04/12/2024 | 15:00 GMT+7, Hà Nội

Điểm mới của Luật sửa đổi 4 luật lĩnh vực đầu tư Quốc hội vừa thông qua

Cập nhật lúc: 30/11/2024, 09:39

Chiều 29/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với những điểm mới đáng chú ý.

Việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch

Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, Luật sửa đổi 4 luật lĩnh vực đầu tư quy định, việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định giữa các quy hoạch.

Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn khi có một trong các căn cứ sau: Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về bảo đảm quốc phòng, an ninh; sắp xếp đơn vị hành chính và các dự án quan trọng quốc gia làm thay đổi một, một số nội dung quy hoạch; Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn; Quy hoạch có mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; Việc thực hiện các dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một, một số nội dung quy hoạch theo quy định của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Luật cũng quy định chi phí lập, công bố, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công và nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chi phí lập, thẩm định, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch, thẩm định, thẩm định điều chỉnh quy hoạch; điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn; đánh giá quy hoạch, sẽ sử dụng nguồn chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Chi phí lập, thẩm định, công bố, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sử dụng nguồn chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác, do Chính phủ quy định.

Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng cho dự án công nghiệp công nghệ cao

Theo Luật vừa thông qua, Chính phủ sẽ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác. Qua đó, ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm và bổ sung cho Quỹ, hình thức hỗ trợ, cơ chế bồi hoàn hỗ trợ và các chính sách đặc thù khác của Quỹ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Các đại biểu tiến hành biểu quyết. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt, Luật quy định, trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều này đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ đăng ký đầu tư gồm tài liệu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 33 của Luật này, trong đó văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư bao gồm cam kết việc đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; đề xuất dự án đầu tư bao gồm nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường thay thế cho đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Hồ sơ đăng ký được gửi cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đánh giá hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Quy định cụ thể liên quan đến Dự án đầu tư theo phương thức PPP

Về dự án đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định dự án được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Ngoại trừ dự án thuộc trường hợp sau đây: Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật; Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 5 của Luật này. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 của Luật này.

Trong đó, dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên do Bộ, cơ quan trung ương quản lý; dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước thu được sau đấu giá quỹ đất, tài sản công đối với quỹ đất, tài sản công thuộc Trung ương quản lý có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 tỷ đồng trở lên.

Trong trường hợp đặc biệt, việc lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có một, hoặc một số yêu cầu, điều kiện đặc thù về thủ tục đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển; thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 5 của Luật này.

Nguồn: https://reatimes.vn/diem-moi-cua-luat-sua-doi-4-luat-linh-vuc-dau-tu-quoc-hoi-vua-thong-qua-202241129170506616.htm