23/11/2024 | 12:02 GMT+7, Hà Nội

Đông sang

Cập nhật lúc: 08/11/2019, 19:00

Duy có bàng, vẫn vậy. Cây bàng mùa đông mùa trút lá để trơ những thân cành khô khẳng táp mưa sa gió rét đợi xuân về lộc nảy. Ta còn em... yêu lắm một Hà Nội phố.

Cứ mỗi khi Hà Nội vào đông, bao giờ tôi cũng nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Phan Vũ được nhạc sĩ Phú Quang thổi hồn mình vào thành ca khúc tuyệt vời “Em ơi Hà Nội phố”: "Cây bàng mồ côi mùa đông. Nóc phố mồ côi mùa đông. Mảnh trăng mồ côi mùa đông. Ta còn em...". Một mùa đông Hà Nội vừa rét mướt sụt sùi bi lụy, vừa lãng mạn, si tình, gợi mở rất Hà Nội của một thuở nào luôn hiện hữu cùng mùa đông Hà Nội hôm nay.

Đông Hà Nội đến nhẹ nhàng thay thế tiết thu mát mẻ. Không còn nữa những cơn gió heo may để bắt đầu bằng đợt gió mùa đông bắc se se lạnh. Có thể có những đỏng đảnh trái mùa của thời tiết khi bất ngờ gió táp, mưa sa ào ạt. Nhưng nhiều hơn là sự chuyển mùa dịu dàng. Chiều nay, nắng còn nhuộm hồng phố, có chút hạ trong thu mát mẻ. Trang phục thu phong thanh trễ nải... Để rồi, chỉ sáng hôm sau, gió bấc đã thổi. 

Lạnh, cái lạnh được báo trước bằng tiết lập đông, bằng tin gió mùa đông bắc, nhưng vẫn là một sự bất ngờ. Nhiều thanh nữ như đợi ngày này đã lâu, vội vã diện bộ cánh của thời trang đông. Trang nam tử điệu đàng cũng chẳng chậm chân veston cả bộ. Nhiều nhất là áo gió, áo khoác đủ loại. Nhưng cũng không ít người có thể do nhỡ nhàng hoặc muốn khoe thân thể cường tráng, vẫn áo ngắn tay như ngày thu rực nắng. Rõ nhất là không còn nắng gắt, Hà Nội thoát khỏi ám ảnh của thời trang chống nắng kín mít từ đầu đến chân của đa phần phụ nữ. Vắng đi sự tùm hụp ấy, phố phường trở nên đỡ chật chội, oi nồng.

Bắt gặp trên đường phố những ngày chớm đông là sắc tím của lưu ly. Loài hoa mỏng manh mang sự dịu dàng thanh khiết và quý phái. Nhưng không hiểu sao người ta lại cứ ví loài hoa này với sự thủy chung. Tôi chạnh nghĩ, thủy chung phải là thứ gì đó bền bỉ và dai dẳng, thậm chí mạnh mẽ. Có thể lưu ly mang màu tím nên có sự so ví đó chăng? Nhưng thôi hãy tận hưởng sự mong manh ấy vì lưu ly chỉ xuất hiện đầu đông trong một khoảng thời gian ngắn chừng hai tuần lễ. Vòng quay của hoa ngắn là đặc thù của những loài hoa cá tính. Bởi thế nó quý, không như những loại hoa của cả bốn mùa như hồng như cúc, có đắt mấy cũng vẫn dễ kiếm. 

Đông sang mang theo những cơn gió bấc thổi lạnh tê người và như có uy lực với những hàng cây trên đường phố. Lá vàng trút xuống. Đường phố nhuộm vàng sắc lá rụng. Cây cối những ngày này như thêm tuổi cội đi, gốc cành hoặc thấm hơi sương hoặc tắm mưa đầu đông ẩm ướt, xù xì. Còn gì thú bằng sáng sớm trong hiên quán cà phê góc phố, lặng lẽ tận hưởng một thoáng đông của Hà Nội. Sương giăng nhẹ, cây lá hoan ca, phố phường vẫn chật chội người, đông nhưng hình như có một sự chuyển dịch chậm lại. Đông là thế, không vội vã ồn ào như hạ như thu mà lặng lẽ chuyển mình buốt thấm.

