19/01/2025 | 10:33 GMT+7, Hà Nội

Định hướng kinh tế Thủ đô: Ưu tiên phát triển bền vững

Cập nhật lúc: 17/08/2020, 15:52

Vấn đề không phải tốc độ tăng trưởng của Hà Nội trong 5 năm tới là 7,5 - 8% hay là 8 - 9% mà quan trọng nhất là tái cơ cấu kinh tế của Hà Nội thu được kết quả như thế nào trong cả nhiệm kỳ vừa qua (2016 - 2020)...

Vấn đề không phải tốc độ tăng trưởng của Hà Nội trong 5 năm tới là 7,5 - 8% hay là 8 - 9% mà quan trọng nhất là tái cơ cấu kinh tế của Hà Nội thu được kết quả như thế nào trong cả nhiệm kỳ vừa qua (2016 - 2020), phải đặt trong bối cảnh mới của Việt Nam và thế giới

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Vì mục tiêu của chúng ta là phát triển bền vững rồi mới nhanh chứ không phải nhanh và bền vững. Đó là những ý kiến được ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thẳng thắn đóng góp cho dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.

Bền vững rồi mới nhanh

Tại dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội có đặt mục tiêu phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025: 7,5 - 8,0% (cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 đạt được là 7,39% - mục tiêu 7,3 - 7,8%); GRDP bình quân/người: 200 - 205 triệu đồng (8.100 - 8 .300 USD) trong khi giai đoạn vừa qua 2016 - 2020 đạt 5.420 USD. Ông đánh giá sao về chỉ tiêu này?

- Vấn đề không phải tốc độ tăng trưởng của Hà Nội trong 5 năm tới là 7,5 - 8% hay là 8 - 9% mà vấn đề quan trọng nhất là tái cơ cấu kinh tế của Hà Nội thu được kết quả như thế nào trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 để từ đó phát triển bền vững. Vì mục tiêu của chúng ta là phát triển bền vững rồi mới nhanh, chứ không phải nhanh và bền vững. Thứ ba nữa với tốc độ quy mô và tăng trưởng như thế chúng ta phải trả lời 10 triệu dân Hà Nội được hưởng gì từ tốc độ tăng trưởng cao như thế.

Ngoài ra cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, chính xác hơn những kết quả nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhằm tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ mới.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Dịch vụ 63,7 - 64,0%; công nghiệp và xây dựng 23,4 - 23,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 11,0 - 11,2%. Cơ cấu này đã hợp lý so với điều kiện của Hà Nội chưa thưa ông?

- Cái cần trao đổi thêm để làm rõ, bây giờ công nghiệp và xây dựng lại gắn với đô thị thông minh. Phần xây dựng gắn với quy mô phát triển Hà Nội là bao nhiêu. Ở nhiều nơi, bên này là khu đô thị buổi tối bể bơi, khu vui chơi đèn sáng trưng, bên kia vẫn là đường 3,5m nông thôn. Đó có phải là mục tiêu Hà Nội phát triển không?

Dịch vụ của Hà Nội là dịch vụ gì? Có phải là dịch vụ tài chính không, có phải là dịch vụ công nghệ cao không? Nếu là dịch vụ công nghệ cao thì đối chiếu dịch vụ công nghệ cao đó với Nghị định của Chính phủ về các bệnh viện công, bệnh viện tư với dịch vụ thì đó có phải là nguồn thu không và như vậy đấy có phải là một ngành để Hà Nội phát triển và phát triển như vậy thì diện tích đất cho họ là bao nhiêu, không phải là dồn tất cả vào chồng tầng như ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K không? Đó là những vấn đề trong văn kiện Hà Nội phải trả lời được.

Vấn đề Hà Nội phải trả lời đến năm 2025 Hà Nội ở đâu trong quá trình công nghiệp hóa? Nếu với phần tỷ trọng của nông nghiệp chỉ chiếm có 1,4 - 1,5% thì Hà Nội đã là địa phương thực hiện xong công nghiệp. Tuy nông nghiệp chiếm 1,4 - 1,5% nhưng với dân số chiếm tới 40% làm nông nghiệp và ở khu vực nông thôn. Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Sơn Tây, Mỹ Đức… với hàng triệu người nông dân vẫn đang ở đó, họ đã thoát ly nông nghiệp đâu.

