19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

Thêm động lực cho kinh tế trang trại

Cập nhật lúc: 05/08/2020, 16:49

Các trang trại trên địa bàn Hà Nội mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm ra thị trường và chiếm tới 20% nông sản an toàn trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân...

Các trang trại trên địa bàn Hà Nội mỗi năm cung cấp hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm ra thị trường và chiếm tới 20% nông sản an toàn trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân Thủ đô cũng như hướng tới nền nông nghiệp bền vững cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo thêm động lực cho kinh tế trang trại phát triển.

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao. Trong ảnh: Mô hình trồng rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt

Hiệu quả cao nhưng...

"Đời sống của gia đình tôi tăng lên trong những năm qua nhờ phát triển mô hình kinh tế trang trại" - đó là khẳng định của anh Nguyễn Hạ Văn chủ trang trại sản xuất, kinh doanh cây giống, quy mô 5ha ở xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) với doanh thu 1 tỷ đồng/năm.

Còn anh Phùng Văn Thụy, thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) cho biết: "Trang trại của gia đình có gần 600 con lợn nái cùng gần 1.000 con lợn thịt, mỗi tháng cung cấp khoảng 50 tấn thịt lợn và hơn 500 con lợn giống ra thị trường. Hằng năm, trang trại có doanh thu hàng tỷ đồng, giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên, toàn huyện hiện có 517 trang trại chăn nuôi, thủy sản và trang trại tổng hợp. Ngoài nâng cao thu nhập cho nông dân, việc phát triển kinh tế trang trại đã giúp hình thành nhiều loại nông sản chất lượng cao như gà đồi Ba Vì, thịt đà điểu Ba Vì, sữa Ba Vì...

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin: Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả rõ rệt, doanh thu gấp ít nhất là 5 lần so với trồng lúa. Tổng doanh thu của các trang trại đạt gần 2.200 tỷ đồng/năm, chiếm tới gần 50% giá trị nông nghiệp toàn huyện.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 3.150 trang trại, trong đó có 130 trang trại ứng dụng công nghệ cao, doanh thu từ 1 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng. Hệ thống trang trại này sản xuất khoảng 40% sản lượng thịt gà, trứng, thịt lợn cung ứng cho thị trường Thủ đô.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố vẫn còn khó khăn như mới có 178 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy mô diện tích đất của các trang trại còn nhỏ, trung bình là 1,5ha. Nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chủ yếu là vốn hộ gia đình, vốn vay ưu đãi cho phát triển trang trại mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do chưa có thương hiệu...

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Chăm sóc đàn lợn giống tại trang trại của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hơn 4% của ngành Nông nghiệp trong năm 2020, thì một trong những ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ vướng mắc, bất cập, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển.

Về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan đề xuất: Quy định về trang trại tổng hợp phải có quy mô ít nhất từ 1ha trở lên trong điều kiện đất đai của Hà Nội và khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay là chưa phù hợp. Do đó, cần căn cứ vào tình hình cụ thể để có chính sách phù hợp.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh, hiện nay, toàn bộ tài sản gắn liền trên đất trang trại từ chuồng trại, vật nuôi, cây trồng đều không được định giá cho vay vốn do chưa được chứng nhận kinh tế trang trại cũng như giao đất dài hạn. Do đó rất cần các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục xác nhận với các trang trại muốn vay vốn của ngân hàng.

Để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tế, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến; cung cấp thông tin thị trường và đào tạo nâng cao trình độ quản lý để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất.

Ngành Nông nghiệp cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh kết nối cung cầu “từ trang trại tới bàn ăn”, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của các trang trại vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Năm 2020, Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và hỗ trợ 50%-100% kinh phí xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm... để quảng bá thương hiệu.

Về nguồn vốn, các quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông sẽ tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay lên tới 400-500 triệu đồng nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Mặt khác, Sở NN&PTNT phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại, làm cơ sở để các trang trại vay vốn... Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ NN&PTNT điều chỉnh quy mô, diện tích với trang trại nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nhỏ hơn 1ha vẫn được công nhận.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Huyện sẽ tập trung phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, trang trại theo hướng sản xuất thực phẩm sạch. Huyện có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại thuê đất dài hạn từ 10 năm trở lên, tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Sự vào cuộc tích cực của ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng như các địa phương sẽ tạo thêm động lực cho kinh tế trang trại Hà Nội phát triển, đáp ứng được các yêu cầu đang đặt ra.