Độc đáo chợ bồng heo ở Quảng Nam
Cập nhật lúc: 06/02/2019, 12:00
Cập nhật lúc: 06/02/2019, 12:00
Điều đặc biệt, những người phụ nữ ở chợ heo có thể gánh trên vai một chiếc sọt lớn với gần chục con heo mà trọng lượng của chúng lên đến hàng trăm ký.
Bà Nguyễn Thị Phi (67 tuổi) - người bán nước và bánh trái trong chợ cho biết, 40 năm trước, bà là một trong những người bồng heo có tiếng ở đây. Xuôi theo dòng thời gian, sức khỏe không còn sung mãn và chân tay bắt đầu chậm chạp nên bà dựng quán nước kiếm sống qua ngày.
Chợ bắt đầu hình thành từ năm 1970. Ngót nghét nửa thế kỷ trôi qua, chợ vẫn giữ nếp bán mua bằng hình thức cả người và heo cùng lên bàn cân.
Nói về cách tính trọng lượng của heo, chị Hồ Thị Lan (40 tuổi) cho biết, chị nặng 50kg, lúc này kim cân dừng lại ở con số 80, điều này có nghĩa con heo có trọng lượng 30kg.
Cũng theo chị Lan, do heo không đứng yên một chỗ nên người mua thuê thợ bồng heo đứng lên cân, sau khi trừ người ra thì biết cân nặng của heo. Heo sau khi cân, những người bồng heo thuê đưa đến bỏ vào lồng cho người mua.
“Từ xưa đến nay, chợ heo hoạt động theo thể thức bồng heo lên cân và những người phụ nữ khỏe mạnh, mát tay sẽ được “chọn mặt gửi vàng”. Ngoài tôi, hiện tại ở chợ Bà Rén có cả chục người hành nghề bồng “Trư Bát Giới””, chị Lan nói.
Những người phụ nữ ở đây chia sẻ, những ngày cận Tết heo được các thương lái địa phương thu gom về chợ xấp xỉ 4 nghìn con. Đồng nghĩa, trung bình mỗi chị em phụ nữ hành nghề bồng heo sẽ cân cùng 400 chú heo.
“400 lượt bồng heo với quãng đường dù giới hạn trong phạm vi chục bước chân nhưng việc di chuyển liên tục cũng khiến mình và những chị em khác thấm mệt. Cuối năm lượng heo tập trung về chợ tương đối lớn so với thường nhật, dù vất vả hơn nhưng thấy vui bởi càng bồng nhiều heo thì tiền công sẽ càng nhiều. Chúng tôi cũng hi vọng năm con heo chị em hành nghề bồng heo sẽ gặp thật nhiều may mắn”, chị Nguyễn Thị Hạnh (48 tuổi) tâm sự.
Chị Lợi – một người được giao nhiệm vụ nhận tiền công cho cả chục chị em từ thương lái thuê bồng heo cho biết, với mỗi chú heo nhỏ, thương lái sẽ trả 500 đồng tiền bồng, heo lớn là 1.000 đồng.
“Những ngày bồng số lượng heo nhiều như cận Tết mỗi chị em sẽ được nhận tiền công khoảng 200 nghìn đồng. Thu nhập dù không cao nhưng cũng đủ để mọi người trang trải miếng ăn và lo cho các con ăn học”, cô Lợi bộc bạch.
07:30, 02/02/2019
21:56, 01/02/2019
13:00, 31/01/2019
19:27, 26/01/2019