21/01/2025 | 14:35 GMT+7, Hà Nội

Định vị tài chính tiêu dùng

Cập nhật lúc: 02/08/2020, 16:55

Cũng giống như các lĩnh vực kinh doanh khác, thị trường tín dụng nói chung và tài chính tiêu dùng (TCTD) nói riêng đang được kỳ vọng phục hồi trở lại sau thời gian giãn cách xã hội (GCXH).

Cũng giống như các lĩnh vực kinh doanh khác, thị trường tín dụng nói chung và tài chính tiêu dùng (TCTD) nói riêng đang được kỳ vọng phục hồi trở lại sau thời gian giãn cách xã hội (GCXH). Đặc biệt hơn, ngành TCTD còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cùng với các giải pháp tài chính khác bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), hỗ trợ những cá nhân khó khăn về tài chính ngắn hạn, và giúp tăng sức cầu của nền kinh tế.

Cơ hội từ suy giảm kinh tế

Cho vay tiêu dùng (CVTD) hay còn gọi là TCTD tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Vai trò của TCTD càng được thể hiện rõ nét qua thời gian nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19, những món vay giá trị không lớn nhưng cung cấp giải pháp tài chính quan trọng cho nhiều cá nhân, gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò không thể thiếu trong thị trường tài chính Việt Nam, ngành TCTD với đại diện chủ yếu các công ty tài chính (CTTC) cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho vay, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ cho yêu cầu số hóa các giải pháp, dịch vụ…

Tại cuộc Tọa đàm “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho TCTD” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư nhận định, dịch Covid-19 kéo theo suy giảm kinh tế, đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động nói chung bị giảm sút và đói nghèo gia tăng, nhất là đối với lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức và nông dân. Đây đều là những nhóm khách hàng chính của tín dụng CVTD. Chính sách hỗ trợ ASXH chưa bao trùm hết các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19, nhất là lao động phi chính thức và nông dân. Các chính sách này chỉ có tác dụng giảm nhẹ tác động đối với người dân hơn là giúp họ cải thiện tình trạng vay tiêu dùng.

Làm rõ hơn về khái niệm TCTD, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, TCTD (consumer finance) nên được hiểu là một phần của tín dụng tiêu dùng (consumer credit). Thị trường TCTD tại Việt Nam chính thức bắt đầu kể từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi lĩnh vực cho vay này được các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện như một phần của các sản phẩm NH bán lẻ. Tuy nhiên, thị trường chỉ thật sự phát triển nhanh từ năm 2007 đến nay với sự tham gia của các công ty TCTD. Dư địa TCTD rất lớn nếu nhìn về quy mô và mạng lưới hoạt động. Ước tính, dư nợ TCTD đến cuối năm 2019 khoảng 1,68 triệu tỷ đồng, gấp bảy lần so mức 230.000 tỷ đồng năm 2012.

Trong khi đó, từ phía cung, các CTTC và NHTM chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay tiêu dùng hiện tại vì những lý do khác nhau, cả khách quan và chủ quan. Thực tế cho thấy, chỉ một phần số lượng khách hàng có thể tiếp cận vay tiêu dùng tại các NHTM và CTTC và khi tiếp cận được thì cũng chỉ một phần nhu cầu vay tiêu dùng được đáp ứng, đặc biệt là sinh viên, nông dân, lao động nghèo...

TS Cấn Văn Lực nhận định, thị trường này rất nhiều tiềm năng bởi vẫn đóng góp lợi nhuận ít nhất khoảng 20% cho NH mẹ. Vấn đề là, “khẩu vị” rủi ro của các CTTC như thế nào là quan trọng. Nếu nợ xấu chấp nhận đến 10% lợi nhuận bù đắp được rủi ro thì các NH có muốn cũng không làm được như vậy và đó là cơ hội của các CTTC.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn, tuy nhiên Việt Nam là quốc gia đặc thù với tiết kiệm khoảng 25-30%. Đánh đồng tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân là không phù hợp, bởi đánh giá rủi ro sẽ khác nhau. Cơ hội cho thị trường TCTD là rất lớn. Dân số trẻ nên hành vi tiêu dùng rất quan trọng nhưng CVTD dựa vào tầng lớp trung lưu nhiều. Do đó, cần phải hiểu về tiêu dùng của người dân rất nhiều và cần cân đối lại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, Việt Nam đang có nền tảng rất tốt, nền móng vững với dự trữ ngoại hối cao, lạm phát thấp, lãi suất trái phiếu Chính phủ rất thấp, bên cạnh đó thặng dư cán cân thanh toán giúp nguồn ngoại tệ dồi dào. Mục tiêu của Chính phủ hiện là khai thác thị trường nội địa tăng trưởng, dựa vào tiêu dùng trong nước, nghĩa là cơ hội phát triển cho nhu cầu nội địa nhưng chưa có kế hoạch cụ thể cho vấn đề này. Cần làm rõ hơn vai trò của nhà sản xuất, người tiêu dùng (NTD), mối quan hệ chính phủ, nhà sản xuất, NTD… Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế về trung hạn tốt là nền móng cho TCTD phát triển tốt. Do vậy, nhìn vào hiện tại thì bi quan nhưng nhìn xa hơn thì tươi sáng ở phía sau. Vượt qua giai đoạn khó khăn này thì sẽ có cơ hội tốt cho ngành TCTD.

