03/12/2024 | 00:19 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bất động sản sau cuộc "đại phẫu" về tư duy phát triển

Cập nhật lúc: 11/11/2024, 08:50

Vượt qua "cơn bạo bệnh", các doanh nghiệp bất động sản đã trải qua cuộc "đại phẫu" về tư duy phát triển. Nhiều doanh nghiệp nhận thức được rằng, việc đầu tư vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực.

"Cơn bạo bệnh" đã dần qua

Nhờ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho các dự án, thị trường bất động sản đang dần khởi sắc sau gần 3 năm chứng kiến đà suy giảm mạnh mẽ.

Đến thời điểm hiện tại, dù chưa thể nói thị trường đã hồi phục về trạng thái bình thường, nhưng chắc chắn thị trường đã chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn nửa cuối 2022 - 2023 khi nguồn cung trên thị trường đã có phần cải thiện, thanh khoản đang trên đà đi lên và giao dịch tăng trở lại.

Báo cáo của đơn vị nghiên cứu CBRE cho biết, 9 tháng đầu năm, hơn 19.000 căn hộ mới đã đổ bộ thị trường Hà Nội, chấm dứt chu kỳ khan hiếm nhà ở tại thành phố này.

Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường nhà ở cả nước quý III ghi nhận khoảng 14.750 sản phẩm mở bán mới, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán.

Đáng chú ý, dù nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, song thị trường vẫn ghi nhận khoảng 10.400 giao dịch thành công trong quý III, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 51%. Điều này phản ánh sự quan tâm của thị trường bất động sản đang gia tăng mạnh mẽ.

Cùng với đà hồi phục của thị trường, sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt. Trong đợt công bố báo cáo tài chính quý III, nhiều doanh nghiệp cho thấy bức tranh kinh doanh khả quan, gần đạt hoặc thậm chí vượt kế hoạch kinh doanh đề ra của cả năm 2024, kể đến như An Gia, Vạn Phát Hưng, các doanh nghiệp họ Sonadezi, Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội…

Theo nhiều nhận định, "cơn bạo bệnh" đã dần qua, các doanh nghiệp bất động sản sẽ hồi phục mạnh hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, với "điểm tựa tinh thần" là các chính sách điều tiết vĩ mô nhanh chóng, phù hợp; các luật quan trọng của thị trường được thông qua; niềm tin của nhà đầu tư dần hồi phục… cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chắc chắn sẽ tăng tốc trở lại trong nhịp tăng trưởng 2025.

Nhiều bài học để lại

Việc kỳ vọng các doanh nghiệp bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2025 không chỉ dựa trên những động lực từ bên ngoài, mà hơn hết còn là nhìn vào sự vận động nội tại bên trong của các doanh nghiệp. Bởi vượt qua giai đoạn đầy khắc nghiệt vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản đã trải qua cuộc "đại phẫu" về tư duy phát triển, không ít bài học "xương máu" đã được các doanh nghiệp rút ra. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phát triển bền vững, lành mạnh, phù hợp với dòng chảy chính của thị trường trong thời gian tới.

Chia sẻ với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc phía Nam cho biết, có những thời điểm, việc tìm kiến lợi nhuận không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một doanh nghiệp bất động sản. Thay vào đó, việc duy trì được bộ máy hoạt động để bước những bước chắc chắn nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn chung của thị trường, đó mới là điều quan trọng. Và một trong những giải pháp để giúp các doanh nghiệp có thể bước những bước chắc chắn ngay cả khi thị trường khó khăn là phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của thị trường.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, ở giai đoạn thị trường diễn biến bình thường, việc phát triển các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thực có thể không đem đến siêu lợi nhuận như những sản phẩm mang tính đầu cơ, nhưng khi thị trường rơi vào suy giảm, đây sẽ là chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa thoát hiểm, giúp các doanh nghiệp có thể đối mặt và hóa giải bài toán kẹt thanh khoản, nghẽn dòng tiền.

"Phải khi đứng trước 'lằn ranh sinh tử', chúng tôi mới nhận thức sâu sắc được vai trò của việc phát triển bền vững bằng cách hướng đến các phân khúc phục vụ nhu cầu thực của thị trường. Có lẽ, đây không phải là bài học của riêng chúng tôi mà còn là bài học với rất nhiều doanh nghiệp địa ốc khác", lãnh đạo doanh nghiệp phía Nam bày tỏ.

Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group cũng từng thừa nhận, trải qua kỳ khủng hoảng vừa qua, doanh nghiệp rút ra được bài học cho mình là phải phát triển bền vững, dài hạn, tính an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là kiên định với con đường mình đã chọn - xây dựng sản phẩm nhà ở với giá phù hợp, hướng đến người trẻ mua nhà lần đầu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được các cám dỗ, tránh được các rủi ro.

"Thực tế đến nay, dù trong lúc khó khăn nhất chúng tôi vẫn được ngân hàng cho vay để khởi công dự án, vẫn có sản phẩm bán, dự án được hoàn thiện và giao nhà cho khách hàng", ông Phúc nhấn mạnh.

Nhiều bài học đã được các doanh nghiệp địa ốc nhận ra sau giai đoạn khó khăn vừa qua.

Trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng ở thời gian trước, không ít doanh nghiệp bất động sản còn bị cuốn vào vòng xoáy tích lũy quỹ đất. Dù không đủ năng lực tài chính nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vay tín dụng hay phát hành trái phiếu để gom đất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn mua cả đất chưa có pháp lý. Để rồi, khi thị trường mất thanh khoản, lãi suất tăng, trái phiếu doanh nghiệp trồi sụt… hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã rơi vào cảnh "bất động trên đống tài sản" và nguy cơ phá sản luôn cận kề. Tuy nhiên, cũng chính biến cố này, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc bài học về đầu tư dàn trải, thiếu định hướng.

Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc phía Nam nhận định, việc sở hữu quỹ đất lớn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong việc phát triển dự án hay thu hút hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư đang hướng về Việt Nam.

Tuy nhiên, việc mở rộng quỹ đất cũng cần đi liền với việc đo lường khả năng tài chính, sức khỏe của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp còn loạt dự án dở dang, nếu tiếp tục mở rộng quỹ đất, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc đầu tư kinh doanh. Hơn hết, dòng tiền bị "chôn" vào đất quá nhiều, khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp rất dễ bị chao đảo, ảnh hưởng.

"Không cuốn vào vòng xoáy tích lũy quỹ đất cũng là một bài học sẽ được nhiều doanh nghiệp rút ra sau giai đoạn vừa qua. Bởi thực tế, đã có không ít đơn vị phải trả cái giá quá đắt cho việc ôm đất bằng mọi giá", vị này nói.

Có thể thấy, để rút ra được những bài học "xương máu", nhiều doanh nghiệp đã phải trả một cái giá đắt, nhưng theo giới phân tích, đây là điều tất yếu để doanh nghiệp trưởng thành và phát triển bền vững, lành mạnh. Bởi nếu không có vấp nghã, doanh nghiệp sẽ không cảm nhận được nỗi đau và việc chạy nhanh thiếu kiểm soát, thiếu an toàn sẽ tiếp tục diễn ra./.

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-sau-cuoc-dai-phau-ve-tu-duy-phat-trien-202241107193410454.htm