Đó là câu hỏi mà Hà Nội phải trả lời. Không giải quyết được việc làm cho những người từ khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, và vấn đề như thế thì chọn ngành đầu tư của Hà Nội như thế nào?

Đến năm 2020, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5 - 13,5%/năm)? Có ý kiến cho rằng cần phân định rõ tỷ trọng vốn khu vực nhà nước là bao nhiêu, vốn trong nước, vốn FDI là bao nhiêu. Ý kiến của ông thế nào?

- Chúng ta có 2 luật khi làm ngân sách cho Hà Nội. Một là luật Thủ đô, hai là luật NSNN. Người ta quy định rõ ràng rồi, tổng mức đầu tư công như thế nào rồi. Vì thế việc Hà Nội đặt ra mục tiêu 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng trong vòng 5 năm đầu tư Hà Nội chúng ta thấy ngay, tức là bình quân vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Hà Nội khoảng 600.000 tỷ đồng/năm.

Vốn đầu tư của T.Ư trên địa bàn Hà Nội thông qua vốn NSNN, qua Luật Thủ đô để lại cho Hà Nội cỡ khoảng 120.000 - 150.000 tỷ đồng, còn lại 450.000 tỷ đồng là của FDI và của các thành phần kinh tế khác. Cái này đã rõ rồi, nói như vậy là biết Hà Nội phải phấn đấu bao nhiêu rồi nên không ngại chuyện đó.

Vấn đề là xu thế thu hút vốn đầu tư của Hà Nội trong 5 năm vừa qua tập trung vào đâu là một câu hỏi. Hiện nay, đa phần đầu tư vào các khu đô thị mới, bất động sản, hiếm có những DN sử dụng công nghệ cao đầu tư vào.

Ngay như bây giờ, Hà Nội có Sân bay Nội Bài chiếm 75% tổng lượng hàng hóa vận tải hàng không của Việt Nam. Thế thì Hà Nội có tiếp tục đi theo logistics trong hàng không, thế thì phải nâng cấp cho Sân bay Nội Bài có bãi đỗ riêng, Hà Nội có quy hoạch cái đó không.

Do đó, khi đưa ngay con số 3,1 - 3,2 triệu tỷ đồng phải đưa cụ thể định hướng đầu tư vào lĩnh vực nào của Hà Nội chứ không đưa chung chung.

Dự thảo đặt ra nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP trên 25%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0 - 7,5%? Ông thấy thế nào so với quy mô tỷ trọng của cả nước hiện nay?

- Thật ra kinh tế số là phù hợp với xu thế chung nhưng chúng ta chưa đánh giá được các dịch vụ phát sinh sau dịch Covid-19 dựa trên nền kinh tế số ở Việt Nam và đặc biệt ở Hà Nội là đô thị điển hình thì như thế nào.

Cách đây vài năm không ai tưởng tượng được Việt Nam có phần mềm xe ôm hoặc Grap khi vào app đó theo dõi được xe đó từ đâu đến đâu, bao lâu đến nơi. Áp dụng kinh tế số vào trong ngành hàng cụ thể, vấn đề bây giờ trách nhiệm của Hà Nội là nuôi dưỡng cái đó thế nào. Và có chính sách gì ưu đãi cho người ta trong khi luật và Hiệp định thương mại chúng ta đã cam kết.

Hà Nội là TP lớn của cả nước, có tỷ lệ các nhà khoa học lớn nhất cả nước, Hà Nội có đi đầu trong vấn đề này không. Đó mới là cái cần quan tâm. Vấn đề bộ máy của Hà Nội chuyển dịch như thế nào làm người khổng lồ cho cái nền kinh tế số, cho các mô hình kinh tế số đứng trên vai của Nhà nước. Đấy mới là mục tiêu mà chúng tôi kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đột phá về phát triển nguồn nhân lực

Trong văn kiện có đề ra 5 nhiệm vụ và 3 khâu đột phá. Ông đánh giá sao, có ý kiến cho rằng, cải cách thể chế phải đưa lên là khâu đột phá đầu tiên?

