19/01/2025 | 02:45 GMT+7, Hà Nội

Điều gì xảy ra khi mua tài sản dính dáng đến các “đại án” đang bị điều tra?

Cập nhật lúc: 14/04/2018, 23:02

Đây là vấn đề gây ra nhiều vướng mắc và rủi ro pháp lý đối với không ít nhà đầu tư, thậm chí ngay cả các đại gia. Trong đó, đáng lưu ý là những ranh giới để nhận diện tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm hình sự không, có thể bị kê biên không và nhà đầu tư có bị liên đới đến việc tiếp tay cho hành vi tẩu tán tài sản không đôi khi rất khó nhận diện.

Thấy gì từ các tài sản bị ngừng giao dịch trong vụ án Vũ "nhôm"

Mới đây, khi Bộ Công an công bố điều tra việc mua, chuyển nhượng 9 dự án và 31 nhà, đất công sản thì Vũ “nhôm” được cho là có liên quan đến hầu hết các dự án. Điều đáng lưu ý, trước khi bỏ trốn Vũ “nhôm” đã sớm thoái vốn khỏi hàng loạt công ty do mình làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài sản có giá trị khác của đại gia Vũ "nhôm" để lại.

Riêng tại Đà Nẵng, đã có tới 9 dự án lớn và 31 bất động sản thuộc dạng “đất vàng” dính dáng đến Vũ "nhôm" bị cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị kê biên, ngừng mọi giao dịch. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, cuối năm 2017, UBND TP có văn bản yêu cầu ngừng giao dịch tài sản liên quan 4 cá nhân: Phan Văn Anh Vũ, Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ và Nguyễn Thị Thu Hiền. Ngoài ra, TP yêu cầu kiểm tra, rà soát tất cả bất động sản trên địa bàn TP liên quan 4 người có tên nêu trên.

- Một lô đất vàng và một dự án của Vũ Nhôm tại Đà Nẵng bị điều tra

Một lô đất vàng và một dự án của Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng bị điều tra

Yêu cầu trên, theo ông Thơ là theo chỉ đạo từ cấp trên và yêu cầu từ Bộ Công an. Đáng chú ý là liên quan đến các dự án này, có không ít dự án và tài sản rất lớn như các dự án: Công viên An Đồn; Khu đô thị Harbuor Ville của Công ty CP Đầu tư Mega; Khu đất tại đường 2/9 – Phan Thành Tài đường quy hoạch; Dự án Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, quận Thanh Khê;  Khu dịch vụ du lịch nhà hàng – café – bar và bến du thuyền (khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, phía tây cầu Rồng); Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha); Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà;Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ)...

Còn các bất động sản khác trên đường thì đa số trong 31 nhà đất công bị cho là liên quan đến Vũ “nhôm” đều có vị trí mặt tiền, được xếp vào nhóm đất từ vàng đến kim cương, nằm ngay trung tâm TP Đà Nẵng. Theo khảo sát của Công ty Gachvang vào cuối tháng 12/2017 và đầu tháng 1/2018, riêng Bạch Đằng là cung đường có giá đất đắt đỏ tại đô thị đầu tàu miền Trung, ghi nhận 190,5 triệu đồng mỗi m2.

Lô đất ở Bạch Đằng

Lô đất ở tuyến đường Bạch Đằng - phía Bắc dẫn vào cầu Sông Hàn

Tương tự với một số khu đất vàng khác từng liên quan đến đại gia Vũ Nhôm phải kể đến lô đất 12.077m2 tại vệt tuyến đường Bạch Đằng – phía Bắc đường dẫn vào cầu Sông Hàn và lô đất diện tích 1836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo do ông Phạm Đăng Quan (Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Trang) sở hữu vào cuối năm 2016 đã được làm hợp đồng chuyển nhượng cho  Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiêp Phát). Giá chuyển nhượng các lô đất trên theo hợp đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng thời điểm chuyển nhượng nhưng vẫn là rất “hời” so với giá thị trường hiện nay.

Việc mua bán ban đầu diễn ra bình thường nhưng sau khi đại gia Vũ "nhôm” bị khởi tố thì đã có “biến” xung quanh các hợp đồng này. Để đảm bảo thi hành án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa 44 bất động sản của Công ty Phương Trang, trong đó có 21 bất động sản tại TP.HCM, 21 bất động sản tại Đà Nẵng, bao gồm cả hai bất động sản Tân Hiệp Phát chuyển nhượng từ Phương Trang.

Rủi ro liệu có đi kèm với những hệ lụy pháp lý?

Theo thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về quy tắc, sau khi khởi tố bị can, để tránh việc bị can có thể tẩu tán tài sản, trốn tránh trách nhiệm dân sự hoặc tẩu tán các tài sản do phạm pháp mà có thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản bất hợp pháp.

Một giao dịch dân sự để chuyển quyền sở hữu tài sản chỉ được coi là hợp pháp nếu hình thức phù hợp với quy định pháp luật, nội dung không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Không nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ dân sự với bên thứ 3...

