Doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ rào cản chính sách, phục hồi thị trường bất động sản
Cập nhật lúc: 25/11/2021, 18:28
Cập nhật lúc: 25/11/2021, 18:28
Mới đây, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay". Chương trình Hội thảo do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam..
Quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, pháp lý như: TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng; Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam; TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế; PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội…;
Cùng với các đại diện các doanh nghiệp như: Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land; Ông Nguyễn Văn Hai - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Pland (PCorp); Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang; Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành; Ông Tạ Văn Tố, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn CEO; Ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land…
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản tham dự Hội thảo, nêu lên những rào cản chính sách, khó khăn và kiến nghị các giải pháp phục hồi thị trường.
Mở đầu buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phát biểu khai mạc; thông tin về thị trường bất động sản hiện nay như về nguồn cung BĐS mới (chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020); số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (tương đương so với cùng kỳ năm 2020); giá giao dịch bất động sản (tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản); về dư nợ tín dụng; về nguồn vốn FDI...
Đồng thời, chỉ đạo các ngành, cơ quan Trung ương liên quan; các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cùng chung sức để nhanh chóng giải quyết các khó khăn của thị trường bất động sản, sớm phục hồi, sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng nhận định, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến kinh tế bị đình trệ, đứt gãy, dẫn đến suy yếu. Nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể. Hoạt động phát triển BĐS phải dừng mọi hoạt động đầu tư, xây dựng, bán dự án. Ông cũng đánh giá chung thị trường các phân khúc bất động sản và đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường.
Các chuyên gia BĐS phản ánh, giá đất là một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Đất đai nhưng hiện chưa phù hợp với thực tế; dẫn đến những bất cập khi thu hồi đất, giá đền bù quá xa giá thị trường, khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khi giá đền bù chênh lệch với giá thị trường, khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận...
Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam, mâu thuẫn trong quy định về việc HĐND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất tại các địa phương làm phát sinh thêm những thủ tục không cần thiết và trái với quy định tại Luật Đất đai hay nhiều văn bản hướng dẫn cấp địa phương đều chồng chéo với các luật hiện hành như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư... đang là những rào cản làm chậm quá trình phục hồi thị trường.
Về phía Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hai - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Pland (PCorp) chia sẻ bên lề hội thảo, mong muốn những rào cản trong việc đầu tư bất động sản nói chung và đầu tư bất động sản ven các khu công nghiệp nói riêng sẽ sớm được tháo gỡ, mở ra cơ hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cũng cho biết, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc về pháp lý, chỉ mong có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ, ngành... để doanh nghiệp bớt áp lực, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Tuy nhiên, với lộ trình kế hoạch phát triển trong năm 2022, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước về các chính sách, cơ chế linh hoạt để có thêm nguồn lực.
Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công nghệ CTCP Tập đoàn Meey Land nêu ra những thách thức của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản nằm ở việc xử lý dữ liệu đặc thù của ngành bất động sản như dữ liệu về dự án, đất đai, khách hàng, thị trường, chi tiêu...: "Xuất phát từ nội tại ngành bất động sản bởi chúng ta mong muốn rất nhiều như: tăng tốc độ giao dịch, có nhiều nguồn hàng nhanh... nhưng bản thân chúng ta thay đổi chậm từ quy cách làm việc đến tư duy của khách hàng dẫn đến lực cản lớn cho thị trường chung. Chưa thấu hiểu nhu cầu của khách hàng bởi khách hàng bất động sản có nhu cầu khá riêng biệt bởi nó thường đến vào các thời điểm đặc thù, làm sao các doanh nghiệp phải nắm bắt được và đưa ra những tư vấn đúng lúc".
Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng luôn phải đối mặt với chiến lược làm thế nào để đảm bảo kinh doanh liên tục trong môi trường bất ổn hiện tại cả về dịch bệnh, khủng hoảng và sự bất ổn của không gian mạng. Các doanh nghiệp bất động sản hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề như khủng hoảng truyền thông, thông tin từ những điều kiện khách quan.
Trước những vấn đề trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng kiến nghị các điều kiện để phục hồi thị trường trong giai đoạn hiện nay chủ yếu về chính sách-pháp lý. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương cần sớm rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của quy định pháp luật đang là rào cản làm quá trình phê duyệt đầu tư dự án BĐS để có quyết định tháo gỡ kịp thời, trước khi đợi sửa luật; thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án.
Với 2 phiên thảo luận, tại Hội thảo, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cùng phân tích, mổ xẻ về tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021 và dự báo xu hướng năm 2022; Những nút thắt về chính sách pháp lý của thị trường bất động sản và đỊnh hướng điều chỉnh trong giai đoạn tới. Điển hình là: Tháo gỡ các chồng chéo trong thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường; Tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; Những kiến nghị về sửa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản; Những chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; Tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp bất động sản...
Sau Hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có báo cáo kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ quan có liên quan để góp phần tháo gỡ vướng mắc, rào cản cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/doanh-nghiep-ki-vong-thao-go-rao-can-chinh-sach-bds-20201231000004477.html
06:15, 04/11/2021
20:48, 28/10/2021
06:00, 22/10/2021