22/11/2024 | 11:16 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp Việt đang bỏ ngỏ thị trường ASEAN?

Cập nhật lúc: 02/08/2019, 02:20

Một số cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tập trung nhiều vào tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư..., việc cắt giảm về thuế quan khá cao trong AEC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt.

Một số cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tập trung nhiều vào tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư..., việc cắt giảm về thuế quan khá cao trong AEC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện chưa tận dụng và khai thác được tiềm năng này.

Nhiều trở ngại!

Hiện nay, số lượng mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu (XK) vào ASEAN thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. Trong 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN. Nhập khẩu (NK) của Việt Nam từ ASEAN cũng thấp nhất (13,7%) so với các khối khác. Báo cáo về “Thương mại hàng hóa Việt Nam – ASEAN sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập” của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN. Cụ thể, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996, thời điểm gia nhập ASEAN, Việt Nam thâm hụt với khối này 745 triệu USD, đến năm 2016 đã lên tới 6,59 tỷ USD. 

Các mặt hàng Việt Nam XK sang ASEAN khá đa dạng, từ nông, hải sản, khoáng sản đến những mặt hàng được chế biến sâu và những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn như nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tuy nhiên, chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2016 là 31,8%, cao hơn năm 2015 là 24,2%. 

Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính là sức mạnh. Khi có được thông tin mong muốn thì DN đã cầm trong tay công cụ cho mình sức mạnh, từ đó chủ động nắm bắt thông tin thị trường, thông tin đối tác, thông tin hàng hóa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Thế nhưng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong nước đang rất thiếu thông tin về thị trường này. Chỉ có 46,79% doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về AEC. Trong gần 94% doanh nghiệp biết về AEC thì chỉ có 16,4% thực sự hiểu rõ về những cam kết khu vực kinh tế thương mại này.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN khá đa dạng. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN khá đa dạng.

Trở ngại từ thiếu thông tin nhưng bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh cũng là rào cản đối với doanh nghiệp Việt. Cơ cấu XK của Việt Nam khá tương đồng so với các nước trong khu vực, nhiều quốc gia khác cũng có cơ cấu XK khá giống của Việt Nam như Malaysia và Thái Lan. Vì thế, để tìm được điểm khác biệt, tạo điểm nhấn chiếm lĩnh thị trường không phải là việc dễ dàng. Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM (ITPC) chỉ rõ những hạn chế của doanh nghiệp Việt như hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối hàng hóa còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao… 

Trong khi đó, thị trường Asean có những đặc thù. Hàng hóa vào các nước đạo Hồi có quy định khắt khe trong khi các doanh nghiệp Việt chưa trang bị đủ điều kiện. Các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực… cũng chưa được các doanh nghiệp nắm rõ. Đó là những rào cản chưa thể vượt qua được của các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu.

Cần có sự kết nối

Chia sẻ kinh nghiệm về xúc tiến đầu tư vào thị trường ASEAN, ông Hòa nhấn mạnh, nếu tự doanh nghiệp nhỏ đi đơn lẻ thì rất khó, phải có một tổ chức uy tín đứng ra kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, sau đó doanh nghiệp mới làm việc, đàm phán với các hệ thống phân phối này. “Với cách này, chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng, doanh nghiệp có thể xuất hàng đi” – ông Hòa khẳng định. 

Mặc khác, cũng có ý kiến cho rằng, cần tìm hiểu văn hóa, đất nước và con người và tập quán kinh doanh, nếu không khéo thì rất có thể sẽ “lòng vòng đi du lịch” rồi về, không đạt được mục đích, hiệu quả giao thương. Chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu và bảo hộ hàng hóa phải được xây dựng, thương mại điện tử cần được khai thác, tận dụng triệt để. Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, bà Punthila Puripreecha - Giám đốc vận hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, hiện công ty đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam và giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…, giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam.

“Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm mình đang có cũng như của đội thu mua. Mega Market Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống” - Giám đốc Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho hay.

ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng tính khác biệt cũng rất lớn và rõ ràng. Thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau củ, quả, thủ công mỹ nghệ… tưởng như là thế mạnh của chúng ta nhưng lại không dễ dàng đáp ứng. Bởi khu vực ASEAN tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo và nhu cầu của họ rất khác. Vì vậy, cần tìm hiểu từng đối tượng nhằm điều chỉnh sản xuất để đáp ứng được nhu cầu là một trong những lưu ý để thâm nhập thị trường này.

Việt Nam đang trong quá trình thay đổi giá trị gia tăng cho XK bằng cách thay đổi cơ cấu ngành hàng, chú trọng vào XK mặt hàng có giá trị gia tăng và lợi thế so sánh như thủy sản chế biến, hàng điện tử và sản phẩm cơ khí, linh kiện điện thoại. Đây là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế XK sang thị trường ASEAN. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-viet-dang-bo-ngo-thi-truong-asean-post65937.html