19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp vận tải “dễ thở” hơn với bảng giá dịch vụ mới tại cảng biển

Cập nhật lúc: 07/12/2018, 06:31

Ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng Hải Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), góp phần tăng cơ hội đầu tư, thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng cường kết nối, giảm chi phí logistic.

Giảm giá dịch vụ cảng biển giúp tăng cường kết nối, giảm chi phí logistic (Ảnh TL)
 

Giá dịch vụ tại cảng biển sẽ tăng 10% từ 1/1/2019

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT về khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Theo đó, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa tại các cảng thuộc khu vực I (các cảng biển từ vĩ tuyến 20 độ trở lên phía Bắc gồm các cảng biển tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định), được quy định như sau (đơn vị tính đồng/container):

Đối với container 20 feet có hàng nếu bốc dỡ từ tàu sang bãi cảng và ngược lại có giá từ 260.000 - 427.000 đồng; trường hợp bốc dỡ container rỗng sẽ có giá từ 152.000 - 218.000 đồng;

Đối với container 40 feet có hàng nếu bốc dỡ từ tàu sang bãi cảng và ngược lại có giá từ 439.000 - 627.000 đồng; trường hợp bốc dỡ container rỗng sẽ có giá từ 231.000 - 331.000 đồng;

Đối với container trên 40 feet có hàng nếu bốc dỡ từ tàu sang bãi cảng và ngược lại có giá từ 658.000 - 940.000 đồng;  trường hợp bốc dỡ container rỗng sẽ có giá từ 348.000 - 498.000 đồng.

Cũng theo Thông tư 54, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực 1 (không áp dụng đối với khu vực bến cảng Lạch Huyện) sẽ được điều chỉnh tăng 10% so với Quyết định số 3863/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. 

Cụ thể giá đối với container có hàng như sau: Từ 33-53 USD/container 20 feet; 50 - 81 USD/container 40 feet; 57 – 98 USD/container trên 40 feet (đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại).

Đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng và ngược lại, mức giá được điều chỉnh tăng khoảng 50%, từ 18 USD/container 20 feet, 27 USD/container 40 feet lên 26 USD/container 20 feet, 40 USD/container 40 feet. 

Bên cạnh đó, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực Lạch Huyện được điều chỉnh tăng 10% áp dụng từ 1/1/2020, từ 46 USD/container 20 feet, 68 USD/container 40 feet lên 52 USD/container 20 feet, 77 USD/container 40 feet. 

Còn khung giá dịch vụ bốc dỡ container quá cảnh, trung chuyển áp dụng đối với khu vực bến cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019.

Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất được điều chỉnh tăng 10%, từ 46 USD/container 20 feet, 68 USD/container 40 feet lên 52 USD/container 20 feet, 77 USD/container 40 feet; Đồng thời, khung giá bốc dỡ container trung chuyển, quá cảnh (từ tàu, sà lan sang bãi cảng và ngược lại) giảm khoảng 10%, từ 34 USD/container 20 feet , 51 USD/container 40 feet xuống 31 USD/container 20 feet, 46 USD/container 20 feet. 

Còn tại khu vực bến cảng Đông bằng sông Cửu Long, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất được điều chỉnh giảm 50% so với khu vực 3. 

Khung giá dịch vụ cầu, bến, phao neo đối với khách du lịch cũng được điều chỉnh tăng so với Quyết định 3946/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, từ 0,99 - 1,1 USD/người/lượt lên 2,5 – 3,5 USD/người/lượt.

Hiện mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng (Ảnh TL)

Khung giá được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 45 cảng biển (263 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải) với gần 89km dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm. Trong đó, chỉ có một số cảng được xây dựng với mức đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại (cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, cảng khu vực Lạch huyện Hải Phòng, cảng Hải Phòng, cảng Cát Lái), còn lại phần lớn các cảng của doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao. 

Do đó, mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng, mức khung giá một số dịch vụ được xây dựng từ năm 2013-2014 không còn phù hợp, khiến DN khó đầu tư nâng cấp công nghệ bốc xếp, thời gian lưu hàng tại cảng kéo dài, gây tốn kém cho các DN vận tải..

Ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng Hải Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), góp phần tăng cơ hội đầu tư, thúc đẩy phát triển hạ tầng, tăng cường kết nối, giảm chi phí logistic. Chỉ số CPI chỉ bị ảnh hưởng nếu hãng tàu nước ngoài tăng giá thu THC đối với chủ hàng Việt Nam do tác động của việc tăng giá bốc dỡ. Đồng thời, nếu áp dụng mức giá dịch vụ bốc dỡ container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tăng thêm 10% về phía thị trường Việt Nam thì các chủ hàng xuất nhập khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì về việc tăng giá này do vẫn phải trả cho các hãng tàu nước ngoài thông qua cước THC.

Trong khi đó, việc tăng giá bốc dỡ 10% chỉ chiếm 3% doanh thu từ THC (3/100 USD USD/cont 20’, 5/150 USD/cont 40’), đây là mức tăng rất nhỏ so với giá trị THC hãng tàu nước ngoài thu của chủ hàng Việt Nam, do vậy khả năng hãng tàu nước ngoài tăng giá THC đối với chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam khó xảy ra.

Đối với các cảng biển tại khu vực Hải Phòng với sản lượng dự kiến là 4,2 triệu Teus năm 2019 thì các cảng sẽ thu thêm được ít nhất khoảng 280 tỷ đồng, qua đó đóng góp thêm cho Nhà nước hơn 60 tỷ đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp.

 Nguyễn Mạnh