22/11/2024 | 07:45 GMT+7, Hà Nội

Điện, xăng tăng giá: Nhiều mặt hàng “ăn theo” đội giá

Cập nhật lúc: 17/05/2019, 03:20

Việc tăng giá xăng liên tiếp trong thời gian qua cũng như sự biến động về điện đang trở thành “cú sốc” đối với người dân trong thời điểm hiện tại.

Thời gian gần đây việc xăng, điện tăng giá đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. "Vịn" vào cớ này mà nhiều mặt hàng thi nhau đội giá. Điều này khiến người dân không khỏi lo lắng về việc kiểm soát giá cả thị trường của các cơ quan quản lý.

Giá thực phẩm tại chợ Phùng Khoang tăng mạnh. Ảnh: Lương Minh Giá thực phẩm tại chợ Phùng Khoang tăng mạnh. 

Nhiều mặt hàng tăng giá

Việc tăng giá xăng liên tiếp trong thời gian qua cũng như sự biến động về điện đang trở thành “cú sốc” đối với người dân trong thời điểm hiện tại.Từ vấn đề này, hiện nay giá cả thị trường đang có sự “vin” vào để tăng giá các mặt hàng. Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ, cũng như siêu thị tại Hà Nội, giá thực thẩm đều với mức chênh lên tới 15% - 30 % tùy vào từng loại sản phẩm.

Đặc biệt, tại các khu chợ lớn trên địa bàn Hà Nội như chợ Ngã tư sở, chợ Cầu Giấy, chợ Phùng Khoang … giá các loại thịt đã có dấu hiệu tăng mạnh. Đáng chú ý là giá thịt bò thăn, trước khi xăng chưa tăng là 260.000 - 280.000 đồng/ kg. Nhưng hiện tại, giá này đã tăng lên 300.000 – 330.000 đồng/kg. Bắp bò loại ngon, tại chợ Phùng Khoang, có chỗ đội giá lên mức 360.000 đồng/kg (trước chỉ có giá 300.000 đồng/kg). Riêng thịt lợn, tuy có bị ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi nhưng giá vẫn tăng. Theo đó, thịt lợn thăn có giá 110.000 đồng/kg, sườn 120.000 đồng/kg (bị đội lên 10.000 đồng mỗi giá so với trước đó).

Giá thịt gà ta sống cũng lên giá từ 170.000 đồng/kg – 200.000 đồng/kg (trước chỉ có giá 130.000 – 140.000 đồng/kg) tùy từng nơi. Tôm, cá cũng tăng lên rõ rệt. Tôm đồng giá đã ở mức 250.000 đồng/kg (trước ở mức 200.000 đồng/kg), cá trắm cỏ giá 100.000 – 110.000 đồng/kg loại to (trước chỉ ở mức 70.000 đồng/ kg), cá chép cũng lên 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg (trước chỉ có giá 65.000 đồng/kg) ghi nhận ở chợ Cầu Giấy…

Về rau củ cũng tăng ở mức tương đối. Bí xanh (bí đao) 28.000 đồng/kg (trước có giá 15.000 đồng/kg), rau muống, mồng tơi, ở mức 7.000 đồng/mớ, (trước đó chỉ 5.000 đồng/mớ)… Điểm qua một số siêu thị như BigC Thăng Long, BicgC Gardent, Coopmark… thì mức tăng giá các thực phẩm tươi sống, thịt, cá, rau, quả chỉ ở mức nhẹ. Chủ yếu tăng tầm 5% so với giá trước đó và tùy từng sản phẩm. Đa phần các sản phẩm vẫn giữ ở mức ổn định.

Chị Hiền, tiểu thương bán thịt bò tại chợ Cầu Giấy cho biết: Xăng tăng, chi phí đi lại cho thợ mổ thịt cũng tăng, điện, nước tăng các chi phí kéo theo để phục vụ cho công tác giết mổ cũng theo đó tăng lên. Từ đó bắt buộc giá thịt phải đẩy lên để bù cho các khoản trên là hợp lý. Cùng với lý giải trên, chị Thu Hoài, tiểu thương kinh doanh ở chợ Phùng Khoang cho biết: Sạp rau của cửa hàng phải thuê rất nhiều “shiper”, họ báo giá cao lên thì cửa hàng cũng phải tăng giá lên để trả cho phí vận chuyển.

Trên kênh bán hàng online, các tiểu thương cũng đua nhau “kêu trời” khi shiper đòi tăng giá vì giá xăng tăng. Tiền ship tăng đột ngột theo giá xăng, nhiều người chỉ biết ngậm ngùi chịu hòa vốn hoặc nhiều người chọn phương án tự ship hàng để lấy công làm lãi.

Cần có giải pháp

Các chủ bán hàng online kêu trời khi giá shiper cũng tăng lên với lí do xăng tăng giá. Ảnh: Lương Minh Các chủ bán hàng online kêu trời khi giá shiper cũng tăng lên với lí do xăng tăng giá.

Trước hàng loạt thông tin tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, nước, dịch vụ tăng, phí y tế… người dân hết sức lo lắng và mong mỏi biện pháp can thiệp từ phía Nhà nước, các cơ quan quản lý về bình ổn giá thị trường.

Theo chia sẻ của người dân trên các trang mạng về tình trạng tăng giá liên tục của các mặt hàng tiêu dùng, họ bày tỏ lo ngại về cuộc sống trước mắt. Khi các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, y tế hay giáo dục đều do Nhà nước quản lý; vậy vấn đề đặt ra là tại sao giá thành của các mặt hàng này lại không được kiểm soát.

Nếu đúng là giá bán đang thấp hơn so với giá thành và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thị trường thì cũng cần phải công bố lộ trình cụ thể với những bước điều chỉnh được chia nhỏ hay biện pháp nào đó có thể tránh điều chỉnh 1 lần gây sốc đối với người dân và doanh nghiệp như hiện nay.

Nếu như so sánh với nhiều năm trước đây, công tác điều hành tỉ giá cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Cam kết không phá giá nhưng không thực hiện được đã tạo ra một thị trường ngoại hối cực kỳ bất ổn và tín nhiệm của nhà điều hành xuống thấp. Và sau bao nhiêu năm, câu chuyện giá xăng, điện cùng nhiều mặt hàng khác dồn dập tăng giá trong một tháng lại một lần nữa lặp lại. Hậu quả là tạo sự bức xúc nơi người dân rất lớn, bởi việc này không phải là lần đầu tiên. Theo đó, niềm tin nơi người dân về bình ổn giá liệu còn ý nghĩa.

Nếu trước kia, chúng ta đã gặp phải một lần thì tại sao vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm mà đến nay hiện tượng này lại để xảy ra một lần nữa. Câu hỏi này cần đặt ở các nhà quản lý hay Nhà nước để có câu trả lời thỏa đáng đến người dân.

Riêng đối với nhiều mặt hàng có giá phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới hoặc các yếu tố khách quan thì Nhà nước có cần tránh những cam kết cứng hay không? Việc điều hành giá nên linh hoạt, chủ động, tránh tự tích tụ rủi ro và thu hẹp không gian thực thi và đặc biệt nên có tính dự báo cho người dân và doanh nghiệp.

Tại thời điểm hiện tại, các cơ quan với chức năng quản lý giá, quản lý thị trường cần có sự kiểm soát chặt chẽ về giá cả thị trường để tránh xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa”. Từ đó hạn chế ngay việc lợi dụng tăng giá điện để tăng giá hàng hóa. Các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình, theo dõi chặt chẽ để có các chính sách điều chỉnh giá cả các mặt hàng trên thị trường cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.