20/01/2025 | 11:09 GMT+7, Hà Nội

Đông Anh - Hà Nội: Hệ thống PCCC Công ty CP Miza có đủ an toàn?

Cập nhật lúc: 03/10/2019, 13:39

Không chỉ DTM chưa rõ ràng, Công ty Miza được cho là có hệ thống PCCC không đúng với thiết kế đã được thẩm duyệt.

Chưa hoàn tất thẩm duyệt PCCC toàn cơ sở?

Ngày 23/9/2019, pv đã gặp và trao đổi với lãnh đạo Công ty Miza liên quan đến những phản ánh về DTM và PCCC của doanh nghiệp này. Được biết, Công ty Miza là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì có công suất 35.000 tấn/năm.

Đối với công tác DTM, bà Hoàng Thị Thu Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Miza cho biết năm 2017 doanh nghiệp đã có công văn gửi Sở TNMT nhằm xác minh liệu Công ty Miza có cần phải thực hiện quan trắc nước ngầm và chất thải gốc halogen hay không, tuy nhiên cho đến nay chưa nhận được câu trả lời.

Công ty Miza có đảm bảo an toàn về PCCC và DTM?

Về công tác PCCC, bà Giang có cung cấp cho phóng viên bản Xác nhận nghiệm thu về PCCC của Công ty. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem bản thiết kế về hệ thống PCCC của Cty đã được thẩm duyệt thì bà Giang từ chối với lý do: Cán bộ kỹ thuật đang nghỉ nên chưa lấy được thiết kế cung cấp cho phóng viên?

Tại buổi làm việc, Công ty Miza thừa nhận có 2 khu nhà xưởng và kho bãi chứa hàng đều là giấy thải được sử dụng trong hoạt động tái chế, sản xuất bao bì của công ty, đây toàn bộ là những chất liệu dễ cháy.

Tuy nhiên, theo pv được biết đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một khu nhà xưởng được thẩm duyệt hệ thống PCCC. Ngay cả hồ sơ mà công ty cung cấp cho pv bao gồm Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế PCCC và Xác nhận nghiệm thu về PCCC mới chỉ đề cập đến các hạng mục thuộc dự án Đầu tư mở rộng nâng cao công suất nhà máy tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến bà Giang “né” cung cấp bản thiết kế và từ chối cho pv được quan sát hệ thống PCCC?

Đừng nên đùa với lửa

Tại khu vực cửa kho của Công ty Miza, mặc dù ngay bên cạnh là một cột điện với chằng chịt đường dây, thì bên dưới chân cột lại là những giấy thải được bố trí tràn lan. Trường hợp có sự cố về chập điện, đứt dây điện, thì ai dám đảm bảo chắc chắn rằng các tia lửa điện sẽ không rơi xuống và gây cháy? Rõ ràng, công tác PCCC của Công ty Miza đã có phần bị xem nhẹ.

Giấy thải dễ bắt lửa được để bất cẩn dưới chân cột điện có đủ an toàn?

Thậm chí ngay trước cổng chính của Công ty Miza là một hàng dài gần 100m được xếp lại từ những khối lớn giấy thải đang chờ để đưa vào kho, bãi. Phần lớn đã được bảo phủ bởi những tấm bạt che mưa, tuy nhiên lại được để lộ thiên giữa thời tiết nắng nóng, hanh khô, ngay bên dưới đường dây điện bắt ngang qua khiến pv không khỏi nghi ngại về vấn đề an toàn PCCC.

Theo quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 7 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy thì các doang nhiệp, kho, xưởng không được bố trí hàng dễ cháy gần bóng đèn, dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, bảng điện hay thiết bị có nhiệt độ cao. Liệu rằng Công ty Miza có đang quá bất cẩn khi để thứ nguyên liệu giấy dễ bắt lửa ngay gần những nguồn điện, nguồn nhiệt này?

Công ty Miza không chỉ là nơi xử lý giấy thải mang tính cách nguy hại cao mà còn là nơi tập trung hàng trăm tấn giấy thải mỗi ngày. Rõ ràng, để phòng tránh một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây tác động xấu đến môi trường thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, kiểm tra lại hệ thống PCCC của doanh nghiệp này so với thiết kế đã được thẩm duyệt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.