25/11/2024 | 13:45 GMT+7, Hà Nội

Dịp Tết, không cung ứng thêm tiền có mệnh giá dưới 10.000 đồng

Cập nhật lúc: 09/01/2019, 01:14

Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 7/1, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, từ tháng 11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương không đưa thêm lượng tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng in mới ra thị trường và dịp Tết Nguyên đán 2019 cũng như vậy.

 Người dân vẫn có thói quen đổi tiền lẻ vào dịp lễ, Tết. ẢNh: M.Anh

Người dân vẫn có thói quen đổi tiền lẻ vào dịp lễ, Tết.

Tiền lẻ cho Tết 2019 tăng 25%

Theo ông Phạm Bảo Lâm, dù không đưa lượng tiền mới in ra thị trường nhưng tổng lượng tiền lẻ đã qua lưu thông cung ứng cho dịp Tết Kỷ Hợi 2019 dự kiến tăng 25%. Trong đó gồm cả tiền mới in và tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nền kinh tế trong dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018 lượng tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng ra thị trường tăng 12% so với năm 2017. "Việc điều hòa tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là điều hành cho cả năm để bảo đảm dự trữ tiền mặt cho tất cả các chi nhánh tỉnh, thành phố, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, không chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán," ông Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lâm, từ tháng 4/2018, NHNN có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống đến hết tháng 11/2018, kể cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Theo thống kê, tỷ lệ tăng 12% cũng bảo đảm cho nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế trong năm 2018 cũng như trong tháng Giêng 2019. Đối với nhu cầu mệnh giá từ 10.000 trở xuống, tiền mới in hết tháng 11/2018 đã cung ứng ra thị trường rất tích cực. Từ tháng 11/2018 trở đi, tiền mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống đã qua lưu thông vẫn cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân.

"Kết quả thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong tháng 12, tháng Giêng, dự kiến trong năm 2019, NHNN đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỷ đồng. Tổng số đã thực hiện từ năm 2013 đến nay, chi phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước khoảng 2.590 tỷ đồng," ông Lâm cho biết.

Ông Lâm cũng khẳng định, NHNN đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc năm 2019 bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt tiền mới in một cách hợp lý nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu đột xuất, bất thường. Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông về giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền một cách hợp lý.

Không để xảy ra gián đoạn gây bức xúc cho khách hàng

Cũng trong dịp Tết này, Chính phủ giao NHNN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai các nhiệm vụ trong đó chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ tài chính trong nước và thế giới, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Cùng đó, NHNN cần tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Để đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch rút tiền mặt trên ATM của khách hàng dịp cuối năm, NHNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung công việc nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ATM. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết, bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM, tiếp quỹ ATM, nhân sự cho ATM, bảo trì, bảo dưỡng ATM... đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt. Các tổ chức thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ ATM. Đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, hạn chế để xảy ra tình trạng gián đoạn trong hoạt động, gây bức xúc cho khách hàng.

Đồng thời rà soát, nắm bắt các thời điểm, các địa bàn thường xảy ra hiện tượng ATM quá tải như khu công nghiệp, khu chế xuất... Chủ động có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM như tăng cường hoạt động ATM lưu động đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động. Các tổ chức chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý; xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng dịp Tết bằng tiền mặt; tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM... Ngoài ra, cần rà soát, triển khai phương án phòng, chống tội phạm lắp đặt thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ tại ATM một cách hiệu quả; triển khai các giải pháp giám sát giao dịch qua ATM, phát hiện các giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo như các giao dịch sử dụng thẻ có hạn mức cao, các giao dịch rút tiền giá trị lớn tại ATM, các giao dịch rút tiền liên tục, bất thường vào thời điểm nửa đêm... để kịp thời cảnh báo khách hàng.

Các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyển mạch thẻ ATM nhằm hạn chế các sự cố kỹ thuật, đường truyền, đảm bảo các giao dịch liên ngân hàng thông suốt, ổn định; phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan trong việc thông tin, tuyên truyền tới khách hàng về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM cũng như trong phòng, chống tội phạm liên quan ATM; báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước khi phát sinh các vụ việc liên quan đến ATM.