22/11/2024 | 02:34 GMT+7, Hà Nội

Diễn biến bất ngờ của thị trường dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay

Cập nhật lúc: 30/04/2020, 07:20

Thị trường dịp lễ 30/4 - 1/5 có thay đổi nhiều so với năm trước khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay có lẽ là kỳ nghỉ lễ vô cùng khác biệt khi đến trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Các năm trước, mọi người sẽ tận dụng thời điểm nghỉ lễ để đi du lịch, tụ tập ngoài trời để vui chơi đón lễ. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động vui chơi được tiết chế lại khi cả xã hội vẫn còn phải e dè và giãn khoảng cách cần thiết phòng tránh dịch bệnh lây lan. Chính vì vậy, thị trường dịp lễ cũng có nhiều thay đổi bất ngờ so với năm trước.

Thị trường du lịch

Thị trường mùa lễ đáng quan tâm nhất là du lịch. Thông thường, dịp này người dân sẽ đổ xô đi du lịch, cả trong và ngoài nước, dẫn tới tình trạng quá tải, “cháy” tour và phòng khách sạn, chưa kể còn “chặt chém” khách tại các khu du lịch, các điểm đến.

Tuy nhiên, năm nay các hoạt động du lịch còn phải nghe ngóng vì có thể có những điều chỉnh trong bối cảnh mới. Chẳng hạn, quy định về số khách mỗi tour hay số khách trên xe, chưa kể là các biện pháp y tế khác để đảm bảo an toàn cho khách. Nhiều công ty du lịch cho rằng chưa bao giờ thấy du lịch ảm đạm thế này.

Du lịch mùa lễ năm nay có vẻ ảm đạm

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel cho rằng, các tỉnh mới khôi phục lại hoạt động kinh tế xã hội, những hạn chế trong vận chuyển du lịch cũng ảnh hưởng đến đường tour, và người dân chưa sẵn sàng để tham gia tour vốn còn ẩn chứa các rủi ro.

Còn đại diện của Viettravel cho rằng, lệnh nới lỏng cách ly được thực hiện quá gần thời điểm nghỉ lễ cho nên việc chuẩn bị gói tour đối với khách hàng và cả công ty du lịch đều gặp khó khăn.

Dù rằng giá tour trong thời điểm này vô cùng rẻ, các đại lý du lịch liên tục tung nhiều khuyến mãi du khách như khu nghỉ dưỡng Mũi Né deCentury Beach, Anantara Quy Nhơn (Bình Định)... giảm tới 45 - 50% so với ngày thường, kể cả dịp lễ.

Khách sạn Intercontinetal Đà Nẵng giảm giá "khủng" chỉ còn từ 6.950.000 đồng/đêm. The Mansion Hoi An ưu đãi giảm đến 40% giá phòng cùng quà tặng, dịch vụ miễn phí lên đến 1 triệu đồng, áp dụng xuyên lễ 30/4 - 1/5. VinWonders ưu đãi 50% hơn 30.000 voucher...

Thị trường du lịch ảm đạm thì thị trường hàng không cũng không kém. Theo thống kê của Cục Hàng không, số lượng chuyến bay 5 hãng hàng không thực hiện trong giai đoạn 19/3 - 18/4 là 4.964 chuyến bay, mức thấp kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Dù các hãng hàng không đã thi nhau tung những gói khuyến mãi, thậm chí là thẻ bay trọn gói dành cho các đối tượng nhưng các chuyến bay cũng chẳng nhỉnh hơn là bao. Với chặng bay TP HCM - Đà Nẵng khởi hành ngày 30/4 và trở về ngày 3/5, Bamboo Airways đang có giá vé khứ hồi 3 triệu đồng. Giá vé khứ hồi trên chặng bay này của Vietjet Air 3,5 triệu đồng, trong khi Vietnam Airlines là 3,8 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn so với cao điểm 30/4 - 1/5 những năm trước đó. Cũng theo ghi nhận, lượng ghế trên các chuyến bay vẫn còn dồi dào, không rơi vào tình trạng cháy vé, hết ghế giờ đẹp.

Thị trường hàng hóa

Sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều người đã tìm đến các trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi hơn. Để đáp ứng được nhu cầu này, các hệ thống phân phối và siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng tốt để bình ổn giá trong dịp lễ. Tại siêu thị BigC, Co.opmart, Aeon mall... (Hà Đông, Hà Nội) cho thấy, lượng hàng hóa tiêu dùng đã đầy ắp các kệ. Các siêu thị cũng tung ra hàng loạt các chương trình giảm giá mạnh các sản phẩm.

Tại hệ thống siêu thị BigC Hà Đông, không khó để thấy các chương trình khuyến mại được treo khắp nơi, trong đó các các chương trình như: Đại tiệc thịt gà, thực đơn sống khỏe, khỏe cùng vitamin với nhưng mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, cá, thịt gà, trái cây… áp dụng các chương trình giảm giá mạnh.

Cũng như BigC, tại hệ thống siêu thị Co.opmart áp dụng chương trình giảm giá các mặt hàng nhu yếu phẩm mừng ngày lễ 30/4, với tỉ lệ giảm giá từ 15 - 50% cho hầu hết các mặt hàng tại siêu thị. Cụ thể, mặt hàng thịt lợn, cá, gà… giảm giá trung bình khoảng 15%. Nhóm thực phẩm công nghiệp, mặt hàng thiết yếu cũng giảm giá trung bình hơn 20 - 30%.

Tuy nhiên, tại thị trường miền Nam có vẻ khởi sắc hơn một chút. Các mặt hàng thủy sản đều tăng giá trở lại.

Thủy hải sản đang có giá nhỉnh hơn thời gian trước

Cụ thể, ngày 28/4, tôm sú loại từ 10 – 15 con/kg được giao với giá 290.000 - 300.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm càng xanh mua xô 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; sò huyết loại 60 con/kg có giá 70.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg.

Giá cua thịt loại 5- 6 con/kg từ 150.000 – 160.000 đồng/kg, cua thịt loại I (3 con /kg) từ 270.000 đồng/kg, cua gạch từ 300.000 /kg, tăng bình quân 10.000 đồng/kg.

Sau thời gian rớt giá trầm trọng vì dịch bệnh, thủy sản tăng giá đã mang lại niềm hy vọng cho những người nông dân nuôi trồng.