Doanh nghiệp với nỗi lo thiếu hụt công nhân \"hậu Covid-19\"
Cập nhật lúc: 20/09/2021, 06:20
Cập nhật lúc: 20/09/2021, 06:20
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, có gần 2,5 triệu lao động tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam bị ngừng công việc, rơi vào cảnh khó khăn buộc hàng trăm ngàn người phải về quê hương để lánh dịch.
Trước tình trạng di cư đó, nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ bị thiếu hụt nguồn lao động cho công việc hoạt động sản xuất sau khi "bình thường mới" trở lại.
Giữ chân người lao động
Lường trước "hậu Covid-19" sẽ bị "trống vắng" lao động, một số ít doanh nghiệp kịp thời đầu tư kinh phí nhằm giữ chân công nhân như: hỗ trợ lương thực, thực phẩm và kinh phí chi tiêu hàng tháng giúp người lao động yên tâm ở lại.
"Hiện nay công ty đang hoạt động sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" nên số lượng công nhân chỉ có 30%, tuy nhiên kinh phí hàng tháng phải chi ra hơn 150%", ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Vạn Đức (KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM) cho biết.
Theo ông Tiến, lực lượng lao động của công ty có tay nghề cao, để đào tạo được một lao động phải mất rất nhiều thời gian. Vì thế việc giữ lao động luôn được công ty chú trọng.
Ông Nguyễn Việt Tiến cho biết, vừa qua, một xưởng sản xuất của Công ty phát hiện có F0 nên cơ quan chức năng đã đưa gần 600 công nhân của công ty đi cách ly tập trung. Sau thời gian cách ly, một số công nhân quay trở lại làm việc, còn một số lo sợ nên xin phép ở nhà.
"Số công nhân quay lại nhà máy làm việc thì ngoài lương đầy đủ, chúng tôi nuôi cơm 3 bữa và cho thêm mỗi người 2 triệu, còn số công nhân ở nhà thì công ty hỗ trợ 10 ký gạo cộng với 1 triệu đồng", ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Tiến, thời gian tới công ty vận động thêm số công nhân đang ở nhà đi làm trở lại, vì đơn hàng xuất khẩu phải đáp ứng đúng với thời hạn hợp đồng.
Về việc thiếu hụt công nhân "hậu Covid-19", ông Tiến khẳng định, công ty không lo lắng điều đó, vì điều kiện, lương thưởng, cũng như chế độ phúc lợi của công ty luôn đáp ứng để giữ chân người lao động.
Nguy cơ "khủng hoảng"
Việc chuẩn bị từ đầu để giữ chân người lao động như Công ty Thực phẩm Vạn Đức không thuộc số đông trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, bởi phụ thuộc vào nguồn kinh phí lẫn ngành nghề lĩnh vực...
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DM-ĐT-TM Thành Công (TCM), cho biết hiện tại TCM chỉ duy trì được 50% trong số hơn 6.500 lao động của công ty tại các tỉnh thành còn tiếp tục làm việc.
Phân nửa số lao động tạm ngưng việc phải về quê, hoặc tìm công việc khác.
Ông Tùng cho rằng, để vận động phân nửa lao động ngưng việc đó quay lại sau giai đoạn giãn cách là rất khó.
Nguyên nhân khiến những người lao về quê chưa muốn quay trở lại, theo ông Tùng là do tâm lý người lao động còn lo sợ dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để; tết âm lịch đã cận kề, thời gian làm việc không được dài, trong khi phải trang trải nhiều chi phí đi lại, ăn ở nên người lao động không tích lũy được nhiều.
“Với TCM, chúng tôi đã có những chính sách hỗ trợ tiền lương cơ bản cho lao động ngưng việc, nhưng khi tái khởi động thì cố lắm cũng chỉ tuyển được 80% người lao động so với trước khi dịch bệnh diễn ra”, ông Tùng nói.
Bên cạnh, một nguyên nhân mà nhiều người cho rằng, đây là cơ hội cho nhiều tỉnh thành thu hút con em ở lại quê nhà để làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành.
Hiện nay, với những doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn, không có điều kiện hỗ trợ người lao động, việc tuyển lại được đủ 50% lao động là điều rất khó.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Gia Định (Bình Dương), cho biết công ty đã dừng mọi hoạt động sản xuất từ đầu tháng 6, toàn bộ 6.000 lao động của công ty đều mất việc.
Rất nhiều người trong số lao động này đã về quê hoặc tìm kiếm công việc khác, việc tuyển lại đủ nguồn lao động để tái khởi động là gần như không thể.
Cần giải pháp cấp bách
Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động cũng được TS. Trần Du Lịch đặt ra đối với Lãnh đạo TP.HCM tại Hội nghị góp ý của các chuyên gia. Theo TS. Du Lịch, "Sau nhiều tháng giãn cách, doanh nghiệp đã kiệt quệ. TP.HCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy..."
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng để giải quyết bài toán nguồn lao động các doanh nghiệp cần có chính sách tái khởi động từng bước để phù hợp với tình hình mới.
Theo ông Hồng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp như giảm phí công đoàn, phí BHYT – BHXH, thuế VAT… để doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng. Từ đó dồn nguồn lực để lo cho người lao động, đưa ra những chính sách lương bổng tốt hơn để thu hút người lao động trở lại làm việc sau giai đoạn giãn cách.
Trả lời PV báo Nhà báo & Công luận về nỗi lo thiếu hụt lao động "hậu Covid-19" của các doanh nghiệp, ông Pham Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thông tin, vừa qua TP.HCM cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế tại TP.HCM. Trong đó có thành lập Tổ tư vấn của Ban.
"Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là phân tích, xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp, nhằm phục hồi kinh tế, trong đó có phân tích nguồn lao động; lúc nào có thông tin, số liệu cụ thể, TP sẽ thông tin với phóng viên báo chí", ông Hải nói.
Theo Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam, tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.
TP.HCM là một trong những địa phương có số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất trong giai đoạn 2016-2020 với trên 23.000 doanh nghiệp; hơn 625.000 người lao động ở các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc, ngừng việc.
Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-voi-noi-lo-thieu-hut-cong-nhan-hau-covid-19-post156591.html