19/01/2025 | 11:51 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ

Cập nhật lúc: 24/07/2019, 00:00

Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng mức thuế suất 15% và 17% đối với doanh nghiệp nhỏ.

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%. (Ảnh TL)

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%. (Ảnh TL)

Theo đó, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.

Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN hơn 19.500 tỷ mỗi năm.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với từng đối tượng cần đảm bảo mức độ khuyến khích (đặc biệt là khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp), giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước và đảm bảo công tác quản lý.

Để tiếp tục khuyến khích phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các mức thuế suất thuế TNDN tương ứng là 17% và 15%. Các mức thuế suất này đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ tương đương với mức thuế suất ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN đang áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và có mức độ khuyến khích cao hơn mức thuế suất đã áp dụng trong giai đoạn 2013-2015.

Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh (thời gian miễn thuế này bằng với thời gian miễn thuế theo quy định của Luật thuế TNDN áp dụng đối với dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và dự án đầu tư mới thuộc một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư).

Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật thuế TNDN, Luật Đầu tư..., ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách thông qua việc thành lập doanh nghiệp mới để hưởng ưu đãi sau đó giải thể và tiếp tục thành lập doanh nghiệp khác để hưởng ưu đãi; hay việc thành lập các công ty con, công ty liên kết để chuyển doanh thu, lợi nhuận nhằm được hưởng ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ về điều kiện của hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế; và các trường hợp không được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN tại dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, áp dụng thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người, trừ doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 02 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm).

Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.

Nguồn: https://congluan.vn/de-xuat-ap-dung-thue-suat-15-doi-voi-doanh-nghiep-sieu-nho-post65444.html