Nhưng với vụ án Vũ Nhôm liên quan đến rất nhiều đơn vị, nhiều tài sản nên thời gian xử lý chắc chắn còn kéo dài, điều đó sẽ đặt ra không ít hệ lụy với nhà đầu tư.

Trong khi đó, một vụ án mới đây được dư luận hết sức quan tâm là vụ ông Đinh Ngọc Hệ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, thường gọi là “Út Trọc”) cũng bị khởi tố, điều tra.

Theo tài liệu phóng viên có được, ngày 10-4 vừa qua, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, người chủ sở hữu tài sản đối với 8 sổ đỏ “đất vàng” tại TP Hồ Chí Minh đã tới ngân hàng làm thủ tục giải chấp 8 tài sản đảm bảo do bà Nhung cho Công ty CP Tập đoàn Đức Bình (công ty có nhiều hoạt động liên quan tới ông Đinh Ngọc Hệ) thế chấp để vay tiền tại một hợp đồng tín dụng lập năm 2017.

Theo đó, tài sản thế chấp được bảo đảm lên tới hơn 94 tỷ đồng. Tại tờ trình cấp tín dụng của ngân hàng này lập đầu năm 2017, số tiền cấp tín dụng lên tới 80 tỷ đồng, trong đó cấp tín dụng ngắn hạn 30 tỷ đồng, dài hạn 50 tỷ đồng, tài sản thế chấp gồm 8 thửa đất thuộc quyền sở hữu của bà Đinh Thị Tuyết Nhung. Nhưng trong 8 tài sản đó, ngân hàng đã nhận thế chấp 2 tài sản với tổng giá trị 45 tỷ đồng để bảo đảm cho dư nợ hơn 20 tỷ đồng, với tỷ lệ khoảng 45%, phần tỷ lệ 30% còn lại đề xuất bảo đảm cho khoản vay của Công ty Đức Bình lần này. Theo thẩm định của ngân hàng, thời điểm này ông Đinh Ngọc Hùng làm Tổng giám đốc Công ty Đức Bình với 26% tỷ lệ góp vốn công ty, Đinh Ngọc Liên 45%, Vũ Thị Hoa 29% tỷ lệ góp vốn.

Cũng theo bản đánh giá nêu trên, Công ty CPTĐ Đức Bình đến thời điểm đầu năm 2017 còn vay tiền của chi nhánh BIDV Thành Đô 150 tỷ đồng, OCB chi nhánh Chợ Lớn 18 tỷ đồng. Tình hình vay bình thường nhưng ngân hàng xác định Đức Bình cũng từng phát sinh nợ quá hạn nhóm 5 tại cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp với hơn 182 tỷ đồng.

Theo các đề xuất trên và được sự đồng ý của ngân hàng, đến ngày 8-2-2018 vừa qua,  Công ty CP TĐ Đức Binh vẫn họp HĐQT và nhất trí vay thêm khoản vay ngắn hạn 30 tỷ đồng tại ngân hàng nói trên.

Tuy nhiên, sau thời điểm này, có nhiểu thông tin liên quan đến việc ông Đinh Ngọc Hệ bị khởi tố và một số thông tin trên truyền thông cũng như mạng xã hội về công ty Đức Bình thì mới đây, ngân hàng nói trên đã tất toán các khoản vay được thế chấp từ 8 sổ đỏ nêu trên.

Cần làm rõ sự liên quan tới ông Đinh Ngọc Hệ

Theo nguồn tin riêng của Reatimes, phía ngân hàng mới đây đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng báo cáo về bà Đinh Thị Tuyết Nhung. Dư luận đặt câu hỏi bà Nhung có quan hệ như thế nào với Công ty Đức Bình mà lại cho công ty này “mượn” 8 tài sản có giá trị lớn, vay tiền ngân hàng trong một thời gian dài như vậy?

Mặt khác cũng cần làm rõ các dòng tiền liên quan để làm rõ có hay không sự liên quan giữa ông Đinh Ngọc Hệ và Công ty Đức Bình cũng như các tài sản. Bên cạnh đó, nhiều thông tin và dư luận cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa ông Đinh Ngọc Hệ, bà Vũ Thị Hoan với các công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh... Hai công ty này còn từng đề xuất và tham gia liên danh Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cùng với Công ty Việt Xuân Mới...

Cũng liên quan đến sự việc này, ngày 11/4/2018, bà Trần Uyên Phương,  Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã thanh toán 163 tỷ đồng cho bà Đinh Thị Tuyết Nhung tại ngân hàng nêu trên để chuyển nhượng 8 thửa đất vàng. Đây mới chỉ là một phần tiền trong hợp đồng giao dịch, phần còn lại được biết sẽ được thanh toán sau khi sang tên sổ đỏ.

Qua sự việc một lần nữa cho thấy, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và ngân hàng nói trên khá có “duyên” với bất động sản liên quan tới một số vụ án kinh tế bị điều tra, khởi tố, có thể tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Retimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.