22/01/2025 | 17:48 GMT+7, Hà Nội

Đổ xô đi mua sắm - nguy cơ cao làm bùng phát dịch bệnh

Cập nhật lúc: 01/06/2021, 10:30

Hàng hoá dư đủ, tại sao người dân phải đổ xô đi mua sắm để tích trữ? Hành động này vô tình đã làm cho mối lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong cộng đồng.

Thông tin và sự chuẩn bị kịp thời

Trước khi chính quyền TP.HCM ban hành lệnh giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5, thì ngày 27/5 Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có văn bản số 1130/STTTT-BC đề nghị các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương.

Xây dựng các tin, bài đấu tranh chống lại các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Xây dựng các tin, bài đấu tranh chống lại các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Điển hình, báo Nhà báo & Công luận đã có bài viết: “Thị trường TP.HCM bình ổn “mùa Covid-19”.

Nội dung ghi nhận thực tế, ở các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đều có lượng hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động.

Sở Công Thương TP.HCM chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30 - 100% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối cũng như chuẩn bị nguyên vật liệu.

Sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50 - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử.

Lượng hàng hoá trên các kệ hàng của siêu thị luôn dồi dào. Ảnh: Thái Sơn
Lượng hàng hoá trên các kệ hàng của siêu thị luôn dồi dào. Ảnh: Thái Sơn

Đồng hành đó, nhiều cơ quan báo chí cũng vào cuộc thông tin, ghi nhận thực tế và khuyến cáo: Hàng hóa dồi dào, người dân không nên đổ xô đi mua sắm.. người dân không nên đổ xô mua tích trữ; đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày giãn cách…

Doanh nghiệp cam kết nguồn hàng luôn phong phú đầy đủ, phục vụ người dân tại các hệ thống siêu thị.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cam kết, tại các siêu thị trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, lượng hàng hóa thiết yếu luôn được dự trữ tăng từ 30 - 40% so với ngày thường.

Theo ông Đức, hiện nay lượng hàng hóa của Saigon Co.op từ các tỉnh về TP.HCM vẫn thông suốt, duy trì ổn định. Các siêu thị sẵn sàng kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ tối đa nhu cầu của khách, song vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch như yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào siêu thị, điều chỉnh nhiệt độ trên 25°C trong siêu thị...

Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.

"Âm thầm lây lan dịch bệnh"

Ngày 30/5, đại diện y tế phường 2, quận Bình Thạnh thông tin với PV: Tại Siêu thị Bách hoá Xanh trên đường Vũ Tùng (cách chợ bà chiểu 150m - PV) xuất hiện một ca nhiễm Covid-19.

Ca nhiễm này thường xuyên đến đây để mua sắm. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng phải thông báo, những người đến mua sắm từ ngày 21/5 phải khai báo y tế, còn nhân viên được đưa đi cách ly tập trung.

Siêu thị Bách Hoá Xanh trên đường Vũ Tùng (Bình Thạnh) phát hiện một ca bệnh thường xuyên đến mua sắm. Ảnh: Thái Sơn
Siêu thị Bách Hoá Xanh trên đường Vũ Tùng (Bình Thạnh) phát hiện một ca bệnh thường xuyên đến mua sắm. Ảnh: Thái Sơn

Được biết, ca bệnh tại siêu thị Bách Hoá Xanh được phát hiện vào ngày 30/5, nhưng trước đó, tại đây luôn tấp nập người dân đến mua sắm.

Điều này có thể thấy, trong xã hội có những ca bệnh đang âm thầm lây lan và xuất hiện cạnh bất cứ ai mà không hề hay biết.

Chính vì vậy, việc cơ quan y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường; cần thực hiện 5K theo quy định… đặc biệt là không tập trung đông người.

Vậy tại sao người dân vẫn đổ xô đi mua sắm?

Chị Nguyễn Hoàng Phương (45 tuổi, ở Bình Thạnh) nói: "Tôi không hiểu tại sao người dân phải tranh nhau đi mua hàng về tích trữ. Đọc báo thấy cảnh người chen chúc nhau mua sắm, tôi sợ. Giả sử trong siêu thị xuất hiện một ca đang nhiễm bệnh thì phải làm sao. Như ca nhiễm vừa được phát hiện ở Bách Hoá Xanh”.

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 30/5, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM bị “thúc thủ” trước sức mua quá lớn của người dân. Nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, gạo, mì gói, phở ăn liền, bún khô… liên tục bị hết hàng cho dù các siêu thị nỗ lực cung ứng, đồng thời liên tục phát đi các thông tin sẽ tăng thời gian mở cửa và không thiếu nguồn hàng.

Tương tự, tại các chợ, điểm bán thịt gia cầm, gia súc và rau củ quả cũng chuẩn bị lượng hàng tăng khá cao so với ngày thường. Tuy nhiên, do sức mua lớn nên nhiều điểm bán đã hết hàng ngay từ giữa chiều.

Tuy nhiên, chỉ vài tiếng đồng hồ sau, các quầy hàng trên siêu thị lại đầy ắp hàng hoá, không còn tình trạng khan hiếm.

Trước hình ảnh, hàng ngàn người đổ xô đi mua sắm để tích trữ hàng hoá, làm nhiều người dân thành phố nhớ tới nỗi trăn trở về nguy cơ lây lan dịch bệnh covid-19 tại TP.HCM của vị đứng đầu UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong: Có thể dịch đang lan truyền âm thầm trong TP.HCM.

Xin hãy làm người dân sống hiểu biết, giữa thành phố thông minh!

Nguồn: https://congluan.vn/do-xo-di-mua-sam-nguy-co-cao-lam-bung-phat-dich-benh-post136341.html