22/11/2024 | 05:54 GMT+7, Hà Nội

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật lúc: 06/08/2020, 16:20

Tiết kiệm chi phí để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, tiếp tục giãn nợ, khoanh nợ cho các khách hàng cũ, triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi mới… là các giải pháp mà ngành Ngân hàng đang đồng hành...

Tiết kiệm chi phí để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, tiếp tục giãn nợ, khoanh nợ cho các khách hàng cũ, triển khai nhiều gói cho vay ưu đãi mới… là các giải pháp mà ngành Ngân hàng đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19. Sự chia sẻ này là nguồn lực quan trọng tiếp sức cho doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

HDBank triển khai thêm nhiều chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Sơn Hà

Giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank đã xác định được hơn 10.000 khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, với dư nợ chiếm 31% tổng dư nợ của ngân hàng này, và chủ động đối thoại với khách hàng để phối hợp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Tính từ ngày 23-1-2020 đến nay, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.500 khách hàng, với số vốn khoảng 200.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.665 khách hàng, có dư nợ hơn 65.000 tỷ đồng.

“Dự kiến thời gian tới, VietinBank tiếp tục xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 600 khách hàng, với tổng dư nợ khoảng 35.000 tỷ đồng; đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm… Theo tính toán, VietinBank chia sẻ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020 để giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho khách hàng”, ông Lê Đức Thọ cho hay.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành thông tin, Vietcombank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 11.761 tỷ đồng; tổng dư nợ được giảm lãi suất cho vay khoảng 200.000 tỷ đồng. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, Vietcombank dự kiến giảm khoảng 2.240 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020.

Cùng với các ngân hàng lớn, những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ cũng triển khai các chương trình ưu đãi. Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường nhằm hỗ trợ khách hàng tại Đà Nẵng và Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) giảm đến 50% tiền lãi phải thanh toán cho hơn 1.300 khách hàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk đang vay vốn trả góp theo ngày tại Kienlongbank từ nay đến hết tháng 9-2020.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 260.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho hơn 420.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục cho 240.000 khách hàng vay mới hơn 1 triệu tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với thời điểm trước dịch.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, cùng với các ngân hàng thương mại trong nước và ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân đều đã vào cuộc. Kể từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, đã có khoảng 300 đơn vị đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cung ứng đủ nguồn vốn

Nhận được hỗ trợ từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội dần hồi phục, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mỏ và luyện kim Việt Nam cho biết, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất của doanh nghiệp giảm 20-30%, doanh thu giảm hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, VietinBank đã giãn nợ cho công ty 3-5 tháng, tái cơ cấu các khoản nợ, giảm lãi suất nên hoạt động của công ty đang dần phục hồi.

Với Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate), đơn vị có hệ thống hơn 300 nhà hàng tại Việt Nam, Giám đốc Khối vận hành Hoàng Quốc Khánh khẳng định, việc ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần 200 tỷ đồng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho 15.000 nhân viên. Còn đại diện Tập đoàn Kim Nam chia sẻ, việc các ngân hàng giảm lãi suất, đưa ra các khoản vay mới, giảm phí chuyển tiền (đến 70-80%), giảm chi phí giao dịch… là những hỗ trợ thiết thực trong giai đoạn này.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm tới 1,5%. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, duy trì kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. “Hệ thống ngân hàng cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp”, ông Lê Minh Hưng khẳng định.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, diễn ra ngày 3-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ để tạo động lực tăng trưởng. Việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch Covid-19 quay trở lại. Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu; phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.