- Ba đột phá của Hà Nội chọn rất đúng. Thứ nhất, Hà Nội có đặc điểm là di dân, dân nhập cư từ nơi khác đến nhiều. Đây là vấn đề tất yếu khi đô thị hóa bao giờ cũng có luồng di dân. TP phát triển có những TP trung tâm vệ tinh là rất đúng để đưa ra khu vực lân cận.

Về đột phá thứ hai: TP thông minh đầu tiên phải phục vụ cho người dân, những người già, người nông dân không dùng smartphone, người ta bị loại ra khỏi. Vì thế TP thông minh phải là ứng dụng công cộng mà người dân bất kể một ai có thể tiếp cận được. Những cái đó TP phải làm. TP thông minh là người dân hưởng như thế nào, đáp ứng cho người dân như thế nào chứ không phải TP thông minh là ta áp dụng công nghệ gì, không phải chỉ là trưng bày mẫu mọi người chỉ ngắm nhìn xem mà thôi. Cái này là thể chế làm sao tạo ra hệ sinh thái phát triển, từ đó mới tạo ra những ứng dụng thực tế và phục vụ cho người dân.

Và đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm là rất đúng. Điểm yếu của Hà Nội rất có vấn đề về đội ngũ công chức. Hà Nội làm được rất nhiều điều nhưng cũng có nhiều điều bản thân DN, người dân Hà Nội không hài lòng. Khâu đột phá này Hà Nội cần bổ sung về tăng cường công tác tổ chức, thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là theo dõi, xử lý vi phạm trên thực tế.

Tuy nhiên tôi cho rằng đưa đột phá thứ ba về phát triển nguồn nhân lực lên đầu tiên. Đừng nghĩ nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là của ông DN, mà chính là nguồn nhân lực mới cho bộ máy quản trị nhà nước, cán bộ công chức phường. Đặc biệt là Hà Nội thực hiện không áp dụng HĐND cấp quận nữa thì cán bộ quận, Chủ tịch quận chính là cánh tay nối dài của Chủ tịch TP. Con người mới là cái đầu tiên. Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để đạt được công chức mới có tầm, tài năng và xuất khẩu công chức đi cho các tỉnh khác nếu mô hình của Hà Nội làm tốt.

Thủ tướng đã nói rồi, công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, gương mẫu rất quan trọng, cùng với việc xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là sức mạnh nội sinh, sức mạnh mềm và động lực tinh thần to lớn cho phát triển Thủ đô.

Trọng tâm của Dự thảo sẽ tập trung xem xét, hoàn thiện các nội dung liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển và liên kết Vùng Thủ đô. Cùng với đó là bổ sung, chỉnh sửa Luật Thủ đô, vận hành chính quyền đô thị, phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực chất xám sẵn có và rất phong phú của Hà Nội...? Ông nghĩ sao về các giải pháp này?

- Sức hút của Hà Nội là hút ngược vào lõi hay áp lực từ trong lõi đẩy ra? Nếu là từ trong lõi đẩy ra thì Hà Nội phải thiên đi vào dịch vụ tài chính. Và các DN của Hà Nội phải đi đầu tư vào Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… để những người lao động ở Gia Lâm, Mỹ Đức… người ta đi làm ở Bắc Ninh, Hưng Yên đẩy ngược dòng đó ra và như vậy các nhà đầu tư sống ở Hà Nội nhưng đầu tư ra bên ngoài. Lúc này Luật Thủ đô phải thay đổi, Luật Thuế phải thay đổi người ta đóng ở địa bàn DN hay đóng thuế ở nơi người ta cư trú…

Hà Nội năm 2008 hợp nhất với Hà Tây quan điểm của tôi vẫn như cách đây 12 năm là chúng ta cần một Thủ đô mạnh chứ không cần một Thủ đô to. Một Thủ đô mạnh có nghĩa anh có thể hỗ trợ về tài chính, chất xám, công nghệ cho các tỉnh bên cạnh và có cơ chế phân chia lợi nhuận một cách hợp lý giữa Hà Nội và các vùng khác. Như thế mới hình thành một vùng Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!