Điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu một số nhóm mặt hàng nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Cập nhật lúc: 30/11/2021, 06:30
Cập nhật lúc: 30/11/2021, 06:30
Ngày 15/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Nghị định này đã điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng.
Việc điều chỉnh thuế suất nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, bảo vệ và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; và đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Thay đổi để phù hợp tình hình mới
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Việc thực hiện các Nghị định này giai đoạn vừa qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu khi ban hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước; một số ngành như chăn nuôi, xây dựng, chế biến chế tạo đang chịu nhiều tác động tiêu cực do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng đột biến. Cụ thể, giá của một số mặt hàng như sắt thép, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đã đặt ra sự cần thiết phải rà soát mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với các mặt hàng này để có sự điều chỉnh phù hợp, qua đó, cùng với các giải pháp chính sách khác góp phần kịp thời giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các Nghị định nêu trên cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập cần được kịp thời rà soát, sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và phòng chống gian lận thương mại trong phân loại, áp mã.
Cùng với đó, thời gian gần đây, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản diễn biến phức tạp, nhất là việc xuất khẩu một số loại tài nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến hoặc chỉ được chế biến ở mức giản đơn có xu hướng tăng mạnh, như mặt hàng đá tự nhiên, các sản phẩm làm từ đá, clanhke. Theo đó, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời, trong đó có biện pháp về thuế xuất khẩu thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia, nhất là các loại khoáng sản không tái tạo cần giữ lại cho sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh này, để thực hiện mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, trong đó có ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và bám sát Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP.
4 nội dung chính được sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 101/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 nhóm sau:
(1) Điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số nhóm mặt hàng để góp phần phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP. Cụ thể, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng như: thép, lúa mỳ, ngô,... Đây là những nhóm mặt hàng có giá cả tăng cao trong giai đoạn vừa qua, tác động đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, để góp phần hạ giá thép trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm chi phí, qua rà soát các Biểu thuế nhập khẩu MFN và hiện trạng phát triển của ngành thép hiện nay, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm với mức giảm thuế suất từ 5% đến 10%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép của việc tăng giá nguyên liệu...
(2) Sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế, hạn chế gian lận thương mại. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng, chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Theo đó, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trong nước trước việc khai thác xuất khẩu tài nguyên thô đang có xu hướng tăng mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia, nhất là các loại khoáng sản không tái tạo, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, căn cứ khung thuế suất được Quốc hội quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chính phủ đã điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tài nguyên khoáng sản như đá, clanhke. Tuy nhiên, để hạn chế các tác động đối các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp thời gian hợp lý điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xử lý hàng tồn kho, việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình, trong đó đối với các mặt hàng đá và sản phẩm làm từ đá được thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn theo 3 năm (2022-2024) và mức tăng thuế suất của mỗi lần điều chỉnh không quá 5%.
(3) Sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước được quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP. Theo quy định hiện hành, Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022. Đây là Chương trình lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế. Sau khi Chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư trở lại để sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất để cung cấp các sản phẩm cho thị trường trong nước.
Việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại các Nghị định này từ năm 2018 đến nay đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của ô tô nhập khẩu trong bối cảnh cắt giảm hàng rào thuế quan theo các Hiệp định FTA. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách công cộng gần như đình trệ cùng với thu nhập của người dân giảm sút đã làm cho doanh số bán ra của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sụt giảm mạnh, nhất là dòng xe ô tô buýt, minibuýt và xe khách.
Theo đó, để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành CNHT ô tô trong nước, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh một số nội dung của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế (Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng); điều chỉnh điều kiện về sản lượng để tham gia Chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, trên cơ sở các kết quả đạt được từ việc thực hiện Chương trình giai đoạn vừa qua, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình này đến 31/12/2027 để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
(4) Điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý, khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn. Cụ thể, để khắc phục các bất cập phát sinh trên thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; đồng thời để đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh sửa đổi, một số nội dung tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP như: điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng hạt giống dùng để gieo trồng trồng, lốp chuyên dùng cho khai thác than hầm lò, điều chỉnh điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu MFN 10% đối với mặt hàng gel làm giảm sẹo .... Cùng với đó, đã thực hiện rà soát để quy định mức thuế suất như nhau đối với những mặt hàng đang có mức thuế suất chênh lệch nhưng thiếu các tiêu chí cụ thể để phân loại, áp mã, qua đó góp phần đơn giản hóa biểu thuế, giảm chi phí giám định cho các doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu hạn chế gian lận thương mại.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dieu-chinh-thue-suat-thue-xuat-khau-mot-so-nhom-mat-hang-nham-ho-tro-san-xuat-kinh-doanh-61477.html
18:06, 29/11/2021
17:02, 29/11/2021
14:54, 29/11/2021