19/01/2025 | 23:59 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp bán lẻ “lội ngược dòng”

Cập nhật lúc: 09/12/2022, 09:03

Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 song bán lẻ cũng là ngành lấy lại sức bật mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp bán lẻ “lội ngược dòng”
Doanh nghiệp bán lẻ “lội ngược dòng”

Khảo sát doanh nghiệp Bán lẻ của Vietnam Report cũng cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Khảo sát cũng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh. Đặc biệt, trong sự phục hồi của các doanh nghiệp ngành bán lẻ có dấu ấn mạnh mẽ của chuyển đổi số. Doanh nghiệp có tốc độ chuyển đổi số nhanh, toàn diện thì sự hồi phục càng mạnh mẽ.

Tại chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022, đại diện nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đều chung quan điểm: Những tổn thất trong đại dịch, với khả năng linh hoạt khi rủi ro xảy ra, các doanh nghiệp chú tâm hơn vào việc số hoá cơ cấu hoạt động. Chuyển đổi số là công cụ hiệu quả để các thương hiệu nắm bắt trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số, tối ưu vận hành, quản lý vận hành dễ dàng, quản lý tốt đội ngũ nhân viên, nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, giúp khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt tốt hơn và mượt mà hơn.
Đây chính là xu hướng được các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam hướng tới. Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi kênh bán hàng theo sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Đó là tăng cường kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh trên các nền tảng số phổ biến hiện nay bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp.

Trong khi đó, ở hệ thống siêu thị Aeon, thông qua việc thúc đẩy phát triển các ứng dụng di động, thanh toán không dùng tiền mặt bằng ví điện tử, quầy thanh toán tự động, khách hàng chỉ cần ứng dụng thanh toán có mã QR là có thể thanh toán các dịch vụ, sản phẩm một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần đến tiền mặt. Còn hệ thống MM Mega Market Việt Nam hướng đến cá nhân hoá trải nghiệm cho B2B (khách hàng doanh nghiệp) bằng ứng dụng riêng…

Thị trường bán lẻ Việt Nam vì thế đang ở giai đoạn sôi động. Trong khi mô hình bán hàng truyền thống vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng của tại Việt Nam thì doanh nghiệp bán lẻ tạo thêm thế chân kiềng mới thông qua việc phát triển các nền tảng đa phương tiện, đa hình thức, các kênh mua sắm online hoặc sàn thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh không chỉ từ các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn mà bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. 

Điển hình là các hệ thống phân phối có xuất phát điểm là kinh doanh hàng tiêu dùng như Winmart, Aeon, Lotte… hay quy mô nhỏ hơn có chuỗi cửa hàng tiện ích Circle K đều hướng đến xây dựng hệ sinh thái riêng. Trong đó, Winmart có khả năng đáp ứng 80% chi tiêu tiêu dùng, từ nhu yếu phẩm, F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khoẻ và đang tiến tới giải trí trên nền tảng số. Aeon tích hợp trở thành tổ hợp mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống với những trải nghiệm số hàng đầu được giới trẻ rất ưa chuộng.

Nguồn: https://congly.vn/doanh-nghiep-ban-le-loi-nguoc-dong-219595.html