Nhu cầu về TCTD tăng cao

Tổng quan về các kênh cung ứng TCTD đối với nền kinh tế, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Chiến lược NH, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thông tin, quản lý cho vay từ các NHTM, công ty TCTD, cho thuê tài chính theo quy định của Thông tư 43 và Thông tư 18 của NHNN. Cho vay bởi hệ thống các cửa hàng của tiệm cầm đồ hoặc chuỗi cửa hàng của một doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh cho vay cầm đồ là Nghị định 96/2016 của Chính phủ. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoảng 4.000 cửa hàng cầm đồ. Cho vay từ các công ty P2P lending có đăng ký DN hoặc các ứng dụng (app) cho vay không đăng ký (cho vay theo Điều 468, Bộ luật Dân sự)…; và cho vay nặng lãi “tín dụng đen”.

Ước tính, CVTD không chính thức chiếm 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16 - 1,55 triệu tỷ đồng); CVTD qua NH và công ty TCTD khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, tương đương 11,4% tổng dư nợ. Ngoài ra, còn các kênh khác chưa có thống kê chính thức. Theo thông lệ, dư nợ CVTD chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, thì dư địa sẽ còn khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì CVTD cũng sẽ tăng theo.

Ông Phạm Xuân Hòe cho biết, tổng hợp báo cáo hành chính của 59 tỉnh, thành phố đến ngày 15-4-2020 có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740.000 lao động), không thống kê lao động nông nghiệp. Theo đó, nhu cầu về TCTD sẽ tăng cao.

Đề cập vấn đề dài hạn của thị trường TCTD, PGS, TS Đặng Ngọc Đức, Nguyên Viện trưởng NH tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, còn nhiều cơ hội cho ngành TCTD, không cần so sánh xa mà các quốc gia quanh Việt Nam khu vực Đông - Nam Á. Mặc dù đã đạt tới quy mô hơn một triệu tỷ đồng và chiếm khoảng 20,5% tổng dư nợ của nền kinh tế song tiềm năng và cơ hội của TCTD vẫn rất lớn. Từ phía cầu, nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và ở mức cao trong những năm qua, thị trường tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và ổn định trong những năm tới. Trong khi Euromonitor cũng đưa ra dự báo rằng GDP thực của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng 91,4% trong giai đoạn 2019 - 2030. Ngoài ra, Vietstock tổng hợp nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt từ nghiên cứu của Nielsen (năm 2019) cho thấy, chỉ số niềm tin của NTD Việt Nam đã đạt mức cao nhất là 129 vào quý III-2018, chỉ sau Phillipines (133) và Ấn Độ (132). Có thể nhận định rằng về phía cầu, tiềm năng tăng trưởng của tiêu dùng và cơ hội cho sự phát triển của TCTD tại Việt Nam trong thời gian tới là rất khả quan.

Theo Vietstock (2019), chỉ khoảng 50% số khách hàng của CTTC và 60% số khách hàng của NHTM được vay và chỉ được đáp ứng dưới hai phần ba nhu cầu vay. Về mặt chủ quan, các NHTM luôn quan ngại nguy cơ rủi ro cao khi khách hàng vay tiêu dùng chủ yếu là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp... Do vậy, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm “dưới chuẩn” chưa được đáp ứng là rất lớn, đa dạng và cũng rất cấp thiết. Đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, nhất là “tín dụng đen”. Nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng là khá lớn, chưa được tiếp cận các NHTM và các CTTC. Điều đó cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về CVTD và cơ hội hay “dư địa” cho sự phát triển của TCTD là rất lớn.