19/01/2025 | 10:34 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được hết ưu đãi thuế quan tại thị trường Asean

Cập nhật lúc: 27/07/2019, 04:00

Báo cáo về “Thương mại hàng hóa Việt Nam – ASEAN sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập” của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu (XK) sang ASEAN khá đa dạng, từ nông, hải sản, khoáng sản đến những mặt hàng được chế biến sâu… Tuy nhiên, theo đánh giá, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua.

Doanh nghiệp Việt chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua. (Ảnh minh họa) Doanh nghiệp Việt chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Báo cáo về “Thương mại hàng hóa Việt Nam – ASEAN sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập” của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN.

Trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996, thời điểm gia nhập ASEAN, Việt Nam thâm hụt với khối này 745 triệu USD, đến năm 2016 đã lên tới 6,59 tỷ USD.

Các mặt hàng Việt Nam XK sang ASEAN khá đa dạng, từ nông, hải sản, khoáng sản đến những mặt hàng được chế biến sâu và những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn như nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tuy nhiên, chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2016 là 31,8%, cao hơn năm 2015 là 24,2%.

Chưa kể, sự hiểu biết của các DN XK trong nước về AEC còn hạn chế, chỉ có 46,79% DN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC. Trong gần 94% DN biết về AEC thì chỉ có 16,4% thực sự hiểu rõ về những cam kết khu vực kinh tế thương mại này.

Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính là sức mạnh. Khi có được thông tin mong muốn thì DN đã cầm trong tay công cụ cho mình sức mạnh, từ đó chủ động nắm bắt thông tin thị trường, thông tin đối tác, thông tin hàng hóa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, cơ cấu XK của Việt Nam khá tương đồng so với các nước trong khu vực, nhiều quốc gia khác cũng có cơ cấu XK khá giống của Việt Nam như Malaysia và Thái Lan, đang là rào cản để Việt Nam XK sang ASEAN.

Theo Bà Trần Lan Hương, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu xem xét chỉ số thương mại RCA (lợi thế so sánh biểu hiện), có thể thấy sự tương đồng này thể hiện khá rõ trong một số mặt hàng như sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, may mặc. Trong khi đó, các sản phẩm XK của Việt Nam chưa thể hiện được sự vượt trội hơn về mẫu mã và chất lượng.

Bà Hương nhấn mạnh, đã đến lúc các DN cần chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu các thị trường này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình thay đổi giá trị gia tăng cho XK bằng cách thay đổi cơ cấu ngành hàng, chú trọng vào XK mặt hàng có giá trị gia tăng và lợi thế so sánh như: Thủy sản chế biến, hàng điện tử và sản phẩm cơ khí, linh kiện điện thoại. Đây là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế XK sang thị trường ASEAN.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng tính khác biệt cũng rất lớn và rõ ràng.

Thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau củ, quả, thủ công mỹ nghệ… tưởng như là thế mạnh của chúng ta nhưng lại không dễ dàng đáp ứng, bởi khu vực ASEAN tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo và nhu cầu của họ rất khác. Vì vậy, cần tìm hiểu từng đối tượng nhằm điều chỉnh sản xuất để đáp ứng được nhu cầu là một trong những lưu ý để thâm nhập thị trường này.

Theo các chuyên gia, từ năm 2018 trở đi, sức ép hội nhập sẽ tăng dần với những ngành như công nghiệp ô tô, hàng linh kiện điện tử… Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng XK Việt Nam.

Chính vì vậy, các DN trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Việc giảm thuế xuất nhập khẩu là cơ hội để DN giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy các cơ hội đầu tư, XK. DN nên tận dụng cơ hội nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-viet-chua-tan-dung-duoc-het-uu-dai-thue-quan-tai-thi-truong-asean-post65643.html