháng 5/2021, TP.HCM “đầu tàu” kinh tế của Việt Nam đã chứng kiến một sự suy thoái về dòng vốn FDI.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 20/8/2021, tổng vốn FDI vào thành phố là 2,18 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, cấp mới có 386 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 375,5 triệu USD, giảm 52,7% về số giấy phép và giảm 50,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu ở 3 ngành là kinh doanh bất động sản, thương nghiệp và vận tải kho bãi.
Ngoài yếu tố liên quan trực tiếp tới đại dịch COVID-19, thì việc chống dịch không hiệu quả, kéo dài các địa phương ngăn sông, cấm chợ, thiếu nhất quán trong chính sách làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đã khiến dòng vốn FDI sụt giảm.
Giới chuyên gia nhận định, nếu Chính phủ và các địa phương tiếp tục áp dụng những chính sách thiếu sự đồng bộ, thiếu hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh sẽ dẫn đến hiện tượng thoái trào của vốn FDI.
Sự thật phũ phàng
Trên thực tế, ngành dệt may trong nước đang đứng trước nguy cơ mất đi những khách hàng FDI truyền thống. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một doanh nghiệp dệt may chia sẻ: Trong tháng 3 - tháng 4/2021, dịch bệnh bùng phát khá mạnh tại Ấn Độ và Bangladesh, khiến nhiều khách ngoại chuyển đơn sang các quốc gia lân cận để gia công, trong đó Việt Nam là được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5, dịch bệnh tại Việt Nam có diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Một lần nữa, khách ngoại chuyển các đơn hàng sản xuất ra các quốc gia khác an toàn hơn.
“Trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay, nếu không đáp ứng được chuỗi cung ứng, khách hàng sẵn sàng chuyển đơn sản xuất hàng dệt may từ nước này, sang nước khác và hiện tượng này có tính chu kỳ. Do đó, nếu Chính phủ vẫn áp dụng các chính sách thắt chặt, chắc chắn hàng dệt may sẽ thiệt hại rất nặng”, vị này cho biết.
Đồng tình với luận điểm này, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo cố gắng hạn chế tối đa, không để giảm thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Đây là một chỉ đạo rất quyết liệt.
Ví dụ, trong ngành dệt may, nếu Việt Nam giao chậm hàng không kịp mùa noel của năm nay hoặc vụ xuân hè của sang năm thì thị trường Mỹ không thể ngồi đợi, đối tác sẽ đi đặt hàng ở chỗ khác. Như vậy Việt Nam sẽ bị mất thị phần và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong năm 2022.
“Chúng tôi cũng đã dự báo và báo cáo với Thủ tướng khó khăn về hợp đồng kinh tế xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở quý IV/2021, mà chúng tôi dự báo hợp đồng thời vụ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn ở quý I/2022”, ông Kiên nói.
Áp lực đến từ sự kỳ vọng
Trong khi đó, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các nhà đầu tư ngoại đang có nhiều sự kỳ vọng vào Việt Nam. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho Chính phủ Việt Nam chống dịch hiệu quả.
Vừa qua, bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chính thức sang Việt Nam, và nhấn mạnh rằng,Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ. Do đó, Mỹ đã ưu tiên vắc-xin cho Việt Nam và một số nước ASEAN, để đảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông Thành, trong mùa mua sắm, giáng sinh sắp tới đây, lượng hàng từ Việt Nam xuất sang các thị trường này sẽ thiếu hụt, không được như kế hoạch ban đầu. Điều này khiến cho giá cả giá tăng, tác động đến các chỉ số lạm phát và an ninh kinh tế ở Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã kiến nghị đến Chính phủ Việt Nam, trong đó có các trợ lý của bà Phó Tổng thống rằng Mỹ cần phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho Việt Nam trong công tác chống dịch để đảm bảo duy trì an ninh kinh tế, an ninh chuỗi cung ứng cho nền kinh tế Mỹ.
Nếu Việt Nam không đảm bảo được kỳ vọng của các thị trường trọng yếu như Mỹ, không đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thì Chính phủ Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp đa quốc gia khác cũng không thể duy trì mãi được, không thể hỗ trợ một thị trường không thấy hiệu quả.
“Việt Nam bắt buộc phải tính đến chuyện tái mở cửa, không phải sắp tới mà phải có kế hoạch rõ ràng ngay từ bây giờ”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Vũ Tú Thành, việc tắt - bật - tắt - bật nền kinh tế hiện nay không còn phù hợp nữa. Với đặc thù sản xuất kinh doanh, thị trường và doanh nghiệp cần sự ổn định, khả năng dễ đoán định.
Ví dụ như có doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất 50%, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức độ 50% để tính toán nhận đơn hàng và sản xuất như thế nào. Chứ không phải căn cứ vào mức độ dịch bệnh thay đổi liên tục, các doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất được.
Có cùng quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: Chuyện các doanh nghiệp lo lắng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh là bình thường. Hiện tại, khu vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch bệnh chính là TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam. Đây là khu vực chiếm khoảng hơn 70% tổng số vốn FDI vào Việt Nam từ xưa tới nay.
“Dù vậy, Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư trong nước, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, một thị trường tiềm năng để phát triển. Vì vậy, mọi thứ lúc này sẽ diễn biến ra sao phụ thuộc vào hành động của Chính phủ, hy vọng Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh”, GS.TSKH Nguyễn Mại nói.
Nguồn: https://congluan.vn/dong-von-fdi-suy-giam-ap-luc-tu-su-ky-vong-post157577.html
06:15, 14/07/2021
06:10, 29/04/2021
09:06, 20/02/2021