21/01/2025 | 07:55 GMT+7, Hà Nội

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại nhộn nhịp... trên mạng

Cập nhật lúc: 23/01/2021, 14:21

Nắm bắt được nhu cầu của người dân về đổi tiền lẻ dịp Tết Nguyên đán, một số trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại “nở rộ”, nhận vận chuyển tới tận nơi dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm.

Bất chấp lệnh cấm của cơ quan quản lý và mức phạt lên đến 40 triệu đồng, dịch vụ đổi tiền lẻ mới, săn tiền độc lạ của các nước có hình liên quan đến con trâu dịp Tết Tân Sửu 2021 trở nên sôi động. Nguyên nhân được cho là lợi nhuận mang lại cho các “dân buôn” lớn hơn nhiều so với số tiền bị phạt và một phần do sự quản lý chưa nghiêm của cơ quan chức năng.

Ghi nhận tại Hà Nội, dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ tại cổng các chùa như: Quán Sứ, Đền Quán Thánh... hoạt động “ẩn” hơn. Muốn đổi tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, phải trả phí 30%, tức là nhận 1 cọc 1.000 đồng tiền mới tương đương 100.000 đồng, khách chỉ được nhận 70.000 đồng; đổi tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, mất phí 20%. Với mệnh giá cao hơn, ví dụ 50.000 đồng, hiện không có tiền mới hoàn toàn nên nếu muốn đổi 5 triệu đồng thì khách phải chịu phí 150.000 đồng. Như vậy, nếu đổi tiền lẻ, tiền mới trực tiếp, người dân thường phải chịu phí từ 18% đến 30%.

Khảo sát trên chợ mạng, việc đổi tiền lẻ trên hệ thống này luôn nhộn nhịp một cách công khai. Không những thế, các “thượng đế” chỉ cần ngồi nhà, bấm điện thoại giao dịch, việc còn lại sẽ có nhân viên đến tận nơi đổi trả, phục vụ tận tình.

Chị Kiều Oanh (quận Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, do dịch Covid-19 nên năm nay tiền lẻ chị đổi cũng không nhiều, chỉ đổi ít tiền lẻ đi chùa đầu năm. Dù phải chịu chi phí chênh lệch, nhưng chị Mai cho rằng, Tết mà không có tiền lẻ mừng tuổi cho con, cháu thì không được. “Ngân hàng siết quy định không cho đổi tiền lẻ, mà bản thân mình cần nên phải đổi trên mạng. Dịch vụ đổi tiền lẻ khá nhanh, thậm chí họ còn giao hàng tận nơi”, chị Oanh nói.

Chỉ cần gõ trên thanh công cụ tìm kiếm Google hoặc facebook cụm từ khóa “đổi tiền mới” hay “tiền lẻ mới”, với những lời quảng cáo bao nhiêu cũng có, đến cả những loại tiền lẻ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng đều được cung cấp số lượng lớn, khiến người dùng không khỏi bị choáng ngộp bởi những lời rao này.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, dịch vụ “rao bán” tiền lì xì trên mạng gần đây còn có thêm dịch vụ bán các loại tiền của nhiều nước. Chẳng hạn, tờ tiền 2 USD được niêm yết với nhiều mức giá khác nhau. Với series đẹp, giá bán tờ 2 USD có thể lên tới 800.000 đồng/USD.

Đề cập tới dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trong bối cảnh NHNN không có chủ trương đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết, luật sư Nguyễn Hồng Thái, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng. Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần”.

Luật sư Thái cũng đưa ra rất nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo… mà người dân có thể gặp khi đổi tiền trên mạng. Đổi tiền online cũng như trực tiếp sẽ gặp nhiều rủi ro như bị đổi thiếu tiền; tiền bất hợp pháp, tiền giả do không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. “Khi bị nhận tiền giả, người đổi còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có? Tôi nghĩ là không nên đổi tiền, mất phí”, luật sư Thái nói.

Để tiết kiệm ngân sách, Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết: Nhờ chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết, những năm qua ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng. “Tết Tân Sửu năm nay, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN cho biết.

Phó Thống đốc cho rằng: Việc sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đi lễ đền chùa chỉ là thói quen. NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ. “Chúng tôi vẫn hạn chế in thêm tiền lẻ để tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Về mặt pháp lý, NHNN không có chức năng phục vụ nhu cầu tiền lẻ trong dịp này”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/dich-vu-doi-tien-le-tien-moi-lai-nhon-nhip-tren-mang-224828.html