Mỏng mảnh sương sa mùa đông Hà Nội. Ảnh: Internet

Người Hà Nội đón đông bằng rất nhiều vẻ. Thời trang, dĩ nhiên. Cứ nhìn dòng người trong mỗi cuối tuần nơi phố cũ đi bộ như một cuộc diễu hành sắc màu. Hồ Gươm đông có thêm đặc sản sương sa. Có sương khói, cái ảo mờ càng thêm huyền diệu. Có lẽ đông như hợp hơn với những con hồ huyền tích. Hồ Tây, cứ sau mỗi biến cố, hình như người Hà Nội lại thấy giá trị hơn về một thắng cảnh thiên nhiên ban tặng để thêm trân quý. 

Những ngày đông sang này Hồ Tây đẹp lắm. Đạp xe, dạo bộ quanh hồ, hít căng lồng ngực một sớm mai tinh khiết. Những đôi yêu nhau hay chọn thời điểm đông sang để cưới xin, để tỏ bày kết nối tơ hồng, hoặc chí ít cũng chọn Hồ Tây làm điểm hẹn. Người lãng mạn chẳng thể bỏ qua thú vui tận hưởng sương khói chiều đông bảng lảng mà ở góc nào, Hồ Tây cũng lung linh đẹp. Những chiếc thuyền con ẩn hiện trong sương kia liệu có thật hay là ảo ảnh? Đẹp và người Hà Nội cũng đã thực tế hơn để bảo vệ Hồ Tây bằng cách muốn bỏ đi hết những con tàu ẩm thực cũ kỹ lượn vòng vòng tức mắt trên mặt hồ.

Đông sang mang lạnh đến. Kỳ lạ người Hà Nội luôn thích kem đông. Hiệu kem Tràng Tiền vẫn nghẹt khách thụ hưởng kem que. Lại nhớ mùa đông năm nào, từ chiến trường về, mấy thằng lính trận rủ nhau ăn kem buốt nhức chân răng trên tầng 2 Thủy Tạ lộng gió. Thật buốt lạnh tận hưởng hết cái rét mùa đông Hà Nội cho bõ những ngày dài rừng sâu núi thẳm nhung nhớ. Kem Tông Đản, kem Bốn Mùa, kem Hồng Vân, Long Vân, Tràng Tiền, Thủy Tạ... giờ vẫn đông ấy nhưng kem que ít đi và đổi khác. Có những loại kem khác tiện hơn và kem que giờ có vỏ bọc đẹp đẽ chui cả vào từng tủ đá gia đình.

Người Hà Nội đông này đi làm trở lại có mốt xưa mang theo cặp lồng cơm dành cho bữa trưa. Cú biển độc cá chết rồi rau phun, lợn thuốc tạo ra sự nghi ngại toàn diện về thực phẩm bẩn. Mỗi gia đình lo toan cho mình nguồn rau hữu cơ, lợn nuôi cám thóc, gà thả vườn để sáng dậy chịu khó thức sớm có bữa cơm sạch ăn sáng rồi lích kích cặp lồng mang theo để rũ trôi ám ảnh, nghi ngại. Nói đến cơm lại nhớ mùa này năm nào rợp đồng cải ngồng hoa trổ vàng rực. Mùa hoa cải rực rỡ chỉ cần ra khỏi mấy đầu ô là bắt gặp cánh đồng. Hết rồi, cánh đồng đã lùi xa tít tắp và cải hình như cũng đã chẳng còn nhiều. Người ta sợ rau ruộng không nguồn gốc và cánh đồng cũng chọn làm những thứ khác lời hơn là trồng cải. Đông đấy, đông của cải hoa vàng cũng đã khác xưa.

Đông Hà Nội giờ cũng ít đi nóc phố. Nhà cao tầng chen chúc cả trong nội đô. Nóc chung cư chắc chẳng thể mồ côi như nóc phố của một Hà Nội thuở nào. Mảnh trăng cũng vậy cao hơn và khuất lấp bởi một Hà Nội chen chúc chật chội cũng khó mồ côi... Duy có bàng, vẫn vậy. Cây bàng mùa đông mùa trút lá để trơ những thân cành khô khẳng táp mưa sa gió rét đợi xuân về lộc nảy. Ta còn em... yêu lắm một Hà Nội phố.