Cần có kế hoạch điều chỉnh biểu giá điện phù hợp với người dân
Cập nhật lúc: 06/05/2019, 01:00
Cập nhật lúc: 06/05/2019, 01:00
Bộ Công Thương mới cho biết, sau phản ánh của người dân, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn diện lực Việt Nam (EVN) xử lý, có đoàn kiểm tra để giải đáp thắc mắc của khách hàng và thực hiện truy thu/thoái hoàn tiền điện theo đúng theo quy định nếu có sai sót và sẽ xử lý trách nhiệm nếu có.
Tháng 4 - tháng khủng hoảng tiền điện của người dân
Trước đây, Bộ Công Thương nghiên cứu sử dụng phương án giá điện bậc thang nhằm mục đích chính là giúp người dân ý thức việc sử dụng điện để tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên trên thực tế, theo nhiều phản ánh của người dân hiện nay thì thực chất không phải vậy. Bởi trong hóa đơn tiền điện hàng tháng, theo cách tính của EVN đã thể hiện rõ cách tính bậc thang, người dân đều nắm rõ điều này và ý thức việc sử dụng điện. Nhưng ngoài việc áp dụng tăng giá điện thì điều họ không thể lý giải được tại sao trong tháng 4 vừa rồi số điện tiêu thụ của họ tăng lên một cách chóng mặt và vô lý.
Cụ thể như trường hợp dưới đây:
Hóa đơn tiền điện các tháng trước tháng 4 với tiền điện tháng 4/2019 của người dân Hoài Đức, Hà Nội
Tờ hóa đơn thứ nhất được thu vào Tháng 3/2019 là hóa đơn tiền điện của 4 tháng trước đó (từ tháng 12/ 2018 - tháng 3/2019) với tổng số tiền là 888.107 đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng người dân dùng hết tầm hơn 200 nghìn tiền điện.
Tuy nhiên sang Tháng 4, số tiền điện tăng một cách đột biến, gần gấp đôi các tháng trước. Mặc dù, người dân cho biết, Tháng 4 vừa rồi, gia đình chưa sử dụng điều hòa vì bị hỏng, chưa kịp sửa. Theo đó, mức độ sử dụng điện năng của gia đình chủ yếu vào buổi tối cho 4 thành viên gồm hai vợ chồng và 2 trẻ nhỏ chỉ là tivi, điện thắp sáng, máy giặt, bếp điện, quạt trần...
Theo đó, người dân có thắc mắc với người thu tiền điện thì được trả lời rằng, họ chỉ là người thu tiền điện nên họ không nắm được.
Một trường hợp khác là hộ gia đình anh M., vì thấy hóa đơn thu tiền điện tăng đột biến nên anh cần giải thích, không nộp tiền đúng ngày quy định và đã bị "nhà điện" cắt nguồn. Anh này vẫn chưa hết "sốc" với tiền tiêu thụ điện năng Tháng 4 của mình vì bình thường, tiền điện của gia đình chỉ tiêu thụ chưa đầy 100 nghìn tiền điện nhưng sang tháng 4, số điện tăng đột biến, lên tới gần 200 nghìn đồng.
Vì số điện tăng đột biến, không được giải thích rõ, khách hàng đã không đóng tiền và đã bị tạm ngừng cung cấp điện
Theo sự việc nêu trên, thì ngoài việc EVN phải giải trình việc tăng giá điện một cách đột biến trong Tháng 4 vừa qua thì cũng cần phải có đoàn kiểm tra làm rõ việc kiểm tra công tơ điện và tính số điện năng tiêu thụ cho người dân đã đúng hay chưa.
Theo như trả lời của đại diện EVN và Bộ Công Thương vừa qua cho rằng, do đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao và Tháng 4 vừa qua là tháng đỉnh điểm nắng nóng nên mức tiền điện mới tăng lên là không có gì quá ngạc nhiên.
Tuy nhiên, giải thích này không làm người dân thỏa mãn, bởi nắng nóng năm nào cũng có, mức tiêu thụ điện năng của hầu hết gia đình trong một, hai năm nay gần đây không có gì thay đổi nhiều thì không có lý do gì mà mức tiêu thụ điện năng lại tăng một cách đột biến và vô lý như vậy. Theo đó, Bộ Công Thương cần có giải trình hợp lý và rõ ràng về việc này.
Trình bày về vấn đề này, sáng nay Bộ Công Thương thông tin đã thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Thành phần gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện một số hiệp hội ngành hàng...
Theo đó, các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra trên 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm đảm bảo việc thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định của Bộ về điều chỉnh giá bán lẻ điện, nhằm đưa lại giá điện hợp lý cho người dân yên tâm sử dụng.
Đoàn kiểm tra này cũng có trách nhiệm kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bàn về giải pháp lâu dài cho việc điều chỉnh giá điện sẽ không bị biến động lớn và "đột biến" như thời gian vừa rồi, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, có một thông tin khá tích cực là mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ, bao gồm: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong số đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ ngày 1/7/2012, thị trường bán buôn cạnh tranh đã vận hành từ 1/1/2019, thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ chính thức từ năm 2023.
Và Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng thiết kế thị trường đi đôi với việc xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để trình Thủ tướng trong năm 2020. Song song công tác đó, Bộ sẽ xây dựng cơ chế để triển khai thực hiện thí điểm cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo được trực tiếp bán điện cho khách hàng sử dụng điện, tạo nền tảng cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong các năm tiếp theo. Và khi thị trường bán lẻ cạnh tranh đi vào hoạt động, khách hàng có thể tự lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình với giá cạnh tranh trên thị trường.
14:00, 05/05/2019
09:31, 05/05/2019
14:02, 04/05/2019