19/01/2025 | 06:14 GMT+7, Hà Nội

Điện thoại, nước hoa và tư duy tận thu!

Cập nhật lúc: 08/05/2019, 07:00

Thuế tiêu thụ đặc biệt để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà Nhà nước thấy rằng không khuyến khích hay hạn chế dùng.

Chiếc điện thoại di động của lao động xa quê, lọ nước hoa của công nhân nghèo, chút mỹ phẩm làm dáng khi có dịp của những người đàn bà lam lũ… có thể phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nếu đề xuất đánh loại thuế này lên những mặt hàng trên được chấp thuận!?

Ý tưởng không mới, đề xuất cũng chẳng lạ nhưng lâu nay chưa ai “dám” áp dụng vì càng ngày sắc thuế đó cho những món hàng thiết yếu, tiện dụng như vậy càng phi lý lạc lõng. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Đó là một đề xuất bất hợp lý, nếu không muốn nói là bậy bạ. Tôi không thấy có căn cứ nào hợp lý và thành phố thiếu hẳn triết lý để đánh thuế đối với các mặt hàng này”.

Tôi cũng thấy chẳng có cơ sở nào để người ta có thể thu thêm thuế của thứ mà hàng chục triệu dân đang mang bên mình hay dùng hàng ngày. Dựa vào đâu để buộc chai nước hoa của gần 50 triệu phụ nữ trên đất nước này phải cõng thêm những đồng thuế?

Từ cái gì bắt họ phải tốn thêm tiền cho những cái mà từ đứa trẻ chưa thành niên cho đến cụ già gần đất xa trời xem như vật bất ly thân? Lý lẽ nào để cho ra thuế cao hơn với dịch vụ thẩm mỹ khi mà người dị tật hay tai nạn tìm cần đến?

Thuế TTĐB để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà nhà nước thấy rằng không khuyến khích hay hạn chế dùng. Chẳng lẽ họ lại không muốn dân chúng ít dùng smartphone, một thứ cực kỳ hữu ích cho cuộc “cách mạng 4.0”?

Phải chăng họ chẳng thích hàng chục triệu đồng bào thơm tho, đẹp đẽ và quyến rũ hơn với những lọ nước hoa hữu dụng cho phụ nữ và có khi cả đàn ông?

Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, từ nhà giàu cho đến người nghèo đều dùng, chứ đâu còn là xa xỉ phẩm mà đòi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt? Điện thoại di động cũng từ lâu là thứ không thể thiếu của vài chục triệu người chứ có còn là thứ đắt đỏ đâu mà muốn thu thêm tiền?

Nếu tôi không lầm, ý tưởng này đã năm lần bảy lượt bị phản bác dữ dội nhưng là của một vài cá nhân chứ chưa bao giờ một chính quyền TP lớn lại đề xuất trớ trêu như vậy!

Người dân đang tự hỏi với tư duy tận thu trên thì tivi, tủ lạnh, mô tô, xe máy… đều phải đánh thuế TTĐB hết hay sao? Chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển nên cần dẹp bỏ ngay trong “trứng nước”.

Nhà nước nào cũng cần tiền, ngân sách nào cũng nhiều nguồn và quốc gia nào cũng phát triển từ thuế. Nhưng đánh thuế để thu tiền chứ không chỉ tận thu hay bắt chẹt dân chúng khi họ buộc phải dùng thứ hàng đó! Khuyến khích tiêu dùng để sức mua tăng, hạ thuế để người dân sở hữu dễ dàng hơn có khi dễ dàng, lâu dài và bền vững hơn là chăm chăm nghĩ ra thu bằng mọi cách, mọi giá.

Có thể TP.HCM đang chịu áp lực thu thuế và nộp ngân sách. Nhưng đừng vì thế mà đề xuất hay nghĩ thêm cách thu như đánh thuế TTĐB rượu bia cao hơn các địa phương khác trước đây và điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm như bây giờ.

TP.HCM có đặc thù nhưng không nên là những “đặc thù” như thế, lợi chưa thấy đâu hại đã lan truyền.

Phan Bình